Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23. 56)

“Lạy Cha, Con phó thác hồn Con trong tay Cha”

Tin mừng Lc 22, 14-23. 56:

“Sự thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

Ðến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo các ông:

J. “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”.

C. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán:

J. “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!”

C. Ðoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán:

J. “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

C. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán:

J. “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Ðành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!”

C. Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó. Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai trong họ được coi là cao trọng hơn hết. Nhưng Người bảo:

J. “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. Vì người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ. Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các cơn gian nan của Thầy, và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!”

C. Rồi Chúa nói:

J. “Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”.

C. Ông thưa Người:

S. “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”.

C. Nhưng Người đáp:

J. “Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy”.

C. Và Người bảo các ông:

J. “Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?”

C. Các ông thưa:

S. “Không thiếu gì cả”.

C. Vậy Người nói:

J. “Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy, ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình mà mua lấy gươm. Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải được ứng nghiệm: “Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác”. Vì mọi điều đã chép về Thầy phải được hoàn tất”.

C. Các ông thưa Người:

S. “Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây”.

C. Và Người bảo:

J. “Ðủ rồi”.

C. Ðoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông:

J. “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”.

C. Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng:

J. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”.

C. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo:

J. “Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”.

C. Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn:

J. “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?”

C. Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi:

S. “Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà chém không?”

C. Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt tai phải. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo:

J. “Thôi, đủ rồi”.

C. Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa cho y lành lại. Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng:

J. “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm”.

C. Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng tế. Còn Phêrô đi theo xa xa.

Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi lẫn với họ. Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo:

S. “Cả ông này cũng theo hắn”.

C. Nhưng ông chối và nói:

S. “Này chị, tôi đâu quen biết người ấy”.

C. Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói:

S. “Chính ông cũng là người trong bọn đó”.

C. Nhưng Phêrô đáp:

S. “Này anh, đâu có phải tôi”.

C. Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết rằng:

S. “Ðúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta cũng là người xứ Galilêa”.

C. Phêrô đáp:

S. “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?”

C. Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết.

Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. Chúng che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng:

S. “Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó”.

C. Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ Người. Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi hay”.

C. Người trả lời:

J. “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”.

C. Mọi người đều hỏi lại:

S. “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?”

C. Người đáp:

J. “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”.

C. Bấy giờ họ nói:

S. “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói”.

C. Ðoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô.

Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.

C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:

S. “Ta không thấy người này có tội gì”.

C. Nhưng họ cố nài rằng:

S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.

C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ:

S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:

S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”.

C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:

S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!”

C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:

S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.

C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:

J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”

C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:

J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:

S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.

C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói:

S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”.

C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:

S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”

C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:

S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”.

C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:

S. “Ông này quả thật là người công chính”.

C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Ðoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.

Suy niệm:

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu được 4 Thánh sử ghi lại rất chi tiết và đầy đủ. Mỗi tác giả Tin mừng có một nét đặc biệt nơi Đức Giêsu chịu khổ nạn.

Theo nhà chú giải Thánh kinh Raymond E. Brown tóm tắt trình thuật của 4 Thánh sử về cuộc thương khó của Chúa Giêsu như sau:

– Chúa Giêsu khổ nạn trong Tin mừng Matthew và Marco là vị Thiên Chúa “gục đầu” bị đau khổ và bị bỏ rơi.

– Chúa Giêsu khổ nạn trong Gioan là vị vua “đang ngự trên ngai”.

– Chúa Giêsu khổ nạn trong Luca là một vị thiên Chúa nhân từ “đang mở rộng vòng tay” đón tiếp các tội nhân.

Nhân từ là nét nổi bật của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Lòng nhân từ của ngài được biểu lộ qua những hành động sau đây:

– Đức Giêsu chữa lành tai người đầy tớ của vị thượng tế khi bị Phêrô chém ở vườn cây dầu.

– Ngài âu yếm đưa mắt nhân từ nhìn Phêrô sau khi Phêrô chối Thầy, làm cho ông ăn năn sám hối.

– Ngài dừng lại an ủi những phụ nữ khóc thương Ngài trên con đường thập giá.

– Ngài hứa ban thiên đàng cho tên trộm có lòng sám hối: “Hôm nay, anh được lên thiên đàng với tôi”.

– Đức Giêsu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết”. Tha thứ cho kẻ hại mình là cao điểm của tình thương bác ái.

Điểm chính yếu mà các thánh sử muốn trình bày là lòng trung thành, lòng can đảm và lòng nhân từ của Chúa Giêsu.

Trên nền trời u ám của đồi Canvê, lòng nhân từ của Chúa Giêsu chiếu tỏa sáng ngời.

Đức Giêsu đã chết vì yêu thương nhân loại.

Đức Giêsu đã chết để nhân loại được cứu độ.

Đức Giêsu đã chết để giao hòa con người với Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã chết trên thập giá là cao điểm của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại: “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám chết cho người mình yêu” (Ga 15, 13).

Đối với con mắt nhân loại, việc chúa Giêsu chết trên thập giá là một sự thất bại. Nhưng thực ra đó là một chiến thắng vĩ đại:

– Chiến thắng của tình yêu trên hận thù.

– Chiến thắng của sự thiện trên sự dữ.

– Chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối.

– Chiến thắng của sự sống trên sự chết: “Khi nào Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi”.

Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay tung hô Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia và kêu mời chúng ta bước theo Người trên con đường thập giá. Thông hiệp với thập giá Đức Kitô, hiệp thông với cuộc thương khó Chúa, chúng ta mới được chia sẻ sự phục sinh vinh hiển của Ngài: “Thập giá là vinh quang của sự phục sinh”.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

 

 

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …