Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Lá, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Lá, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mt 27, 11-54)

“Cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô,

Chúa chúng ta”

 

h2_resizeTin mừng Matthew 27, 11-54:

Đức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Chính ngài nói đó”. Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?”. Nhưng Đức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba. Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Ba-ra-ba hay Giêsu, cũng gọi là Ki-tô?”. Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy”.

Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giêsu. Tổng trấn hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?” Họ thưa: “Ba-ra-ba!” Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái ” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.”38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”.

Suy niệm:

Đức Giêsu đã hoàn thành công trình cứu chuộc nhân loại nhờ mầu nhiệm vượt qua: cuộc tử nạn và phục sinh. Người đã chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để ban ơn cho chúng ta sự sống mới (PV số 5). Giáo hội, mẹ chúng ta, tưởng niệm Chúa phục sinh vào mỗi ngày chúa nhật và đặc biệt họp mừng Chúa chịu khổ nạn và sống lại vào ngày đại lễ phục sinh hang năm (PV 102).

Hôm nay, chúa nhật lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh để sống lại những giây phút cuối đời của Đức Giêsu, những gì Chúa Giêsu đã thực hiện ơn Cứu độ nhân loại: Bắt đầu Ngài khải hoàn vào thành Thánh Giêrusalem, chịu khổ hình thập giá và sống lại. Việc họp mừng vượt qua là phần chánh yếu của việc thờ phượng Kitô giáo. Tam Nhật Vượt Qua là cao điểm của năm phụng vụ.

Phụng vụ Chúa nhật lễ Lá gồm 2 phần:

– Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia, tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa: toàn dân tung hô Người là con vua Đavit, tiên tri,Đấng nhân danh Chúa.

– Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu qua Tin mừng của Thánh Mátthêu. Giáo hội muốn làm nổi bật thập giá của Chúa Giêsu trong tuần Thánh này và kêu gọi Kitô hữu bước đi theo Chúa trên con đường thập giá Chúa đã đi. Tuy nhiên, cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu chỉ là một mầu nhiệm duy nhất không tách biệt mà chúng ta gọi là mầu nhiệm Vượt qua: Chúa chết và sống lại để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa là Cha.

Trong tuần Thánh, Giáo hội kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu Kitô: Hiệp thông với thập giá, cuộc tử nạn của Chúa để được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người. Đó là ý nghĩa của Tuần Thánh.

Tin mừng ghi lại biến cố Chúa Giêsu chết trên thập giá tại đồi Can vê cách đây hơn 2000 năm; một cái chết đầy yêu thương và tha thứ để đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết đau thương như thế?

– Chỉ vì tình yêu mà Chúa phải chết và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá biểu lộ tình yêu cao nhất: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho người mình yêu”. Tình yêu đòi hy sinh, quên mình vì mọi người.

Tình yêu của Chúa Giêsu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa, hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa Cha, tự nguyện thi hành kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn xưa “Này con xin đến để làm theo ý Cha”.

Tình yêu của Chúa Giêsu trọn vẹn dành cho nhân loại. Chúa Giêsu tự nguyện chịu chết để đền thay tội lỗi nhân loại và đem đen cứu độ cho chúng ta để chúng ta được sống lại với Người.

Chuyện kể về bà Giovanna Moletta đã hy sinh chết để con bà được sống. Bà là một bác sĩ, chồng bà một kỹ sư. Gia đình rất đạo đức và hạnh phúc với 3 cậu con trai: 2 người làm linh mục, 1 người làm kỹ sư. Khi bà mang thai đứa con thứ tư, bà bị ung thư. Là bác sĩ bà hiểu rất rõ: Nếu mổ, người mẹ sẽ chết để cứu người con. Giovanna Moletta đã hy sinh chết để con bà được sống. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Đức Giêsu đã hy sinh chết vì yêu thương chúng ta để chúng ta được cứu sống.

Ai cũng muốn sống nhsnf hạ thoải mái và thích hưởng thụ. Con đường thập giá ít người muốn bước đi.

Ma quỷ muốn cám dỗ thánh Martinô thành Tour đi vào con đường trụy lạc. Nó hiện hình thành một ông vua giàu sang và đến với thánh Martinô:

– Ta đến cám ơn con đã yêu mến giúp đỡ ta. Con hãy đi theo ta.

– Ngài là ai để tôi theo ngài?

– Ta là Đức Giêsu Kitô, đấng cứu độ nhân loại.

– Ngài là Đức Giêsu Kitô, vậy dấu đinh ở tay chân ngài đâu?

– Ta đang ở trên trời hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, làm sao có thể mang dấu đinh đượ- Thưa ngài, tôi không muốn thấy Đức Kitô không có vết thương. Tôi không thể tín nhiệm vào Đức Kitô mà không có thập giá!

Mưu đồ bị bại lộ, tên quỷ biến mất.

Thánh Martinô xác tín rằng điểm chính yếu trong sứ mạng của Đức Giêsu là việc Ngài vâng theo ý Chúa Cha để cứu độ trần gian bằng con đường thập giá. Chính con đường thập giá dẫn đến vinh quang đích thực.

Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng đã nói: ”Thập giá Đức Kitô là nguồn mọi phúc lành, là căn nguyên mọi ơn thánh”.

Xin Chúa cho chúng ta vui nhận thập giá trong cuộc đời và can đảm bước đi theo Chúa trên con đường thập giá để mai sau được phục sinh với Chúa trong vinh quang.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN