Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Niềm vui và Khổ đau

SUY NIỆM LỄ LÁ

(Lc 22, 14-23, 56)

cnLeLaChúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ. Với Tuần Thánh, Giáo hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Vì thế, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giê-su trên hành trình tiến lên đồi Can-vê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giê-su hầu mang lại sự sống cho con người.

Đám đông tràn ngập niềm vui

Tin Mừng mô tả, Chúa Giê-su và một số môn đệ của Người đã thực hiện chuyến đi chừng hai dặm từ Bê-ta-ni-a đến ngoài thành Giê-ru-sa-lem cùng với đám đông dân Do Thái cử hành lễ Vượt Qua theo đúng quy định được ghi trong sách Xuất hành và sách Đệ Nhị luật (x. Xh 12,1–13,6; Đnl 16,1-8).

Theo phong tục, những người hành hương đến trước sẽ ra để chào đón những nhóm đến sau; có một số người chưa từng gặp Chúa Giê-su nhưng nghe biết về các phép lạ Người thực hiện đều tiến ra chào đón Người tạo thành đám đông lớn như Tin mừng Gio-an giải thích: “Khi đám đông dân chúng… nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, họ cầm nhành cọ ra đón Ngài và reo hò: ‘Hosanna! Hoan hô Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Ít-ra-en!’”(Ga 12,12-13). Những người Pha-ri-sêu có mặt ở đó thấy vậy liền nói với Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, xin hãy quở trách các môn đệ của Thầy”. Người đáp, “Ta nói với các ngươi, nếu họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (x. Lc 19,39-40).

Khổ đau bao trùm

Dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, tràn ngập niềm vui. Sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá ập tới, những lời của Tiên tri I-sai-a, bài tường thuật của thánh sử Lu-ca, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết đau thương của Chúa Giê-su. I-sai-a mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giê-su trên thập giá (Lc 23,44-45).

Niềm vui và đau khổ được liên kết trong ngày này, ngày Chúa nhật bắt đầu Tuần Thánh. Đây là thời gian của sự thất vọng, bối rối và mâu thuẫn. Chính đoàn dân từng hân hoan chào đón Đức Ki-tô tiến vào Giê-ru-sa-lem sáng hôm ấy, cất vang “Hosanna” cùng những lời sùng bái, nội trong một tuần, vẫn là họ, lại kêu gào “đóng đinh nó vào thập giá”. Họ sẽ đi từ chỗ tán dương Chúa Giê-su như Thái Tử nhà Đa-vít, vua Ít-ra-en đến việc đem mạng sống Người ra đổi với một tên tội phạm đã bị kết án tên là Ba-ra-ba; chính họ sẽ ca ngợi Chúa trước và rồi sau đó lại chính những người ấy nhạo báng Người. Ngay cả những người thân hữu cùng tiến vào Giê-ru-sa-lem bên cạnh Đức Giê-su cũng sẽ rời bỏ Người.

Thánh Bernard xứ Clairvaux (1090-1153) mô tả việc Chúa Ki-tô tiến vào Giê-ru-sa-lem: “Thật khác biệt biết bao những tiếng hô ‘Đem đi, đem nó đi, đóng đinh nó vào thập giá’ với ‘Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!’. Thật khác biệt biết bao những tiếng hô lúc này gọi Người là ‘Vua Ít-ra-en’ và rồi thời điểm sau đó vài ngày lại bảo rằng ‘Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Caesar!’. Thật tương phản giữa nhành lá xanh tươi và thập giá, giữa vòng hoa và mão gai! Trước đó, họ trải áo mình ra để Người bước đi, rồi rất nhanh sau đó họ lại lột áo Người và đem ra bốc thăm”.

Thánh Phao-lô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giê-su, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).

Sống Tuần Thánh

Nhìn vào Chúa Giê-su trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giê-su, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống. Toàn bộ những nét đối nghịch này sẽ xảy ra trong vòng một tuần bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá.

Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giê-su. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” chịu đóng đanh, chịu chết để chuộc tội cho chúng ta (x. Kinh Tin Kính).

Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

12-4-2025 10-41-58 AM

Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay Năm C | 05/4/2025

Nguồn: Tĩnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam