Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.

Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy

mà loan báo cho anh em”.

                   Tin Mừng Gioan 20,19-23:

         CHUABANGOI Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông:

          “Chúc anh em được bình an!

          Như Chúa Cha đã sai Thầy,

          thì Thầy cũng sai anh  em”.

          Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:

          “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

          Anh  em tha tội cho ai,

          thì người ấy được tha;

          anh  em cầm giữ ai,

          thì người ấy bị cầm giữ”.

                   Suy niệm:

          Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi là Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm của đức tin. Đó là giáo huấn căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý của đức tin”. (GLHTCG số 234)

          Bài Tin mừng hôm nay hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua lời dạy của Đức Giêsu: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Thần Khí sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh  em”.

          Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan là một cuộc thần hiện.

  • Tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
  • Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên vai Chúa Giêsu.

Cuộc thần hiện là mạc khải rõ nét về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong cuộc tâm sự của Chúa Giêsu với các tông đồ trong bữa tiệc ly. Chúa Giêsu đã nói về sự hiện diện của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần:

“Cha Ta và Ta là một.”

“Thầy sẽ ra đi về với Chúa Cha và cũng là Cha của anh  em.”

Thầy đi thì Thần Chân Lý sẽ đến với anh  em.”

Sau cùng lệnh truyền lên đường ra đi loan báo tin mừng của Chúa Giêsu trước khi Ngài lên trời ở một ngọn núi miền Galilê: “Anh  em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Vì là mầu nhiệm không thể giải nghĩa được, vượt trên sự hiểu biết của con người. Chúng ta phải có thái độ khiêm tốn và tin nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi chính là cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương, cộng đoàn tình yêu và gia đình: cha – mẹ và con. Tình yêu ấy không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian, một tình yêu vô vị lợi luôn hướng đến mọi người, một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của ngài. Là tình yêu cứu độ tha thứ qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” nói lên tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa ba ngôi: Cha – Con – Thánh Thần.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là vấn đề tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Người Kitô hữu sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sống mầu nhiệm tình thương, cách cụ thể tương quan gia đình, ngoài xã hội qua việc phục vụ, bác ái yêu thương, công bằng và luôn tha thứ.

Khi tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: làm Dấu Thánh giá, đọc Kinh Tin kính, Kinh Sáng Danh… Chúng ta tuyên xưng với tất cả lòng yêu mến, cảm tạ tình thương của Thiên Chúa dành cho ta và quyết tâm sống tương quan tốt với Chúa, với mọi người trong tình thương chân thành.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN