Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN LE.CTT.HIENXUONG

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

(Cv 2,1-11 . Ga 20,19-23)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

 

Hứa ban Thánh Thần (Ga 14:15-17)

CTTHienxuong15Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.

1.Chúa Thánh Thần: Đấng Bảo Trợ và An Ủi

Đối với Gioan, thì chỉ có một trắc nghiệm cho tình yêu là vâng lời. Bằng vâng lời, Chúa tỏ ra Người yêu mến Thiên Chúa. Vậy ta cũng phải tỏ ra yêu mến Chúa Giêsu bằng vâng lời Người. C.K. Barrett nói ‘Gioan không hề để tình yêu cuốn hút vào những xúc động, cảm tình lôi cuốn. Tiếng nói của tình yêu luôn luôn là tiếng nói của luân lý mạc khải sự vâng lời’. Bao người tuyên bố yêu thương chỉ bằng lời nói vì trong hành động họ lại làm đau lòng những kẻ họ nói họ yêu thương; bao con cái trong nhà, bao nhiêu ông chồng, bà vợ … và Chúa Giêsu không để chúng ta đơn côi. Người sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến. Đấng trợ giúp, tiếng Hy Lạp là paraklètos, danh từ không thể dịch. Bản Chính Thức dịch là Đấng Yên Ủi (Comforter), mặc dầu vào lúc dùng và cách dùng là thánh, nhưng không phải là cách dịch tốt. Moffatt dịch là Đấng trợ giúp (Helper). Chỉ khi sát hạch danh từ paraklètos chi tiết, ta mới thấy sự giầu có về đạo lý của Thánh Thần. Paraklètos, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là một người được gọi đến; gọi đến để làm chứng trước tòa, bênh vực bị cáo. Có thể đó là một luật sư; có thể là một chuyên viên, có thể là một chiến sĩ khích lệ đoàn quân đang nản chí. Thánh Thần (Paraklètus) luôn là người được gọi đến trợ giúp trong trường hợp khó khăn, trong lúc cần thiết. Đấng Yên Ủi, Khích Lệ là lối dịch tốt. Wicliffe là người dùng danh từ này trước nhất. Nhưng vào thời ông, Đấng Yên Ủi có nghĩa nhiều hơn bây giờ. Danh từ do tiếng Latinh là fortis có nghĩa là mạnh bạo, và đấng khích lệ là người khích lệ những kẻ nản chí. Ngày nay khích lệ hầu như chỉ dùng cho người sầu muộn, và người khích lệ là người có thiện cảm với ta khi ta buồn bã. Không hồ nghi Thánh Thần là thế, nhưng hạn chế chức năng Người vào điều đó là hạn hẹp chức vụ của Người. Ta thường nói đến đương đầu với hoàn cảnh. Đó chính là việc của Thánh Thần. Người bỏ đi những sở đoản bất xứng của ta và cho vào khả năng đương đầu với cuộc đời. Thánh Thần thay thất bại bằng chiến thắng. Vậy điều Chúa Giêsu nói là ‘Thầy trao cho chúng con một công việc khó khăn, sai chúng con vào cuộc chiến đấu rất khó khăn. Nhưng Thầy sẽ sai Thánh Thần đến trợ giúp để chúng con hoàn thành’. Người nói tiếp: thế gian không thể nhận biết Thánh Thần vì thế gian là loạt người sống như không có Thiên Chúa. Điểm Chúa Giêsu muốn nói là: chúng ta chỉ có thể thấy những điều chúng ta xứng hợp để thấy. Nhà thiên văn thấy điều ta không thấy, nhà thực vật học thấy cây cỏ rõ hơn ta, nghệ sĩ, nhạc sĩ… loại bỏ Thiên Chúa thì làm sao có thể lắng nghe Người. Không thể lãnh nhận Thánh Thần bao lâu không chờ đợi, không cầu xin Thánh Thần. Chúa Thánh thần không phá cửa lòng người. Người đợi để ta đón nhận. Vì thế, nếu nghĩ đến những gì tuyệt diệu Thánh Thần có thể làm, chắc chắn ta phải để thời giờ yên lặng, chuẩn bị đón chờ Người. [1]

18Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. 22Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” 23Đức Giêsu đáp: “ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

2.Thầy không để anh em mồ côi

Môn đệ linh cảm thấy có gì dễ sợ trước mắt, có thể là một thảm kịch, nhưng Chúa nói ‘Thầy không để anh em mồ côi’. Mồ côi nghĩa là con mất cha; nhưng cũng dùng cho trường hợp trò mất thầy. Platon nói rằng ‘khi Socrates chết, các học trò của ông nghĩ họ sẽ phải mồ côi như con không cha, và họ không biết phải làm thế nào’. Nhưng Chúa nói với môn đệ ‘chúng con không phải như vậy’; Người nói ‘Thầy sẽ đến cùng anh em’. Người nói về việc Người sẽ sống lại và sẽ hiện ra với họ. Họ sẽ thấy Người vì Người còn sống, và vì họ cũng sẽ còn sống. Chúa muốn nói là họ cũng sẽ còn sống cách thiêng liêng. Lúc ấy họ bàng hoàng câm lặng như trước một thảm kịch. Nhưng ngày kia mắt họ sẽ mở ra, trí họ sẽ hiểu và lòng họ sẽ sáng lên, và lúc đó họ sẽ nhìn thấy Người. Người sống lại và quả thực điều đó thực sự đã xảy ra. Sự sống lại của Chúa biến đổi thất vọng của họ thành hy vọng và lúc ấy họ hiểu chắc chắn không nghi ngờ rằng Người là Thiên Chúa.[2]

Trong đoạn này, Gioan nói về những những tư tưởng luôn luôn có trong đầu óc ông

2.1.Trước tiên và trên hết là tình yêu

Với Gioan, tình yêu là nền tảng mọi sự. Thiên Chúa yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu Thiên Chúa; Thiên Chúa yêu con người. Chúa Giêsu yêu con người. Con người yêu Thiên Chúa qua Chúa Giêsu; con người yêu thương nhau; trời, đất, con người, Thiên Chúa, con người và con người gắn bó với nhau trong tình yêu.

2.2.Gioan lại nhấn mạnh đến sự cần thiết của vâng lời, bằng chứng duy nhất của tình yêu

Chúa chỉ hiện ra với những ai yêu mến Người chứ không hiện ra với những người Biệt Phái, kinh sư và những người Do Thái thù nghịch.

2.3.Vâng lời tín thác này đưa lại

2.3.1.An toàn tối hậu. Vào ngày Chúa khởi hoàn, những ai yêu mến vâng lời Người, sẽ được an toàn trong một thế giới đổ vỡ.

2.3.2.Càng ngày càng được mạc khải. Mạc khải là điều đắt giá, luôn luôn dựa trên nền tảng luân lý. Nghĩa là Chúa Kitô tỏ mình ra cho những ai tuân giữ giới răn, chứ không cho người độc ác. Thiên Chúa có thể dùng họ, song họ không liên hệ gì với Thiên Chúa. Chỉ những ai tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa mới tỏ mình cho họ; chỉ những ai, mặc dầu sa ngã, vẫn ngửa trông lên, Thiên Chúa mới không nề hà ngó xuống. Tình bằng hữu với Thiên Chúa và mạc khải của Thiên Chúa lệ thuộc vào tình yêu và tình yêu lệ thuộc vào vâng lời. Càng vâng lời Thiên Chúa, ta càng hiểu biết Người, và ai đi trong đường lối Thiên Chúa người ấy chắc chắn cùng đi với Thiên Chúa.[3]

25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. 27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: `Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra. 30Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”

3.Đoạn này đầy ắp những chân lý. Chúa nói đến

3.1.Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ:

3.1.1.Dạy ta mọi điều

Suốt đời, người Kitô hữu luôn luôn phải là người học hỏi. Vì cho đến tận thế, Thánh Thần sẽ dẫn ta hiểu hơn những chân lý của Thiên Chúa. Người Kitô hữu, đóng kín tâm trí, không thể bào chữa vì không biết những chân lý đức tin. Người Kitô hữu nào cho rằng không còn gì để học, không cần học hỏi, người đó không hiểu Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

3.1.2.Nhắc nhở ta những gì Chúa Giêsu đã dạy

Về đức tin

Thánh Thần sẽ hằng nhắc nhớ ta về những gì Chúa Giêsu đã dạy. Ta có bổn phận phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, nhưng phải đối chiếu những kết quả với lời Chúa. Không phải chân lý ta tìm được cho bằng chân lý Thánh Thần soi sáng cho ta. Những gì ta phải khám phá là ý nghĩa của chân lý. Thánh Thần sẽ giúp ta khỏi kiêu căng và lầm lẫn trong tư tưởng.

Về tác phong

Thánh Thần sẽ giúp ta sống cách đúng đắn. Hầu hết ta đều cảm biết những kinh nghiệm này; có những khi bị cám dỗ và đang trên đường thực hiện thì tâm trí ta nhớ đến một câu Thánh Vịnh, đến hình ảnh Chúa Giêsu, đến lời của một người thân, đạo lý học từ thuở nhỏ… và nhờ đó ta biết dừng chân; đó là công việc của Thánh Thần. [4]

3.2.Ban quà tặng

Quà tặng của Thánh Thần là sự bình an. Bình an, theo ngôn ngữ Kinh Thánh, không đơn thuần có nghĩa là không có vấn đề mà còn có nghĩa tích cực, là mọi sự đều giúp ta nên tốt và tốt nhất. Bình an của thế gian là tránh né còn bình an của Thánh Thần là vượt thắng, mà không gì trong đời sống có thể tước đoạt được: sầu muộn, nguy hiểm, đau khổ… đó là bình an độc lập khỏi những hoàn cảnh bên ngoài.

3.3.Nói đến đích điểm của Người

Đích điểm Chúa đến, đó là nhà Cha. Người nói nếu các môn đệ thực tình yêu Người, họ phải vui mừng vì điều đó. Người sẽ được giải thoát khỏi mọi hữu hạn của thế gian, để được trả lại vinh quang. Nếu thực sự hiểu ý nghĩa của chân lý đức tin, ta sẽ luôn luôn vui mừng khi những người ta yêu, ra đi về nhà Cha. Nói thế không phải là không cảm thấy đau xót buồn phiền vì mất người thân, vì phải đơn côi, mà chỉ muốn nói là vui vì người thân được tới nơi tốt hơn, hạnh phúc hơn. Họ ra đi không phải để chết mà để hưởng hạnh phúc muôn đời. Như thế ta không bao giờ miễn cưỡng vì sự chết của họ mà phải nhớ họ đã không đi về cái chết mà là về hạnh phúc. Như thế là mừng chứ không buồn (khi chết).

3.4.Nói đến tranh đấu của Người

Thập Giá là cuộc vật lộn sau cùng Chúa đấu với toàn lực Satan. Người không sợ, lại còn đi đón Thập Giá. Người đi đón cái chết không phải để thất bại mà để chiến thắng.

3.5.Nói đến biện hộ

Lúc ấy, trên Thập Giá, người ta chỉ thấy Người bị sỉ nhục, lăng mạ, nhưng sẽ đến lúc người ta thấy nơi Thập Giá sự vâng lời Thiên Chúa và lòng thương yêu con người của Người. Chính những gì là nòng cốt trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều được biểu lộ ở mức độ cao nhất trên Thập Giá. [5]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Sách Tông Đồ Công Vụ vừa thuật lại cho chúng ta biến cố ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống: gió thổi ào ào, rồi những cục lửa như hình cái lưỡi đậu trên đầu các Tông Đồ. Rồi các ngài nói tiếng lạ, nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà mọi người từ các nước khác nhau tới đều hiểu cả. Quả thật đây là một biến cố phi thường làm mọi người kinh ngạc. Nhưng điều quan trọng không phải là những sự kiện đó, mà chính là sự biến đổi con người của các Tông Đồ. Suốt ba năm trời, Chúa Giêsu đã sống với các Tông Đồ. Chúa đã cùng ăn cùng ở, cũng như dạy dỗ các ông, nhưng hình chẳng có kết quả là bao: các ông vẫn tranh giành địa vị, ganh tị chỗ cao chỗ thấp. Trong những ngày cuối đời, người thì bán Chúa, người thì chối Chúa, rồi khi Chúa bị bắt các ông trốn sạch cả. Ấy thế mà khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, có ai ngờ đâu, một người như Phêrô đã từng run sợ trước một đầy tớ gái, giờ đây lại đứng trước đám đông rao giảng một cách hùng hồn đến nỗi có tới cả ba ngàn người xin theo đạo ngay sau đó.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông Đồ, thì giờ đây, Ngài cũng tác động trên chúng ta như vậy. Nhưng Ngài sẽ chẳng làm gì được cho chúng ta, nếu không có sự cộng tác của chúng ta. Chúng ta phải làm phần của chúng ta, Chúa Thánh Thần sẽ làm phần của Ngài.Thánh Inhaxiô đã mô tả sự hợp tác với Chúa như sau: “chúng ta phải làm việc như là mọi việc tùy thuộc chúng ta, và chúng ta phải tin tưởng như là mọi sự tùy thuộc vào Chúa”.

Tommy Harmon là một cầu thủ nổi tiếng của đại học Michigan trong những năm 1939-1940. Trong khi lái máy bay ném bom xuống vùng nhiệt đới Brasil trong trận thế chiến thứ hai. Harmon và ba người bạn đồng hành đã bị bắt buộc phải nhảy dù ra khỏi máy bay. Nhờ chiếc địa bàn, Harmon đã tiến về hướng đông. Rừng nhiệt đới rậm rạp, đầy cây leo và gai góc. Chàng đã phải lội qua những đầm lầy ngập nước. Cuối cùng chàng đã phát hiện một con đường mòn qua bụi gai dầy đặc. Harmon đi theo con đường đó và gặp một túp lều của của một thổ dân. Người này đã chỉ cho chàng con đường về thành phố. Khi được hỏi làm thế nào mà tìm ra được lối thóat, trong khi những người khác bị chết đói hay bị thú dữ ăn thịt, thì Harmon trả lời: “Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn tôi. Tôi đã nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Tôi vẫn hằng cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi. Tôi cũng liên lỉ lần chuỗi Mân Côi. Tôi đã đọc hàng triệu lần “kính mừng Maria.” Tôi tin chắc rằng Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ đã dẫn tôi về bình an”.

Trong kho tàng văn chương Ấn Giáo kể lại câu chuyện như sau: có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “thưa thầy, con muốn gặp Chúa.” Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Rồi một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?” Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “thưa thầy, con cần có không khí để thở.” Không khí cần cho đời sống tự nhiên thế nào thì đời sống siêu nhiên cũng cần Thần Khí như vậy.

Anh chị em thân mến,

Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.

Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy như thế nào.

Cũng như nơi thể xác, để sống, chúng ta phải hít vào va thở ra. Hít vào chúng ta nhận được oxy và thở ra chúng ta đẩy thán khí ra ngoài, nhờ thế chúng ta đủ oxy để nuôi sống cơ thể. Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng, khi hít vào là chúng ta nhận được Thần Khí của Thiên Chúa và khi thở ra, chúng ta trút bỏ những lo âu phiền muộn và tội lỗi, do đó chúng ta cảm thấy thanh thản nhẹ nhõm. Thở ra hít và, hít vào thở ra, và cứ như thế, mỗi khoảnh khắc là một khoảnh khắc đổi mới. Mỗi nhịp thở là một nhịp đổi mới, dứt bỏ cái cũ, mở đường khởi đầu cho một cái mới và chúng ta sẽ đổi mới không ngừng. Đó chính là cách Chúa Thánh thần đổi mới chúng ta. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.371-372

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.373

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.374

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.374-375

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.375

Xem thêm

CHÚA BỊ ÉP

CHÚA BỊ ÉP

Ở sao cho vừa lòng người Ở rộng người cười, ở hẹp người chê Cao …