Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, năm B, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, năm B, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG 

Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

THẦN KHÍ CHÚA PHỤC SINH TÁC ĐỘNG VÀ SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

I.HỌC LỜI CHÚA

ga20,19-23a1.TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.(22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2.Ý CHÍNH:

Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c.19) và niềm vui (c.20). Sau đó Người sai các ông đi (c.21a), như chính Chúa Cha đã sai Người (c.21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ mạng, Người đã thổi hơi ban Thần Khí cho các ông (c.22), nhờ đó các ông có quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông (c.23).

3.CHÚ THÍCH:     

– C 19-20: + Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng Thế, ngày thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát. Từ nay, ngày thứ Nhất được gọi là Chúa Nhật nghĩa là Ngày của Chúa để kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và các Ki-tô hữu có bổn phận hội họp nhau lại cử hành nghi thức Bẻ Bánh. + Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do cửa đóng then cài, là vì các ông đang hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt bớ các ông như họ đã làm đối với Thầy các ông.+ Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị không gian và thời gian giới hạn như lúc Người còn sống. +“Bình an cho anh em !”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). +Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh bị đóng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là  thân xác Người đã từng chịu khổ nạn trước đó.

-C 21-23: +Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ ngay sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh và được siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11), được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người  lại sai các môn đệ ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và làm chứng nhân cho Người (x. Cv 1,8). + Người thở hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để hắn trở thành một người sống động là A-dam (x. St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên người mới, đầy ân sủng của Thánh Thần. Tuy nhiên vào lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần và đã dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã phát huy tác động trên các ông (x. Cv 2,1-4). + Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ mạng của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và đặt trọn niềm tin nơi Người (x. Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội nhờ quyền năng Thánh Thần.

4.CÂU HỎI: 1) Tại sao Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người sau khi sống lại ? 2) Người dã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào ? 3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các môn đệ ? 4)Các ông đã nhận được ơn Thánh Thần từ khi nào? Nhưng chỉ được Thánh Thần tác động vào lúc nào ? Tại sao ? 5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội và cầm buộc cho các môn đệ qua câu nói nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2.CÂU CHUYỆN:

1) THẦN KHÍ CHÚA BAN ƠN BÌNH AN TRONG TÂM HỒN CÁC TÍN HỮU:

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua đã ngắm tất cả các bức tranh nhưng cuối cùng ông chỉ thích hai bức mà ông sẽ phải chọn một.

Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người hiện diện đều đánh giá đây là bức tranh diễn tả sự an bình thật sự.

Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng không cây cối và lởm chởm đầy những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đổ nước mưa xuống nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng chút bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy chú chim con. Dù giữa dòng thác đang trút nước ầm ầm mà chim mẹ vẫn ấp ủ bảo về lũ con của mình. Điều này đã diễn tả sự an bình nội tâm thực sự.

Nhà vua đã tuyên bố : “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không phải là nơi không có tiếng ồn ào, không gặp khó khăn cực khổ. Bình an tâm hồn chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà người ta vẫn giữ được sự an bình nội tâm.

2) THẦN KHÍ CHÚA ĐỘNG VIÊN CHÚNG TA LÀM VIỆC TỐT:

Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:

– Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.

– Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.

– Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.

3) THẦN KHÍ CHÚA TÁC ĐỘNG NƠI MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA:

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với nhiệm vụ chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang hấp hối gần chết và bị bỏ rơi trên các hè phố thành Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ mệnh của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ được chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây ?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ mệnh chuyên lo phục vụ cho những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào việc đầu tiên là tìm mướn một căn nhà để làm nơi phục vụ cho họ, đang khi trong túi bà chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn ! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan truyền đi khắp các nước trên thế giới. Quả thực, điều này cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh.

4) THẦN KHÍ CHÚA TÁC ĐỘNG TRONG LÒNG CÁC TÍN HỮU CÁCH DIỆU KỲ:

Tại một tỉnh thuộc miền Trung Ấn Độ, một tín hữu Kitô có tên là Sacdu-Sundasi tự nguyện tham gia công tác truyền giáo bằng cách phổ biến sách Tin Mừng. Ngày kia, trên một chuyến xe lửa, anh can đảm lấy ra một số sách Tin Mừng của thánh Gioan đựng trong cặp và trao cho hành khách không phải là Kitô hữu cùng đi trên xe. Một hành khách, thay vì chỉ từ chối không nhận, lại còn giận dữ chộp lấy một quyển Tin Mừng xé nát ra và quăng những mảnh giấy vụn qua cửa sổ. Thiện chí truyền giáo của Sacdu tưởng chừng như tan biến theo gió. Nhưng cũng vào lúc ấy, có một người tình cờ đi dọc theo đường ray, anh ta tò mò cúi xuống nhặt mảnh giấy bị gió cuốn trước mặt, và anh đọc được hàng chữ “Bánh Hằng Sống” được in bằng tiếng địa phương. Tuy không hiểu rõ những chữ trên có ý nghĩa gì nhưng anh cứ giữ lấy mảnh giấy để dò hỏi các bạn quen biết. Một trong bọn họ bảo: Đây là mảnh giấy trong sách đạo Kitô, anh không nên đọc nó nếu không muốn bị ô uế.

Suy nghĩ trong khoảnh khắc, người đã nhặt được mảnh giấy, nói:

– Tôi không sợ bị ô uế, ngược lại, tôi muốn đọc trọn quyển sách mang dòng chữ tuyệt vời này.

Sau đó, anh tìm mua một quyển Tân Ước và được chỉ chỗ của câu trong mảnh giấy lời Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là Bánh Hằng Sống”. Anh say mê đọc và thấy con tim được chiếu sáng. Rồi sau khi lãnh nhận phép thanh tẩy, chính anh đã trở nên một giáo lý viên.

Người đã ghi lại câu chuyện trên ghi chú: qua Chúa Thánh Thần, mảnh giấy nhỏ đã thực sự trở nên Bánh Hằng Sống cho anh.

  1. SUY NIỆM:

1) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU: Về việc đầu thai của Đức Giê-su, trong kinh Tin kính có câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin chịu phép Rửa của Gio-an tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), tiếp tục sứ mạng của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ mạng ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông được quyền tha hay cầm giữ tội của người ta nữa (x. Ga 20,23).

2) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG HỘI THÁNH: Thời Hội thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối đến xin chịu phép Rửa nhân danh Đức Giê-su (x. Cv 2,41). Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47). Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị Chủ chăn để các ngài chu toàn ba sứ vụ được Đức Giê-su trao phó: Một là sứ vụ Ngôn sứ để công bố Lời Chúa. Hai là sứ vụ Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích. Ba là sứ vụ Vương đế để chăn dắt và phục vụ Hội thánh. Do đó, khi Đức Giáo hòang triệu tập Công Đồng Chung mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì đều bất khả ngộ nghĩa là không thể sai lầm, vì luôn được Thần Chân Lý soi dẫn, như trong quyết nghị của Công đồng Giê-ru-sa-lem vào năm 49 có viết: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).

3) THÁNH THÂN TÁC ĐỘNG ÂM THẦM NHƯNG HỮU HIỆU TRONG MỖI TÍN HỮU :

Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:

“Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

– Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không”.

Câu chuyện trên cho thấy Cha Rochky không những đã truyền giảng bằng lời nói, bằng việc giảng dạy giáo lý, nhưng còn bằng chính cuộc sống chứng nhân giữa đời thường nữa!

4.THẢO LUẬN: Mỗi tín hữu hôm nay phải làm gì để được Thánh Thần tác động giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?

5.NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là một người Bạn, người Thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa “Áp-ba! Ba ơi !” nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con trở nên nghĩa tử (x. Rm 8,15). Chúng con chỉ có thể gọi Đức Giê-su là “Chúa” khi chúng con ở trong Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3). Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa Giê-su. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội thánh không ngừng canh tân đổi mới.

– LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mệnh được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ trần gian.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG