Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3-13; Ga 20,19-23)

“Bình an cho anh em,

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

          Tin Mừng Gioan 20,19-23:

        Thanhthanhienxg  Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ờ, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!” Nói xong, người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

          Suy Niệm:

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật hình ảnh và sứ vụ của Chúa Thánh Thần: nguyên lý hiệp nhất, sự sống và bình an. Tin mừng ghi lại trình thuật về Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ ban Thánh Thần, sự bình an, sự tha thứ cho các ngài:

          “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”.

          Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, chính là Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa ban và nhiều lần nói với các tông đồ “Thánh Thần, Đấng bào trợ, thần chân lý sẽ đến với anh em”. Chúa Thánh Thần ban cho các ông sức mạnh, sự can đảm, những đặc sủng, ơn nói tiếng lạ để các tông đồ hoàn thành sứ mạng rao giảng tin mừng cứu độ và làm chứng cho Chúa Kitô .

          Chúa Thánh Thần được Đức Giêsu gọi bằng danh từ:

  • Thần khí (Divine Spirit) có nguồn gốc cựu ước, có nghĩa là sức mạnh của Giavê, là một thuộc tính của Đức Chúa. Thần khí (Holy Spirit) xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Sức mạnh của Giavê, sức mạnh của quyền uy biến thành sức mạnh của lòng thương xót, sức mạnh của phán quyết xét xử trở thành sức mạnh của bao dung tha thứ. Vì vậy Đức Giêsu bảo Thần Khí là Đấng bảo trợ.
  • Đấng bảo trợ là người bênh vực, trạng sư, cố vấn… Người an ủi nâng đỡ, bầu chữa cho bị cáo trước tòa án.

      Thánh Thần chính là khí lực thương xót và tha thứ của Đức Giêsu Kitô. Chỉ trong Thánh Thần, Kitô hữu mới thật sự thấu hiểu một Thiên Chúa từ nhân mà Đức Giêsu đã mặc khải.

      Những hình ảnh gió, hơi thở, lửa xuất hiện vào ngày lễ Ngũ Tuần biểu tượng cho sự hiện diện và những hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Tiếng động mạnh, tiếng gió mạnh” gợi nhớ đến “sấm chớp” trong cuộc thần hiện ở núi Sinai, khi Thiên Chúa hiện đến với ông Môsê để ban 10 điều răn. Những hình ảnh trên đều cho thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội và Kitô hữu rất cần thiết. Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự sống: là hơi thở và là lửa. Khí thở, lửa không thể thiếu trong cuộc sống con người, thì Chúa Thánh Thần cũng cần thiết như thế trong cuộc sống Giáo hội và Kitô hữu!

      Những ân ban của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, đặc biệt là ơn ngôn ngữ, ơn nói tiếng lạ. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho… “Ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”. Qua sự kiện này, thánh Luca muốn minh chứng rằng Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất, Ngài tái tạo sự hiệp nhất của con cái loài người đã bị đánh mất khi xây dựng tháp Babel chọc trời. Câu chuyện tháp Babel trong cựu ước là biểu tượng của sự phân tán nhân loại, nguồn gốc của sự xung đột sắc tộc và của tham vọng phá hủy sự thống nhất của nhân loại. Trước ý định kiêu căng và ngông cuồng của con người, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, không ai hiểu ai: “Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp mọi nơi trên mặt đất, và họ thôi không xây tháp nữa”. Câu chuyện Babel ngụ ý dạy chúng ta rằng con người chống lại Thiên Chúa, không được Thiên Chúa qui tụ thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm với nhau được.

      Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sửa lại sự hư hoại đó. Ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả mọi người thuộc nhiều dân tộc và nhiều ngôn ngữ khác nhau được hiệp nhất lại. Chính Chúa Thánh Thần qui tụ và nối kết họ lại. Các tông đồ rao giảng bằng tiếng Do Thái, nhưng Chúa Thánh Thần đã soi sáng, giúp cho thính giả hôm đó thuộc đủ mọi ngôn ngữ khác nhau đều hiểu lời rao giảng của các tông đồ. Chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý Hiệp Nhất của toàn thể nhân loại, bởi vì Chúa Thánh Thần là nguồn sống và nguồn tình yêu.

      Gia đình, xã hội, quốc gia, bất cứ cộng đoàn nào cũng cần sự đoàn kết hiệp nhất để được bền vững và tồn tại. Chúa Giêsu đã nói: “Nhà nào chia rẽ sẽ sụp đổ, nước nào chia rẽ sẽ diệt vong”.

      Ca dao Việt Nam có câu:

  • “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
  • Hợp quần gây sức mạnh.
  • Một cây làm chẳng nên non,

         ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

          Muốn có sự an vui, hòa thuận, hạnh phúc, thì mọi người phải hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương, đồng tâm nhất trí với nhau, sự hiệp nhất phải hội đủ những điều kiện sau đây:

  • Yêu thương nhau.
  • Biết tôn trọng những khác biệt của nhau.
  • Khiêm tốn nhường nhịn nhau.

      Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất sẽ giúp chúng ta đồng tâm nhất trí với nhau trong yêu thương để có niềm vui, an bình và thứ tha trong cuộc sống gia đình và xã hội.

      Câu chuyện minh họa về tác động của Chúa Thánh Thần: chứng từ của Thầy giáo da đen John Lawrence. Năm 1917 tại xóm nghèo bang Mississipi Hoa Kỳ, một nhóm người da trắng vây bắt và trói một thanh niên da đen, vì anh đã chống lại những bất công, phân biệt đối xử của họ. Anh tên là John Lawrence. Anh bị đưa đến một gốc cây tròng dây thòng lọng vào cổ… Trước khi chết anh xin được nói những lời cuối cùng, Lawrence thầm cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và xin Chúa Thánh Thần ban ơn can đảm và khôn ngoan. Anh nói: “Tôi đấu tranh cho dân nghèo, chống lại sự dốt nát mù chữ, sự nghèo đói lạc hậu, muốn mọi người có cuộc sống an lành, chứ không ác ý với ai cả…”. 

       Anh nói rất duyên dáng, hấp dẫn và khôn ngoan. Anh vừa dứt lời, đám đông đòi giết anh hoan hô, tháo dây thòng lọng, công kênh anh lên. Người ta giúp anh tiền để làm trường học, chính anh dạy học, dạy nghề cho các em, suốt đời phục vụ dân nghèo.

      Nhà cầm quyền bang Mississipi đã nhận ra công lao, hy sinh, tận tụy và lòng yêu thương vô hạn của anh đối với đồng bào da đen khốn khổ. Họ tặng anh huy hiệu “công dân số 1 của bang Mississipi” sau khi ông qua đời, người ta làm tượng đài ghi ơn ông với hàng chữ:

      “Ông John Lawrence, một người con ngoan của Chúa, một Thầy giáo tận tụy và một người bạn thân thương của mọi người”.(Tạp chí Tin Vui, năm 1974).

      Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta sự can đảm, sức mạnh, khôn ngoan để chúng ta sống đạo thật tốt, trở nên những người con ngoan của Chúa và biết yêu thương phục vụ mọi người.

      Trong cộng đoàn gia đình, xã hội, người Kitô hữu hãy nói với nhau bằng ngôn ngữ Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ tình yêu, hiệp nhất. Đó là ngôn ngữ tạo được sự thông cảm, sự thân thiết với mọi người và là ngôn ngữ bất cứ ai cũng có thể hiểu được.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …