Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá, Năm A của Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá, Năm A của Jos. Vinc. Ngọc Biển

VẪN CÒN ĐÓ SỰ MÂU THUẪN

QUA CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC GIÊSU

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ cử hành long trọng biến cố Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó. Trên hành trình ấy có các môn đệ, những người phụ nữ đã theo Ngài từ lâu, và cả những người đã từng chịu ơn hoặc vì hiếu kỳ cùng đi theo Ngài.

Cuộc vào thành của Đức Giêsu lần này cũng như các diễn biến trước và sau đó có nhiều điều lạ thường. Thật vậy, trong cuộc đời sứ vụ, từ lời nói đến hành động của Ngài nhiều khi hàm chứa những sự mâu thuẫn đối với cuộc sống và con người đương thời, cho nên họ không thể hiểu được, và vì thế, dẫn đến cái chết của Đức Giêsu.

1. Sự mâu thuẫn từ phía Đức Giêsu

Người ta thường nói: “Mâu thuẫn thì có thể sẽ làm sáng tỏ chân lý tốt”. Thật vậy, trong công cuộc loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến sự mâu thuẫn này.

Trước tiên, về những lời dạy mang tính mâu thuẫn: ví dụ như khi nói về sự tự hủy, Ngài đã dùng hình ảnh hạt lúa mục nát để sinh bông hạt mới; hay “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (x. Ga 12, 24-25);  về sự khiêm nhường, Ngài phán: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11); khi đi dự tiệc, hãy chọn chỗ rốt hết, để được người ta mời lên chỗ danh dự (x. Lc 14, 7-10); vì “ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52); về sự hối cải, Ngài nói: cả triều thần Thiên Quốc “… ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7); về sự từ bỏ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

Tiếp theo, Đức Giêsu đã nói và áp dụng sự mâu thuẫn đó vào chính mình như sau: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9, 22); “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32); và Ngài đã sống sự mâu thuẫn ấy khi dân chúng tôn mình làm vua thì lại bỏ chốn và khi dân chúng không tôn thì lại vào thành như vị vua; rồi lạ lùng trong tiến trình “đăng quang”: Ngài là Vua, tiến vào thành của mình, nhưng lại khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con vẫn còn theo mẹ (x. Dc 9, 9). Là Vua, nhưng không có vương miện, chỉ có vòng gai; không có vương trượng, chỉ có cây sậy; không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ; không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê; không thống trị bằng sức mạnh, chỉ có phục vụ trong yêu thương cho đến chết và chết trên thập giá vì yêu.

Như vậy, những sự mâu thuẫn đến lạ lùng của Đức Giêsu đều nhằm làm toát lên sự vâng lời tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa Cha và vì yêu thương, cứu độ con người. Cả cuộc đời, con người và sứ vụ của Đức Giêsu đều muốn lộ hiện một Thiên Chúa là Tình Yêu.

2. Sự mâu thuẫn từ phía dân chúng

Ở đời có câu: “Dò sông dò biển dễ dò – Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Thật vậy, trong cuộc sống, có những mối tương quan tình bạn, và sẵn sàng  “rau cháo có nhau “ đấy, tuy nhiên, đôi khi cũng chính vì miếng cơm manh áo, con người dễ quay lưng lại với nhau lắm. Đây là những chuyện mâu thuẫn trong cuộc sống. Khi nói về sự mâu thuẫn này, chúng ta lần dở lại lịch sử dân Dothái khi xưa, để thấy lòng họ mâu thuẫn với hành động là thế nào!

Khi sống bên Aicập, ngày đêm họ cầu khấn danh Đức Chúa, xin Người  đến cứu họ khỏi ách nô lệ tủi nhục cơ cùng, Đức Chúa nhận lời và đã cho Môisê dẫn dân ra khỏi Aicập thoát khỏi cảnh áp bức bạo tàn. Nhưng chẳng bao lâu, sự mâu thuẫn cũng đã xảy ra. Khi gặp có chút thử thách, họ đã than trách Chúa, và nhớ những củ hành, củ tỏi bên Aicập, tệ hơn nữa, đã đúc bò vàng để thờ lạy thay Đức Chúa, Đấng đã cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Đây chính là sự mâu thuẫn do sự bất trung của dân với Đức Chúa.

Sang thời Đức Giêsu cũng vậy, trong giai đoạn này, những người Dothái đã chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu làm, nào là chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, cho người chết sống lại, và hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng… Vì thế, họ tâm phục Đức Giêsu, nên khi vào thành, dân chúng đã tung hô Ngài là con vua Đavít, là Vua Israel. Và như là sự tất yếu, họ đã chặt cành lá lót đường và trải áo mình để Đức Giêsu đi qua. Hành vi này là hành vi tôn kính, ngưỡng mộ của người Đông Phương đối với một ai đó. Đức Giêsu thuộc về số người được như vậy. Cuộc diễu hành rầm rộ làm náo lòng những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thời bấy giờ. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì ta sẽ dễ dàng kết luận là đám dân đang tung hô Đức Giêsu đây có lòng yêu mến Ngài thực sự. Nhưng sự thật không hẳn như thế, chẳng bao lâu, họ đã mâu thuẫn với tất cả những gì diễn ra hôm Đức Giêsu vào thành. Thật vậy, vẫn những người đã tôn vinh, chúc tụng Đức Giêsu hôm nào, thì chẳng bao lâu sau, họ đã toa rập với thế lực sự ác để làm chứng gian hại Ngài và hô vang: hắn đáng chết; đóng đinh nó vào thập giá…

Sự thật đã rõ, họ cung chúc Đức Giêsu chỉ vì hy vọng Ngài làm Vua để thống lãnh theo kiểu trần gian, đánh đông dẹp bắc, giải thoát họ khỏi ách thống trị của Đế Quốc và nhiều khi theo Chúa chỉ vì cái bụng, vì những ân huệ, bổng lộc thức thời… Và, họ đã bị thất bại khi không được Đức Giêsu đáp ứng những yêu sách đó, vì thế, họ đã sẵn sàng giơ tay ủng hộ án tử nơi Đức Giêsu và chìa tay, nghiêng đầu để hứng lấy máu người vô tội đổ trên đầu mình khi nói:  “Máu hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27, 25). Lý do dẫn họ đến sự thất vọng là vì sự mâu thuẫn của họ do tham sân si thúc đẩy, còn sự mâu thuẫn của Đức Giêsu thì do lòng bao dung, hướng tha và dùng chính cái chết để cứu chuộc con người, vì thế, con đường cứu độ của Ngài không là gì khác ngoài thập giá và cái chết đau  thương trên đồi Golgotha.  Đây là sự mâu thuẫn lòng dân với con người và sứ vụ của Đức Giêsu.

3. Hai sự mâu thuẫn dẫn đến hệ quả khác nhau

Như vậy, sự mâu thuẫn của Đức Giêsu là vì tình yêu. Ngài yêu Thiên Chúa Cha tuyệt đối, nên đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Những lời dạy của Đức Giêsu có vẻ mâu thuẫn về lối hành văn, truyền thống, nhưng lại thống nhất tuyệt đối về bề ngoài lẫn bề trong nơi con người của Ngài.

Đức Giêsu chính là hình ảnh của Ađam thủa nào, nhưng khác nhau ở chỗ Đức Giêsu, Ađam mới thì vâng lời, trung thành, còn Ađam cũ thì bội ước và bất trung.

Sự mâu thuẫn trong lời giảng dạy, lối sống và hành động của Đức Giêsu thể hiện rõ nét sự khiêm nhường, tự hạ, yêu thương và cứu chuộc con người.

Như vậy, mâu thuẫn nơi Đức Giêsu làm cho con người được kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa và tha nhân để đạt được tình trạng tự do và hạnh phúc thực sự khi đã loại trừ cái tôi ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để hướng tha.

Còn sự mâu thuẫn của những người Dothái thì hoàn toàn khác:

Khác là chỉ vì cái bụng của họ, do ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo hay những mục đích tầm thường rẻ tiền.

Vì thế, họ tôn vinh Thiên Chúa hay Đức Giêsu cũng chỉ vì cái bụng. Hoặc chỉ vì danh vọng, chức quyền, lợi nhuận cá nhân hay tập thể, chứ không phải vì yêu mến, tin tưởng, phó thác.

Sự mâu thuẫn này nơi dân Dothái lộ hiện rõ bản chất thực dụng hay ý đồ đen tối của họ. Vì thế, dẫn đến sự đối đầu. Đức Giêsu không đối đầu với họ, nhưng tự họ trở nên bất ổn nên dẫn đến hệ quả là khước từ Thiên Chúa để thờ bò vàng, rồi đến lượt Đức Giêsu, họ tìm cách loại Ngài ra khỏi môi trường và cuộc sống của họ.

4. Người kitô hữu sống sự mâu thuẫn của Tin Mừng

Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội không mấy chân thực. Đời sống đạo đức bị đảo lộn rất nhiều. Phong tục tập quán tốt dần dần được thay thế bằng những trào lưu tục hóa, nhất thời… Đây chính là sự mâu thuẫn luân thường đạo lý trong xã hội.

Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó trong xã hội những chuyện: “chân lý thuộc về kẻ mạnh”; vẫn còn đó những chuyện thỏa hiệp, toa rập để cho hận thù, chia rẽ lên ngôi; vẫn còn đó những chuyện vì miếng cơm manh áo, vì lợi nhuận cá nhân, củng cố chức quyền mà sẵn sàng bất chấp bán rẻ lương tâm để cho lương tháng được nhiều. Những người có lương tri và đạo hạnh lại là mối đe dọa của sự bất công, suy đồi và gian dối. Biết nó là sự dữ, nhưng vẫn còn đó những lương tâm chai lỳ, những trái tim hóa đá, những ánh mắt bất công, khinh thị…Vẫn còn đó sự mâu thuẫn là ai cũng muốn sống, nhưng lại không thương tiếc tra tay vào việc giết đi sự sống của người khác, nhất là những thai nhi vô tội.

Nếu chúng ta thuộc về những thành phần như thế, ấy là lúc chúng ta làm cho những vết thương của Đức Giêsu tiếp tục rỉ máu, và cuộc thương khó của Đức Giêsu không ngừng tái diễn, khiến Chúa phải đau khổ, tủi nhục đắng cay và ngay cả cái chết qua những hành vi, lựa chọn sai lầm và tàn nhẫn của con người.

Hôm nay, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là đỉnh cao của năm phụng vụ, đây là cơ hội để mỗi người rà soát lại lương tâm và sự lựa chọn của mình trong cuộc sống, nhằm sống sao cho đẹp lòng Chúa, ích lợi cho phần rỗi của mình và vì ơn cứu độ của tha nhân.

Vì thế, xin gửi lại nơi bạn và tôi một vài câu hỏi để chúng ta cùng nhau suy nghĩ:

–          Tôi đang đi theo ai? Theo Chúa hay theo những mục đích thực dụng như tiền, quyền, tình?

–          Khi tôi có quyền, có chức, tôi có phục vụ và làm cho người khác được hạnh phúc hay tôi lợi dụng vị trí cao của tôi để bóc lột, chà đạp nhân phẩm người khác?

–          Đứng trước một việc tốt hay xấu, ta có để cho Lương Tâm lên tiếng và làm theo, hay chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì sức ép lương tháng mà ta phủi tay với việc tốt và thượng tôn điều bất chính, sẵn sàng làm chứng gian hại người, đẩy người khác vào con đường cùng và ngay cả cái chết do mù lương tri?

Khi đặt ra câu hỏi như thế, mặc cho mỗi chúng ta lự chọn đứng về phía thiện hay ác, nhưng chỉ mong mỗi người chúng ta hiểu rằng: chúng ta có thể đánh lận con đen, che đậy và ngụy trang để người đời không biết những sự khuất tất của chúng ta làm, nhưng Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự kín nhiệm, Ngài biết rất rõ mọi hành vi của chúng ta, và điều tốt hay xấu, hạnh phúc hay ngược lại là do cuộc sống và hành vi của chúng ta đã làm.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG