TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU
(Mt 27, 11-54)
ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ
Vâng, đóng đinh vào Thập Gía, một cụm từ nghe thật kinh hãi, nhưng điều đó đã xảy ra đối với Đấng Cứu Thế. Vâng, kính thưa quý vị, đỉnh điểm của Mùa Thương Khó đã đến, mà cao điểm là Tuần Thương Khó, được gọi là Tuần Thánh. Giáo hội mời gọi con cái mình suy niệm Tuần Thánh một cách có hiệu quả nhất. Nhưng,Tuần Thánh được bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá.
Nhưng Lễ Lá là nhắc lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, được dân chúng đón rước một cách trọng thể, như vậy, cho thấy Chúa Giêsu là Đấng Messia, nghĩa là Đấng Cứu Thế. Nhưng Đấng Cứu Thế Giêsu –Kitô không phải là một Vị Vua theo ý muốn của loài người, nên chi, càng không phải là Vị Vua theo ý muốn của người Dothai. Như vậy, biến cố Lễ lá, xảy ra đúng ý nghĩa của Đấng KITÔ, nghĩa là trở nên cuộc Thương Khó của Đấng Cứu Thế, là Đức KITÔ của Thiên Chúa, Vị Vua đích thực là phải được gắn liền với Thập giá. Như vậy, đóng đinh vào Thập Gía là một biến cố đau thương đối với phần Nhân Tính làm Người của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời là một vinh quang nơi Đấng Cứu Chuộc. Vì Thập Gía là một mầu nhiệm.
Vâng, Thập Gía là một mầu nhiệm, nên chi, “Đóng Đinh vào Thập Gía” không còn là một khổ nhục đối với những ai bước theo Chúa Giêsu. Không còn là một cum từ gây kinh hãi, mà là đã biến thành ơn cứu độ cho những ai tin vào mầu nhiệm tình yêu cao cả nầy.
Bây giờ xin mời tất cả chúng ta cùng nhau bước theo Chân Chúa Giêsu vào hành trình Thương Khó của Người theo Tin Mừng (Mt 27, 11-54). (gồm 05 phần)
Phần 1 / Đức Giêsu ra trước tòa tổng trấn Philatô. (Mt 27, 11- 26)
Khi Chúa Giêsu bị điệu ra trước tổng trấn Philato, câu đầu tiên Phi-la-tô hỏi Người là: “Ông là Vua dân Dothai sao? Người đã trả lời: “Chính ngài nói đó!”. Một bi kịch chính trị được bắt đầu. Bởi vì, người đại diện cho một thể chế, một sự cầm quyền tại trần thế, thì đâu có quan tâm gì đến tôn giáo. Theo đó, phần hỏi cung, phần thẩm vấn “bị cáo“ là Chúa Giêsu, thì Người đã trả lời bằng từ ngữ của người thẩm vấn. Khác với những gì mà những người biệt phái, thượng tế và kỳ mục hỏi Chúa Giêsu, thì Người không trả lời. Vì sao vậy, thưa quý vị? Thưa, vì họ là những người lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Từ đó, chúng ta thấy, Chúa Giêsu đang “kết án ngầm” những người nầy, Người không thèm trả lời họ. Họ là những người đọc Kinh Thánh, dùng Kinh Thánh như phương diện mưu ích lợi lộc trần thế cho cá nhân họ, cho gia đình họ. Không tuân giữ Lời của Kinh Thánh, mà bắt người khác tuân giữ. Đó là việc làm, mà Chúa Giêsu đã lên án. Vì vậy, Người không thèm quan tâm, bỏ ngoài tai.
Còn về chính trị, thì khi nghe Chúa Giêsu trả lời như vậy, tổng trấn Philato không thắc mắc, và không kết án Chúa Giêsu, khi nghe Người trả lời: “Chính ngài nói đó”. Vì, Chúa Giêsu chưa làm gì, chưa nói gì, chưa phản ứng gì? Tỏ ra là một người “phiến loạn” muốn cướp ngôi vua, hay đảo chính. Vì vậy, Philato không thể chiếu theo lẽ chính trị mà kết án Chúa Giêsu được. Như vậy, bức màn chính trị, hay nói đúng hơn ”mượn tay chính trị” để kết án Chúa Giêsu là không khả thi. Theo đó, án chính trị bị loại trừ. Chúa Giêsu không phải là vua theo kiểu trần thế, nên chi, không thể dùng chính trị mà “chụp mũ” Chúa được.
Từ đó, Philato, muốn phóng thích Chúa Giêsu, theo tục lệ vào mỗi dịp lễ lớn. Như vậy, dịp lễ lớn của người Dothai, chính là Lễ Vượt Qua. Nhưng, người Dothai, lại không tha Chúa Giêsu, mà lại muốn tha Baraba. Trong khi đó, bà vợ của Philato, nằm mộng về sự kiện xử án Chúa Giêsu, bà ta hoảng sợ vì có điềm báo về sự việc nầy. Nên sai người báo tin cho chồng, là Philatô. Trong thâm tâm Philato cũng muốn tìm cớ tha Chúa Giêsu, nhưng các kỳ mục cứ một mực đòi kết án Chúa, và họ đã xúi giục đám đông đòi Philato tha Baraba và kết án đóng đinh Chúa Giêsu .
Vì thấy sự vô tội nơi Chúa Giêsu, nhưng Philatô không đủ bản lĩnh, cũng như cương quyết, cùng quyền hạn nơi ông, mà tha cho người “vô tội” là Đức Kitô. Như vậy, xét về nhiệm vụ chính trị trần thế, thì Philato tượng trưng cho “quan chức“ nhu nhược, đê hèn. Xét về nhân bản thì ông ta không đáng làm người tốt, không dám bênh vực cái tốt dù bất cứ giá nào. Ông ta, muốn lấy lòng dân chúng, nhưng khi biết dân chúng không đúng thì ông ta không dám bênh vực người vô tội. Ông ta hỏi: “Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai cho các ngươi?” (c 21). Khi người Dothai đòi tha Baraba, thì Philato hỏi: “Vậy, còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? Mọi người đồng thanh: ”Đóng đinh nó vào Thập giá!“ (c 22). Nhưng Philato hỏi: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?“ Họ còn la to hơn: “Đóng đinh nó vào Thập Gía!” (c 23).
Sau đó Philato phóng thích Baraba cho họ, và truyền đánh đòn Chúa Giêsu rồi giao Người cho họ đem đi đóng đinh. (c 26).
Như vậy, một bản án bất công đã xảy ra, bởi một quan tòa nhu nhược, một sự thỏa mãn sự hận thù đã xảy ra, bởi một số kinh sư, kỳ mục. Nhưng đồng thời, là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm cứu chuộc bởi Thiên Chúa. Suy niệm, phần thứ nhất, chúng ta thấy, sự dữ thắng thế, và thấy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã trở nên Hy Lễ đích thực cho nhân loại, bởi những yếu tố trùng hợp xảy ra.
– Dịp Chúa Giêsu chịu đóng đinh là dịp Lễ Lớn, Lễ Vượt Qua của người Dothai. Chúa Giêsu chịu hành hình, chịu kết án oan, và chịu đóng đinh vào Thập Gía ngay vào dịp Lễ nầy, cho thấy Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, chịu đóng đinh vào Thập Gía. Nhưng, chính nhờ Thập giá là phương tiện cứu rỗi cho nhân loại.
– Qua Thập giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, trở nên dấu chỉ cứu độ cho những ai tin vào Thập Gía của Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh một cách vô tội, tự nguyện.
Phần thứ 02/ Đức Giêsu phải đội vòng gai (Mt 27, 27-31)
Sau khi chiều lòng dân chúng, thì phần hành hình Chúa Giêsu chính là trách nhiệm của quân đội Rôma, trao vào tay chính quyền, lúc đó là quân sự, vì vậy, những người hành hình Đấng Cứu Thế là quân lính Rôma, chứ không phải là dân Dothai, vì họ không có thẩm quyền. (c 27).
Thập giá là một nhục hình, nhưng là giường của Đấng Cứu Thế, còn vòng gai nhọn là phương tiện triều thiên, là vương miện của Người. Như vậy, sau khi được Philato cho phép đóng đính, quân lính của Philato được một phen hả dạ, chúng bày ra nhiều trò hòng hạ nhục Chúa Giêsu. Tập trung cả cơ đội quanh Người, lột áo Người ra, rồi chúng khoác lên mình Người một tấm khăn choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai nhọn làm vương miện đặt trên đầu Người, rồi quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Dothai!“ (Mt 27, 28-29).
Tất cả những điều đó, dường như quá nhục nhã, quá đau đớn đối với một con người, có thể nói là quá sức chịu đựng của một phàm nhân, dù là một tội nhân. Huống chi đây, là một người vô tội, một Con Người đã từng làm điều tốt, điều thiện hảo. Nhưng, xét về mầu nhiệm siêu nhiên, chúng ta nhận ra “Lòng Thương Xót” quá bao la của Thiên Chúa qua Người Con Một, là Đấng Cứu Thế Giêsu-Kitô. Chúng ta nhận ra từng nỗi thống khổ mà Người chịu là một Mầu nhiệm, như vòng gai, áo choàng đỏ, cây gậy bằng sậy, là những nỗi nhục hình, vì tội lỗi chúng ta, vì tội loài người. Rồi chúng khạc nhổ vào Người, lấy cậy sậy đập vào đầu Người. Chế giễu xong, chúng lột áo choàng đỏ, cho Người mặc lại áo của Người, rồi điệu Người đi đóng đinh. (C 30-31)
Nếu như một con người vô tội nào đó, mà ngày nay hay lúc bấy giờ phải chịu như vậy, liệu có chịu đựng nỗi không? Hay có thể nói là một sự quá dã man, huống chi đây là một Ngôi Vị Thiên Chúa, và Người từng mặc khải về chính mình, là Con Thiên Chúa, nhưng những người thượng tế và kỳ mục không chịu nghe. Cuối cùng phải trao nộp Chúa Giêsu cho quân dữ đem đi giết. Như vậy, những thượng tế và kỳ mục là những người gián tiếp giết chết Con Thiên Chúa làm Người. Như lời tự chúc dữ của họ khi trả lời Phi-la-tô: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi, và trên con cháu chúng tôi!” (Mt 27, 25). Theo đó, những kỳ mục và thượng tế thì nặng tội hơn, và tội ấy do chính họ gây nên. Mong sao, từng người chúng ta không can thiệp vào việc kết án ai, để khỏi bị kết án, và như vậy là chúng ta không tiếp tay vào việc xử án bất công Chúa Giêsu.
Phần 03/ Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập Gía (Mt 27, 32-38)
Như vậy, Chúa Giêsu bắt đầu vác Thập Gía để ra đi đến nơi Người chịu đóng đinh. Thập giá mang hình chữ thập, gồm hai thanh, một ngang, một dọc. Thập giá mang hình nhân loại, như vậy, nhân loại được bắt nguồn từ chiều đứng, thanh dọc, hướng lên trời, có nghĩa là nhân loại được hình thành và tạo dựng bởi Thiên Chúa. Và chiều ngang chỉ trần thế nầy, mặt đất nầy được tạo dựng, hình thành và tồn tại bởi Thiên Chúa, nhưng chiều ngang luôn luôn không nhìn thấy chiều đứng của nó. Từ đó, muốn nối trời với đất, thiên với địa, muốn giao hòa vạn vật, muốn cân bằng thiên địa, phải có một sự kết nối, phát xuất từ tình yêu chân thật nơi Thiên Chúa, như vậy, cần có một Đấng siêu linh đến từ Thiên Chúa, mặc nhiên, Đấng ấy phải Hữu Hình, làm Người. Nên chi, Đấng ấy phải trở nên Nhập thể và Nhập Thế, làm Người thật, và hữu nhiên là Thiên Chúa thật. Vì nếu như, Đấng ấy không làm Người, không trở nên Hữu Hình, thì không lập thành mầu nhiệm Thập Gía. Theo đó, mầu nhiệm Thập giá chính là sự kết nối, sự giao hòa, sự hoàn trả sự phản nghịch, sự đền bù sự xúc phạm đến Đấng Toàn Năng. Tất cả những khiếm khuyết đó, hôm nay, chính Đấng vô tội phải vác lấy, đó là Thập giá. Chúng ta thấy, vừa nghĩa đen, thì trọng lượng Thập Gía quá sức của một con người, để vác đi, còn về ý nghĩa siêu linh, thì Thập giá của Chúa Giêsu vác là tất cả tội lỗi của nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế, như vậy không nặng sao?! Vì vậy, mà Người đã ngã đến ba lần, ba lần quỵ ngã ấy, chính là sự tượng trưng mầu nhiệm Thập giá của Người, được chính Ba Ngôi Thiên Chúa cùng đồng hiệp, theo đó, sức thể lý của Đấng Cứu Thế mới vác nổi. Khi quân dữ bắt ông Simon, người Ky-rê –nê vác đỡ Thập Giá cho Chúa Giêsu, là Thiên Chúa có ý định kêu mời dân ngoại cộng tác vào ơn cứu độ, vì người Do-thai chủ mưu hãm hại Đấng Cứu Thế. Thật ra, ông Simon không thể vác nỗi Thập Gía của Chúa Giêsu về nghĩa đen lẫn nghĩa siêu linh, nhưng quân lính thấy Chúa Giêsu yếu nhọc quá sức, thì e Người không đến được Núi Sọ. Đến nơi, chúng còn cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút, mà không chịu uống (c 34).
Vâng, sự cùng cực của một Con Người, của một Đấng Cứu Thế thật là quá sức đau thương, rõ ràng một cách minh định rằng: Người đã gánh hết, vác hết tội lỗi của nhân loại. Khi suy niệm đến đây, các thánh đã bỏ hết mọi sự để cùng vác Thập Gía với Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình, quả thật không sai.
“Đóng đinh Người vào Thập Giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau“ (c 35). Tất cả sự việc đó xảy ra, tưởng chừng là quân lính tự ý làm, nhưng chúng không biết là mọi việc đều do Thiên ý sắp đặt.
Phía trên đầu Người có tấm bảng ghi rằng: “Người này là Giêsu, Vua người Do-thai!” (c 37). Câu nầy vừa nhục mạ người Do-thai, vừa xác định cái chết của Chúa Giêsu là do người Do-thai, có nghĩa là ném đá giấu tay. Còn ý nghĩa thứ ba là: Xác định ơn Cứu Độ được bắt nguồn từ dân Do-thai, dân mà Đấng Cứu Thế được sinh ra nơi họ, cho họ, và vì họ, sau cùng mới đến các dân, các nước tin vào Đức Kitô.
Phần thứ 04/ Đức Giêsu bị nhục mạ (Mt 27, 39-44)
Vâng, thưa quý vị! Đoạn Tin Mừng lúc nầy là đoạn thuộc về người Do-thai, họ không được quyền hành hình án tử Chúa Giêsu, nhưng họ nhục mạ Người, vì họ nghĩ họ làm được việc đúng. Nhưng, thật ra họ đang nhúng tay vào một tội ác không thể tha thứ được, một tội ác vô cùng dã man. Bởi vì, không đạo đức nào, không có một luân lý nào, cũng như không có một quy luật nào tiếp tay lên án bất công một con người, một cách man rợ nhất. Xét về nhân tính, thì Chúa Giêsu đã chịu đau đớn quá sức về thể lý. Nay, Người đang hấp hối, nhưng Người lại chịu nỗi đau tinh thần hầu như quá sức chịu đựng của một con người. Nhìn lại, Người đã chịu dựng một bản án vô tội, bản thân kẻ xét xử Người cũng biết điều đó, rồi những người cùng dân tộc, cùng tín ngưỡng với Người cũng biết điều đó. Đức Kitô có tội gì?! Có chăng, chính Người không chiều theo họ, không theo ý của những người cùng dân tộc với Người. Người chỉ có một tội duy nhất, đó là “tội“ làm: “Con Thiên Chúa”. Vâng! Làm Con Thiên Chúa, hay xưng mình là “Con Thiên Chúa“, thì có tội sao? Ngày nay, nếu có ai đó tự xưng mình là ”Con Thiên Chúa”, hay con gà bị “ghét vì tiếng gáy”.
Ngày nay, nếu thấy ai có vẻ đạo dức hơn mình, mình có lên án họ không, có lên án từ trong tư tưởng hay biểu lộ ra bên ngoài không? Nếu có thái độ như vậy, rõ ràng chúng ta đang thỏa hiệp với người Do-thai, hôm nay đã nhục mạ Chúa Giêsu.
Phần thứ 05/ Đức Giêsu trút linh hồn (Mt 27, 45 -54)
Vâng, Chúa Giêsu đã sắp hoàn tất phần Nhân Tính để chịu nạn của Người, giờ thứ sáu (tức 12 giờ trưa), trời đất bỗng tối sầm lại. Màn đêm dường như cũng hùa theo sự dữ, hay màn đêm cũng phải cảm động, chuyển mình để tôn thờ một mầu nhiệm cao cả, đất trời, vũ trụ, thiên nhiên dường như phải cúi mình để bái lạy mầu nhiệm cứu chuộc nhân thế của Đức Kitô. Các tinh tú giờ đây, phải phủ phủ trước tình yêu, lòng thương xót, sự hy sinh trọn vẹn, vâng theo ý Chúa Cha của Đấng Cứu Thế. Theo đó, mọi sự đều phải được tỏ bày. Vào giờ thứ chín, (tức 3 giờ chiều), Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “ Ê- li, Ê-li, lê – ma -sa -bac – tha ni”, nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (c 46)
Chúng ta thấy, trong giây phút lâm tử của Đức Kitô, bằng nhân tính, nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần, của một ĐẤNG CỨU THẾ, dường như là chua xót, thất vọng đến não nề. Người đã đón lấy hết, trọn vẹn nhất của một kiếp nhân sinh, Người dường như “thủ vai” trọn vẹn và xuất sắc nhất, không phải là đóng phim, đóng kịch, mà Người là ”Người nghệ sĩ” của Thiên Chúa đóng vai phàm nhân một cách xuất sắc trên “sân khấu cứu độ”. Thường thì, vai trò nghệ sĩ chỉ diễn xuất, chứ không thật, còn “vai diễn“ của Chúa rất chân thật. Bởi vì, Người không diễn “giả dối”, Người diễn vô cùng thật. (diễn: ở đây là bày tỏ, là thực thi). Đến đây chúng ta thấy, người Dothai thật kỳ lạ, hay nói đúng hơn niềm tin của họ thật kỳ là. Họ nghe Chúa Giêsu kêu Thiên Chúa, thì họ lại đưa giấm cho Người uống, và còn thử xem ông Ê-lia có đến cứu Người không? Như vậy, người Do-thai thật cứng lòng, họ vừa thách thức Tân Ước, họ vừa thách thức Cựu Ước.
Rồi Chúa Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. (c 50)
Chúng ta cùng sấp mình thờ lạy cái chết thể lý của Chúa Giêsu (bái quỳ). Thế là xong, mọi sự đã hoàn tất. Nhưng ngay sau khi Người trút linh hồn thì bức màn lớn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất đá vỡ tung ra, mồ mả cũng bật dậy, và xác chết đã an nghỉ được chỗi dậy. Như vậy, việc Chúa Giêsu trút linh hồn là việc mong đợi của những người đã an nghỉ, nói lên việc Người đã trút bỏ Nhân Tính phàm nhân của Người. Để phục sinh những người lành thánh đã chết thể lý, và để minh định Người là Đức Kitô, chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Cuối cùng, khi mọi sự đã minh định thì họ đều công nhận rằng: “Quả thật, ông nầy là Con Thiên Chúa.“ (C 54). Tại sao? Bởi vì, không ai làm được như “Ông ấy”.
Thưa quý vị! Để minh chứng, để làm cho người khác công nhận mình là ”Con Thiên Chúa” là một điều không dễ. Muốn vậy, phải chịu kết án oan, chịu đánh đòn, đội vòng gai, vác Thập Gía, chịu đóng đinh vào Thập giá, chịu nhục mà, chịu hấp hối trên Thập Gía, chịu uống giấm chua cùng mật đắng, chịu trút linh hồn, chịu đâm cạnh nương long.
Như vậy, Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu theo thánh Mat-thêu (Mt 27, 11 – 54) hôm nay, Chúa Nhật Lễ Lá cũng chính là 14 Chặng Đàng Thánh Gía của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng suy niệm và cầu xin Người ban cho chúng ta được bền đỗ bước theo Người bằng chặng đàng thánh giá của đời ta, khi suy niệm cuộc Thương Khó của Người ./. Amen
Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con! Vì chính chúng con đã đóng đính Chúa.
13/04/2014
P.Trần Đình Phan Tiến