TỪ THẬP GIÁ ĐẾN THÁNH GIÁ
Vâng kính thưa quý vị, thưa các bạn, Lễ Lá đến cho chúng ta điều gì? Thưa, Lễ Lá đến cho chúng ta hai điều:
- Một là: Sự tung hô chúc tụng giả dối của thế nhân.
- Hai là: Kết thúc hành trình thi hành sứ vụ cứu chuộc của Đức Kitô nơi trần thế.
Lễ lá cho chúng ta tâm hồn chuẩn bị đón chờ “TUẦN THƯƠNG KHÓ” của Đức Kitô, được gọi là “TUẦN THÁNH“. Tuần Thánh là Tuần đầy “bi thương“ của Ngôi Lời làm Người, Tuần tưởng niệm “cái chết”, hay nói cách khác, chính là Tuần mà Đấng Cứu Thế thi hành “sứ vụ Cứu Chuộc” của Người.
Vâng, Tuần lễ cao điểm của Phụng Vụ Thánh. Được gọi là “TAM NHẬT VƯỢT QUA”.
Bài Thương Khó theo thánh MatthêU hôm nay (Mt 26, 14 – 27, 66) không trình thuật chi tiết “dân chúng” tung hô Chúa Giêsu, như Tin Mừng thánh Gioan sẽ được đọc trong Thứ Sáu Tuần Thánh.
Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giêsu cho Lazaro sống lại, người ta (dân chúng) muốn suy tôn Người lên làm Vua, nhưng, những người thủ lãnh dân Dothai (đạo và đời) thì rất “ghét” Chúa Giêsu.
Một mặt họ cho rằng, Người sẽ thống trị họ theo nghĩa đen, một mặt, họ sợ người đời sẽ nghe theo Chúa Giêsu sẽ bỏ họ, tất yếu “bổng lộc quyền thế” phút chốc tiêu tan. Như vậy, danh lợi của họ bấy lâu nay trở thành mây khói. Theo đó, “âm mưu” giết Chúa Giêsu là tất yếu.
Chi tiết Tin Mừng trình thuật thật rõ ràng, diễn tiến sự việc không thiếu mạch lạc, vì vậy, Lễ Lá thường suy niệm ngắn gọn.
Hôm nay, con xin chia sẻ hai ý chính nêu trên.
- Một là: Sự tung hô giả dối của thế nhân.
Tại sao, khi thấy Chúa Giêsu làm cho Lazaro sống lại, người ta không nhận ra chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều đó. Không thể một phàm nhân nào có thể làm được như vậy. họ nghĩ rằng, họ có thể “lên án“ rồi giết đi một Con Người đã cho kẻ chết sống lại, thì Người ấy làm sao “để” cho họ thỏa mãn điều mà họ muốn làm.
Nhưng, Thiên Chúa đã chọn Thập giá, để biến đổi thành Thánh Gía. Thập giá là bản án của kẻ có tội. Thiên Chúa không dùng “Thánh giá để biến đổi nên Thập giá”, mà là dùng Thập giá để biến đổi nên Thánh giá.
Thánh Gía phải từ Thập giá, chứ Thánh giá không từ sự “vạn tuế” của dân chúng. Thiên Chúa không đem đến Thánh giá mà không có Thập giá. Chúng ta hiểu được cụ thế qua sự việc “tung hô” Con vua Đavit hôm nay. Nếu, người ta tung hô Người, thì người ta phải tôn thờ Người. Nhưng, người ta lại loại trừ Người.
Người đem đến cho họ một “ơn giải” thoát không phải là “sự tung hô” của họ, mà là “THẬP GIÁ”. Thập giá biểu tượng của sự ô nhục, sự đền tội của tội nhân, giá phải trả cao nhất của nhân loại tội lỗi. Cực hình nầy, người Dothai đã nghĩ ra để xử phạt con người có tội.
Bản thân Thập giá là “tội ác” phải đền bù. Đó là sự “trừng phạt” của thế nhân đối với nhân thế. Như vậy, Đức Kitô, Đấng vô tội phải được tung hô theo kiểu của thế gian, được đưa lên ngai vàng, nhưng, họ lại đưa Người lên Thập giá. Để từ đây, Thập giá không còn là phương tiện trừng phạt nữa, mà là phương tiện “yêu thương”. Chúa Giêsu đã xóa bỏ Thập giá trong lịch sử loài người, để mang lại một Thánh giá vinh quang, trong bài Tin Mừng nêu khá chi tiết về sự nhục nhã, cũng như về sự đau khổ trên hành trình Thập giá, đến Núi Sọ Golgotha. Sự mạ lỵ, sự đánh đòn, sự chịu đội mão gai, sự khạc nhổ, sỉ vả, sự cáo gian, sự vác thập giá, sự đóng đinh, sự chịu uống giấm chua mật đắng, sự chịu lưỡi đòng đâm thủng nương long, Máu và Nước chảy ra. Chịu môn đệ chối từ, bội phản và bán rẻ ba mươi đồng bạc.
Rõ ràng chúng ta thấy, Chúa Giêsu phục sinh Lazaro, thì nơi Người sự chết không thể xuất hiện. Nhưng, để biến đổi mầu nhiệm Thập Gía trở nên Thánh giá là một sứ vụ cứu chuộc của Người. Vì, một người chưa chết, thì không thể được gọi là phục sinh.
Mầu nhiệm Phục Sinh không đơn thuần chỉ là một sự “biến hóa” giữa cái chết và sự sống nơi một con người mà thôi. Nhưng, sự phục sinh cho thấy chính Người là Thiên Chúa trời đất đến trong thế gian. Sự làm cho kẻ khác phục sinh hay sự Phục Sinh nơi Chúa Giêsu, chính là mầu nhiệm cho xác loài người ngày sau sống lại của Thiên Chúa.
Đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta không dừng lại nơi những thất bại của nhân thế, mà là suy tưởng đến mầu nhiệm toàn thắng của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Thập giá, vì rõ ràng là “mầu nhiệm khổ hình sinh ơn cứu độ” của Thiên Chúa qua đức Kitô- Giêsu.
Một Thiên Chúa duy nhất đem đến cho con người sự yêu thương và hoàn hảo, đó là mầu nhiệm từ thập giá đến Thánh giá của Chúa Giêsu. Vâng, đó là giá trị vĩnh cửu, chứ không phải sự tôn vinh của người đời hôm nay, ngày mai lại tuyên bố “đóng đinh vào thập giá” “ Đóng đinh nó đi… đóng đinh nó đi…”.
- Hai là: Sự kết thúc hành trình sứ vụ cứu chuộc của Đức Kitô.
Chúng ta thấy, trên Thập giá, Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ nhầm không biết…” (Lc 23, 34), vâng, chỉ duy nhất thánh Luca ghi lại câu nầy.
Là Thiên Chúa, trong thân phận làm Người để cứu chuộc loài người, nỗi đau thương quá sức chịu đựng, Người phải thốt lên: “ Ê loi, ê loi lam masa bac ta ni..” Nghĩa là: “Lạy Cha, là Chúa Trời con, sao Cha nỡ bỏ con…” (Mt 27, 46), (Mc 15, 34).
Vâng, kết thúc một hành trình đầy đau thương, có thể nói sức người không chịu đựng nỗi. Nhưng, chính Ngôi Lời đã vượt qua. Cuối cùng là sự ”tha thứ”, tha thứ, đó là kết thúc hành trình cứu chuộc của Đức Kitô dành cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, qua cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, chính là mầu nhiệm phục sinh từ Chúa là nguồn yêu thương cho chúng con, vì Người là Nguồn Sống và làm cho chúng con được sống./. Amen.
Trần Đình Phan Tiến