Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá, năm C, của Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá, năm C, của Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển

ĐƯỜNG THẬP GIÁ-ĐƯỜNG HY VỌNG

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá – năm C

cnLeLa2Kính thưa cộng đoàn,

Trong Năm Thánh này, khi mỗi bước chân trên hành trình đức tin hướng về nguồn mạch cứu độ, tâm trí chúng ta không thể không dừng lại chiêm nghiệm con đường đặc biệt mà Đức Giêsu Kitô đã đi qua. Đó không chỉ là một trình thuật lịch sử về những đau khổ tột cùng, mà còn là một bản giao hưởng thiêng liêng, vang vọng những nốt trầm hùng của sự vâng phục, những giai điệu bi tráng của hy sinh, và cuối cùng, khúc ca khải hoàn của ơn cứu độ. Con đường ấy, khởi đầu bằng sự kiện Ngài tiến vào Giêrusalem, hé lộ những nghịch lý sâu sắc, những “điều lạ” soi chiếu vào tận cùng trái tim chúng ta, khơi gợi những bài học thiết yếu cho hành trình hy vọng của cộng đoàn hôm nay.

Bước chân của Đức Giêsu vào thành thánh trên lưng một con lừa, một hình ảnh đầy tính biểu tượng, không phải là một cuộc diễu binh của quyền lực thế gian, mà là sự tự nguyện hạ mình của Đấng Thiên Sai. Con lừa, một phương tiện của sự phục vụ và khiêm nhường, đã trở thành “ngai vàng” cho vị Vua Tình Yêu. Lời Ngài: “Chúa có việc cần dùng” (Lc 19,34), một câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng quyền năng và sự tự do tuyệt đối, cho thấy một sự thật căn bản, ấy là: mọi sự đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và ngay cả những điều tầm thường nhất cũng có thể trở thành khí cụ cho vinh quang của Ngài. Hành động này, xét trong bối cảnh những ngày thương khó sắp tới, cho thấy Đức Giêsu không phải là một nạn nhân thụ động, mà là chủ thể của tình yêu tự hiến, chủ động bước vào con đường đau khổ vì lòng thương xót vô bờ bến dành cho nhân loại.

Sự tương phản giữa tiếng reo hò tung hô của đám đông và sự nhíu mày khó chịu của những người Pharisêu hé lộ một bi kịch muôn thuở, đó là: sự mù quáng trước sự thật và lòng chai đá trước tình yêu. Lời Đức Giêsu phán: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19,40) không chỉ là một lời khẳng định về sự hiển nhiên của chân lý, mà còn là một lời cảnh báo về sự nguy hiểm của việc khép lòng trước những dấu chỉ của Thiên Chúa. Trong thế giới đầy những ồn ào và dối trá hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi lắng nghe tiếng nói đích thực, tiếng nói của tình yêu và sự thật, dù nó có thể không được số đông chấp nhận.

Đỉnh điểm của sự thấu hiểu về con đường của Đức Giêsu, và có lẽ là điều chạm đến sâu thẳm tâm can nhất, chính là giọt nước mắt mà Ngài đã tuôn rơi khi nhìn về Giêrusalem. Không chỉ là nỗi buồn trước những đau khổ Ngài sắp phải gánh chịu, mà đó còn là nỗi xót xa cho sự mù quáng của một thành phố đã không nhận ra thời điểm ân sủng, thời điểm Thiên Chúa viếng thăm. Lời than thở: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42) vang vọng như một lời tiên tri buồn bã, nhưng đồng thời cũng là một lời mời gọi tha thiết đến sự tỉnh thức của chúng ta hôm nay!

Lời than thở ấy, hơn bao giờ hết, mang một âm hưởng thời đại sâu sắc khi chúng ta chứng kiến những đổ vỡ và khổ đau trong thế giới những ngày qua. Sau những cuộc chiến đẫm máu, thảm khốc và nhất là qua trận động đất kinh hoàng ở Myanmar, biết bao gia đình đã mất đi người thân, nhà cửa, và cả niềm hy vọng. Nhưng nỗi đau không chỉ dừng lại ở những thảm họa lớn lao ấy, nhưng nó còn hiện hữu ngay trong những vết thương âm thầm của đời sống thường nhật, như: sự phản bội trong hôn nhân, sự rạn nứt trong gia đình, sự cô đơn giữa những mối quan hệ hời hợt, gánh nặng bệnh tật và nghèo đói, cảm giác bị bỏ rơi và chìm trong tuyệt vọng. Những”Giêrusalem” của riêng mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trong những khoảnh khắc đen tối ấy, câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu?”, “nếu có Thiên Chúa thật, liệu Ngài có còn xót thương nhân loại nữa không?”, “Ngài có còn nghe thấu nỗi đau tột cùng của những nạn nhân đau khổ đang ngày đêm kêu thấu đến tận trời cao hay không?”! Những lời ai thán đó có lẽ vang lên như một tiếng nấc nghẹn ngào trong lòng những nạn nhân đau khổ và trong lòng mỗi chúng ta. Nhưng chính trong những vực sâu của khổ đau, cộng đoàn được mời gọi nhìn lại con đường mà Đức Giêsu đã đi qua. Ngài đã không né tránh khổ đau, Ngài đã không chọn một lối thoát dễ dàng. Ngài đã chấp nhận vâng phục thánh ý Chúa Cha đến cùng, mang lấy mọi gánh nặng của tội lỗi và khổ đau nhân loại trên vai. Chính trên con đường vâng phục tuyệt đối ấy, tình yêu và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đã được tỏ lộ một cách trọn vẹn nhất, khai mở nguồn hy vọng và ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Con đường thập giá, con đường của sự từ bỏ và hy sinh tột độ, không phải là một ngõ cụt của tuyệt vọng, mà là một hành trình dẫn đến vinh quang phục sinh. Sự vâng phục của Đức Giêsu, ngay cả khi phải đối diện với cái chết, đã phá tan xiềng xích của tội lỗi và mở ra cánh cửa của sự sống vĩnh cửu. Chính trong sự vâng phục ấy, chúng ta tìm thấy sức mạnh để đối diện với những “Giêrusalem” đang sụp đổ trong cuộc đời mình, để không đánh mất niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lời than thở của Đức Giêsu không chỉ là một lời ai oán cho một thành phố vật chất, mà còn là lời cảnh tỉnh cho mỗi tâm hồn trong cộng đoàn. Chúng ta có nhận ra “thời điểm Thiên Chúa viếng thăm” trong những biến cố của cuộc đời mình không? Mỗi người có mở lòng đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa giữa những khổ đau và mất mát không? Chỉ khi nhận ra và tin tưởng vào tình yêu ấy, chúng ta mới có thể tìm thấy bình an đích thực, một bình an không đến từ sự vắng bóng của khổ đau, mà đến từ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa những thử thách.

Trong Năm Thánh này, hành trình hy vọng của mỗi người được định hình bởi chính con đường vâng phục của Đức Giêsu. Chúng ta được mời gọi học lấy sự khiêm nhường, sự phục vụ, sự lắng nghe và lòng trắc ẩn của Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang chìm trong khổ đau, cho những “Giêrusalem” đang sụp đổ trên khắp thế giới, để họ nhận ra rằng, ngay trong bóng tối, ánh sáng của hy vọng vẫn luôn chiếu soi qua con đường thập giá dẫn đến phục sinh. Và trên hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người có trách nhiệm trong các xã hội trần thế, biết nhạy bén và nhận ra những dấu chỉ thời đại, qua đó, biết quy phục Thiên Chúa và hành động theo tiếng lương tâm mách bảo, ngõ hầu mang lại cho con người được hạnh phúc và bình an.

Cuối cùng, chúng ta hãy để cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành những vết thương trong tâm hồn mình, để mỗi người có thể trở thành những người hành hương đích thực của hy vọng, mang bình an và niềm tin đến cho những người xung quanh. Amen

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Xem thêm

12-4-2025 10-41-58 AM

Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay Năm C | 05/4/2025

Nguồn: Tĩnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam