Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B, của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH B

LỄ THĂNG THIÊN

Cv 1,1-11 ; Ep 1,17-23 ; Mc 16,15-20

 

GÓP PHẦN KIẾN TẠO THIÊN ĐƯỜNG ĐỜI SAU

NGAY TỪ HÔM NAY

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 16,15-20.

(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này cũng được mạnh khỏe. (19) Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao gảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su trước khi về trời đã trao cho các Tông đồ sứ mạng tiếp tục công việc loan báo  Tin Mừng Nước Trời cho mọi loài thụ tạo, để ai tin và chịu phép rửa thì được tái sinh làm con Thiên Chúa và được sống đời đời. Còn những kẻ không tin thì sẽ bị kết án. Chúa còn hứa ban quyền làm những dấu lạ cho các Tông đồ. Sau đó Chúa Giê-su đã được rước lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi với sự trợ giúp của Người.

3. CHÚ THÍCH:

– C 15-16: +Anh em hãy đi: Lệnh truyền này chỉ được công bố sau biến cố Phục Sinh cho thấy: mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng cho sứ mạng tông đồ. +Khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. Nhưng sau khi Phục Sinh, Người đã trao sứ mạng “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” cho các Tông đồ. +Loan báo Tin Mừng: Theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Eu-ag-ge-li-on) là một “tin vui, tin hạnh phúc”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là “Tin Mừng được Đức Giê-su công bố. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. +Cho mọi loài thọ tạo: Mọi loài thọ tạo mang ý nghĩa cánh chung, nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19), Chúa sẽ biến đổi trần gian nên Trời Mới Đất Mới vào ngày Tận Thế (x. Kh 21,1). +Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép Rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên người mới và nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhờ đó họ sẽ được sống đời đời. + Còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Còn kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa nên đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên sẽ khô héo và sẽ bị quăng vào lửa hỏa ngục đời đời ở đời sau (x. Ga 15,5-6). +Còn những người không tin Đức Giê-su nhưng không do lỗi của họ thì có được hưởng ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì “Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn”. Chỉ những kẻ cố tình theo ma quỷ làm điều gian ác và cố chấp không hồi tâm sám hối, thì chắc chắn sẽ phải xuống hỏa ngục, nơi dành cho các đầy tớ bất trung, “những kẻ đạo đức giả. Ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x. Mt 24,51a), cũng là nơi “dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

C 17-18: +Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Chúa Giê-su Phục Sinh đã trao lại cho các ông quyền làm các dấu lạ ấy. +Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), các Tông đồ đã làm nhiều dấu lạ. Chẳng hạn: Vào lễ Ngũ Tuần, sau khi nhận được đầy ơn Thánh Thần, các Tông đồ đã nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân qua các Tông đồ (x. Cv 5,12). Tông đồ Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). Còn tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Lýt-ra (x. Cv 14,8-10) ; Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay và cắn mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông đã mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).

C 19-20: +Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Các Vua đã “lên trời trong cơn gió lốc” (2 V 2,11), thì thân xác Chúa Giê-su Phục Sinh cũng được rước lên trời trên các tầng mây. Từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. +Và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh (x Đn 7,13-14; Cv 2,34), được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18), ngang hàng với Thiên Chúa (x. Ep 1,21). Công Nghị Do Thái đã hiểu theo nghĩa này, nên đã đồng thanh kết án tử hình Đức Giê-su vì cho Người chỉ là phàm nhân mà dám phạm thượng khi nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mc 14,62-64). Đức Giê-su lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa không có nghĩa là lìa xa con người, nhưng có nghĩa: Người được tôn vinh lên ngang hàng với Thiên Chúa. Là Thiên Chúa nhập thể làm người, là “Em-ma-nu-en” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. + Ra đi rao giảng khắp nơi: Các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). +Có Chúa cùng hoạt động với các ông…: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Chúa Phục Sinh đã hiện ra thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ để ban quyền tha tội (x Ga 20,21-22), và vào lễ Ngũ Tuần, Thần Khí hay Thánh Thần đã được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai để giúp Hội Thánh chu toàn sứ vụ ngôn sứ là loan báo Tin Mừng khắp thế gian (x. Cv 2,18).

4. CÂU HỎI:

1) Mầu nhiệm Phục Sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mạng được sai đi? Các Tông đồ được Chúa Phục Sinh sai đến với những người nào?

2) Tin Mừng của Đức Giê-su có những ý nghĩa thế nào?

3) Để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su, đòi ta phải có những điều kiện nào?

4) Những ai chắc chắn sẽ bị kết án sa hỏa ngục? Những người tuy chưa có đức tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được Chúa ban ơn cứu độ không?

5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền nào?

6) Trườc khi về trời, Chúa Phục Sinh đã trao sứ vụ loan Tin Mừng cho các Tông đồ kèm theo những gì?

7) Lời Chúa tiên báo về các dấu lạ đi kèm với lời rao giảng của các Tông đồ đã được ứng nghiệm thế nào trong thời Giáo Hội Sơ Khai?

8) Trong thời Cựu Ước, ngôn sứ nào đã được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Mầu nhiệm thăng thiên của Chúa Giê-su khác với mầu nhiệm mông triệu của Đức Ma-ri-a ra sao?

9) So sánh hai lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi lên trời trong Tin Mừng Mat-thêu “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (x Mt 28,19), và trong Công vụ Tông đồ “Hãy nên chứng nhân của Thầy…” (x Cv 1,8) giống và khác nhau thế nào?

10) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su có còn hiện diện trong Hội thánh nữa không?

11) Chúa Phục Sinh thổi ban Thần Khí cho các Tông đồ nhằm mục đích gì?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao gảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng (Mc 16,19-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) Phải chăng không có Thiên Đàng ?

Do hiểu Thiên đàng chỉ là một nơi cực lạc về vật chất nên vào ngày 5.9.1961 Thủ tướng Liên xô cũ là ông KÚT-XẾP (Kroutchev) đã nói với ký giả SUN-BÉC-GƠ (Sulberger) rằng: ”Để điều tra trên trời có Thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung: anh GIU-RI GA-GA-RIN (Youri Gagarine). Anh này đã đi vòng quanh trái đất mà cũng chỉ quan sát thấy những bóng đen dầy đặc, chứ không có gì như thiên đàng cả.  Sau đó, chúng tôi đã suy nghĩ và gửi thêm một thám tử khác nữa lên là GIƠ-MEN TI-TỐP (German Titov). Chúng tôi đã bảo anh ta rằng: ”Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Ga-ga-rin chưa trông thấy thiên đàng, vì chàng ta chỉ mới bay có một tiếng rưỡi đồng hồ thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ”. Ti-tốp đã ra đi rồi sau khi trở về, anh đã xác nhận lời tuyên bố của Ga-ga-rin: ”Hư vô! Chỉ có hư vô!” là đúng. Rồi cuối cùng Kút-xếp xoa tay kết luận: ”Cho nên chúng tôi không tin có đời sau” (Information catholique ngày 1.10.1961, tr 14).

Tuy nhiên đối với những người không có đức tin vào Thiên Chúa và vào thế giới siêu nhiên, thì làm sao có thể nhìn thấy Thiên Chúa hay thấy Thiên đàng bằng cặp mắt thường được?

2) Thiên đàng hỏa ngục hai bên:

Cách đây ít lâu thập niên 50, ở miền Nam Việt Nam các trẻ em thường chơi trò mà nội dung có ý nghĩa giáo dục rất lớn về hạnh phúc Thiên Đàng và bất hạnh của Hỏa Ngục như sau:

Hai em được đề cử sẽ đứng đối diện với nhau và giơ hai cánh tay lên nắm vào nhau để làm thành cánh cửa Thiên Đàng. Các em khác thì xếp hàng một, người sau đặt hai bàn tay lên vai người trước và nối đuôi nhau đi qua cánh cửa Thiên Đàng, trong lúc mọi người chơi đều hát một bài ca đồng dao theo cung giọng chung như sau:

“Thiên Đàng địa ngục hai bên,

Ai khôn thì lại, ai dại thì qua.

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha,

Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi mình chết được lên Thiên Đàng”.

Cuộc chơi bắt đầu khi các em vừa hát bài đồng dao vừa di chuyển chầm chậm chui qua cửa Thiên Đàng. Nhưng khi bài hát gần hết, các em sẽ phải đi nhanh hơn. Khi hát tới câu “Đến khi mình chết được lên Thiên Đàng”, thì cánh cửa Thiên Đàng do hai em trấn giữ sẽ đóng sập xuống. Những em chưa qua được cửa Thiên Đàng đương nhiên sẽ bị kẹt lại trong hỏa ngục, và phải chịu hình phạt như hít đất, thụt dầu hay nhéo lỗ tai, v.v…

3) So sánh Thiên đàng và hỏa ngục giống và khác nhau thế nào?

Ngày xưa có ông vua triệu vời một đạo sĩ vào triều để hỏi xem Thiên Đàng và Địa Ngục là có thật hay chỉ là sự hoang đường mê tín. Đạo sĩ mời vua nằm ngủ đầu dựa trên chiếc gối có phép mầu. Vua vừa nằm ngủ liền xuất hồn ra khỏi xác đi theo vị đạo sĩ, vào trong một căn phòng lớn. Giữa phòng có đặt một nồi cháo thật to đáng bốc khói, bốc ra mùi cháo thơm phức. Chung quanh nồi cháo có rất đông người ốm đói đang chen lấn nhau rất mất trật tự. Mỗi người cầm trên tay một cái muỗm có cán dài quá khổ. Ai nấy đều cố giành cho mình được quyền vào múc cháo trước. Nhưng vì cán muỗm quá dài, nên họ chỉ múc được cháo mà không thể đưa muỗm cháo tới gần miệng để ăn. Họ tranh cãi nhau ồn ào như một cái chợ. Có kẻ còn dùng muỗm đánh nhau làm cháo đổ văng tung tóe. Vua lắc đầu ngao ngán: “Đúng thật là hỏa ngục!”

Vua lại thấy hồn mình đi theo đạo sĩ bước vào căn phòng lớn thứ hai, cũng có nồi cháo thật to đang bốc mùi cháo thơm phức như vậy và có rất đông người đứng gần đó. Mỗi người đều cầm một cái muỗm có cán khá dài. Nhưng những người ở đây lại xếp hàng trật tự để lần lượt chờ tới phiên mình. Khi múc được cháo, họ không thể đưa vào miệng mình nên đã đưa muỗm cháo cho người ở bên cạnh ăn. Vị biết nhường nhịn và quảng đại chia sẻ cháo cho nhau nên mọi người đều được ăn no. Ai nấy đều cảm thấy vui và bầu khí trong phòng thật an bình hạnh phúc. Vua thấy vậy liền gật gù và nói: “Đây thật là một Thiên Đàng hạnh phúc!”

Câu chuyện trên cho thấy Thiên Đàng và Hỏa Ngục nói chung rất giống nhau. Chỉ khác nhau ở chỗ người ta có biết nghĩ đến nhau và biết cách ứng xử với nhau bằng tình thương hay không. Tình thương phải được thể hiện qua thái độ biết nghĩ đến nhau, nhẫn nhịn chịu đựng nhau và hay tha thứ cho nhau, biết tôn trọng lẫn nhau, tránh thói ích kỷ và biết khiêm tốn phục vụ và làm vui lòng nhau hay không thôi.

3. THẢO LUẬN:

1) Thiên Đàng là gì? 2) Thiên Đàng ở đâu? 3) Ta phải làm gì ngay từ bây giờ để sau này sẽ được sống an vui hạnh phúc với Chúa trên Thiên Đàng?

4. SUY NIỆM:

1) Thiên Đàng hay Địa Đàng là gì?:

– Thiên Đàng (Hy ngữ là Pa-ra-dei-sos) nghĩa là Hoa viên hay khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ (x St 2,8). Theo Kinh Thánh, Địa đàng là một khu vườn hoan lạc, nơi con người được sống trong bình an hạnh phúc. Đầu tiên Thiên Chúa đã dựng nên một khu vườn có nhiều hoa trái tươi xinh, có suối nước trong và rất nhiều thú vật hiền hòa đều sinh sống bình an hòa thuận với nhau. Rồi đến lượt ông bà nguyên tổ Ađam Evà được Chúa dựng nên và nhận làm nghĩa tử. Chúa cho hai người ở trong Vườn Địa Đàng (Eđen), và trao cho họ nhiệm vụ coi sóc canh tác vườn (Stk 2).  Nhưng Nguyên tổ Ađam Evà do tội kiêu ngạo, đã cãi lệnh truyên của Thiên Chúa, nghe lời cám dỗ của con rắn ma quỷ để ăn quả cây Chúa cầm, hầu được theo sở thích của mình và không bị lệ thuộc vào Chúa nữa. Do phạm tội Tổ Tông này nên hai ông bà đã bị truất quyền làm nghĩa tử, bị đuổi ra khỏi Địa đàng, phải vào sống trong thung lũng trần gian đầy gai góc, nước mắt đau khổ với nhiều tai ương hoạn nạn bệnh tật và cuối cùng còn phải chết (x. St 3,7.16-19).

– Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc loài người chết trong tội lỗi muôn đời, nên đã hứa ban một Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi người nữ đến, với nhiệm vụ chịu hình phạt chịu đóng đinh chân tay vào thập giá để chịu chết đền tội thay cho loài người, hầu khôi phục lại tình trạng hoan lạc và hạnh phúc đời đời cho loài người (x. St 3,15). Đức Giê-su đã mở ra một con đường mới để dẫn đưa loài người về giao hòa với Thiên Chúa. Người biến trần gian là nơi lưu đầy trở thành Nước Trời bình an hạnh phúc, trở lại tình trạng Thiên Đàng ban đầu khi mới được tao thành (x. Ed 36,35; Is 51,3), trở thành “Trời Mới Đất Mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13; Kh 21,1), trở thành Miền Đất Hứa cho dân It-ra-en Mới là Hội Thánh trở về quê hương đời sau.

2) Thiên Đàng ở đâu?

– Thiên Đàng là nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi đầy hoan lạc bình an và hạnh phúc. Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Phi-lip-phê đề cập đến quê hương Thiên Đàng như sau: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

– Thiên Đàng không phải ở đâu xa, mà ở đâu có tình yêu, có hòa bình, không chém giết hận thù nhau, mọi người sống chung hòa hợp và hạnh phúc thì nơi đó là Thiên Đàng như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm về triều đại hòa bình của Đấng Thiên Sai:

“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,6-9).

Sách Khải Huyền cũng diễn tả về hạnh phúc Thiên Đàng đời sau: “Bấy giờ Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).

Tóm lại, Nước Trời hay Thiên Đàng có thể không ở đâu xa, mà ở trong lòng mỗi người, trong cộng đoàn ta đang sinh hoạt. Thiên Đàng hay Triều Đại của Thiên Chúa không phải thuộc vật chất nên chúng ta không trông thấy được như lời Đức Giê-su nói: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” Hay “Ở kia kìa!”, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21). Ai yêu thương thì người ấy đang sống trong Nước Trời hay đang hưởng hạnh phúc Thiên Đàng vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16). Còn ai không yêu thương sẽ bị loại ra ngoài Nước Trời, “Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13,50).

3) Kiến tạo Thiên đàng đời sau bằng việc gieo việc tốt yêu thương từ đời này:

Ngày xưa có một chàng thanh niên hồ nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một hôm anh tìm đến một cha Bề Trên có tiếng là đạo đức của một dòng tu trong vùng và hỏi cha rằng:

– Thưa cha, cha có tin có Thiên Chúa không ?

Cha Bề Trên trả lời:

– Có chứ. Tôi tin.

– Nhưng dựa vào đâu mà cha lại tin như thế ?

– Tôi tin Thiên Chúa vì tôi biết Ngài. Tôi cảm nghiệm được Ngài ở trong tôi mỗi ngày.

– Nhưng làm sao mà cha cảm nhận được như thế ?

– Khi chúng ta yêu thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa, và những nỗi hồ nghi trong ta sẽ tan biến như những giọt sương mai sẽ tự nhiên tan biến dưới ánh nắng mặt trời.

Chàng thanh niên suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp :

– Xin cha chỉ rõ cho con phải làm gì để tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa?

– Bằng cách thực hiện những việc yêu thương. Anh hãy cố gắng yêu thương những người chung quanh anh, yêu thương tích cực và không ngừng. Khi anh học biết yêu thương ngày càng nhiều hơn thì anh cũng sẽ ngày càng xác tín hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn.

Cha bề trên chẳng nói gì khác hơn điều Tông Đồ Gio-an đã viết như sau: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu”. Nhà danh họa Van Gogh cũng nói: “Cách tốt nhất để biết Thiên Chúa là hãy yêu nhiều. Hãy yêu bạn mình, yêu vợ mình, yêu một cái gì đó. Rồi bạn sẽ thấy mình đang đi đúng đường dẫn tới chỗ biết Thiên Chúa”.

Có một vực thẳm ngăn cách giữa việc nhận biết Chúa và yêu mến Chúa. Không yêu Chúa thì sẽ không nhận biết Ngài. Nhưng khi chúng ta yêu thì vực thẳm này được lấp đầy ngay. Yêu Chúa là nhận biết Chúa. Nơi nào có tình yêu thì nơi đó có Chúa và là Thiên Đàng, cũng như nơi nào có Chúa thực sự thì nơi đó chắc chắn sẽ có tình yêu đang ngự trị và trở thành Thiên Đàng.

4) Hiện nay công trình cứu chuộc của Chúa cần chúng ta góp phần hoàn tất: 

Công trình cứu độ loài người của Thiên Chúa gồm hai phần: Đức Giê-su đã hoàn tất phần đầu thuộc về Thiên Chúa là nhập thể và mở ra con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” để cứu độ nhân loại. Nhưng việc cứu độ chỉ hoàn tất với sự cộng tác của các tín hữu với ơn Thánh Thần để nhận được ơn tha tội và tích cực cứu độ anh em.

Vì thế, trước khi về trời, Đức Giê-su đã nhắc lại cho các môn đệ sứ vụ loan báo Tin Mừng để làm cho chương trình cứu độ được hoàn thành nơi mỗi người tín hữu, rồi mọi người cùng góp phần cải thiện môi trường mình đang sống ngày một sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, để khu phố, xí nghiệp, cơ quan… mình đang làm việc trở thành Thiên Đàng yêu thương, mang lại bình an hạnh phúc là dấu chỉ sau này chúng ta sẽ được hạnh phúc đời đời trên Thiên Đàng.

Chúa Phục Sinh đã trao trách nhiệm cho các Tông Đồ cũng là cho mỗi tín hữu hôm nay là phải làm chứng nhân cho tình thương của Chúa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Vậy gieo yêu thương để làm chứng cho Chúa hôm nay, đòi mỗi người chúng ta phải tha thứ, nhịn nhục, thăm viếng, giúp đỡ những người khó ưa sống chung trong gia đình, trong các đoàn thể của giáo xứ, nơi trường học, chợ búa, xí nghiệp, cơ quan, và bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện…

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi Chúa về trời, sứ thần đã nhắc nhở các môn đệ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn cứ đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời (Cv 1,10-11). Lạy Chúa, bấy lâu nay chúng con đã lơ là với lệnh Chúa truyền loan báo Tin Mừng. Chúng con thường chữa lỗi mình rằng: Tôi lo cho mình chưa xong, làm sao dám lo cho người khác! Tôi phải tối ngày lo kiếm tiền nuôi gia đình nên không có giờ rảnh để tham gia sinh hoạt hội đoàn; Chúng con thường nhát đảm sợ hãi khi đối diện với những lời chống đối hay chối từ… nên đến hôm nay chúng con vẫn chưa làm được gì cho Chúa. Xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng một đời sống vị tha bác ái, luôn nghĩ đến tha nhân. Xin cho chúng con biết chiếu ánh sáng của Chúa ra trước mặt người đời và trở nên muối ướp thiên hạ khỏi hư hỏng. Xin cho chúng con luôn sống chan hoà, như nắm men được hòa lẫn vào ba đấu bột, để cả khối bột là học đường, xí nghiệp, chợ búa, khu xóm, giáo xứ… được dậy lên men tình yêu mến Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON. 

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG