Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 

 (Đnl 4, 32-34.39-40; Rm 8, 14-17; Mt 28, 16-20)

“Hãy đi giảng dạy muôn dân,

làm phép rửa cho họ

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

 

Tin mừng Matthêu 28, 16-20:

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Suy niệm:

Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Người Kitô hữu sẽ không thể tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu không hiểu yêu thương là gì. Vì thế, chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người khai mở, tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nền tảng của niềm tin Kitô giáo: Một Thiên Chúa duy nhất Cha-Con-Thánh Thần.

Khi nhìn nhận mặc khải Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu chân chính và trọn hảo. Tình yêu trọn hảo luôn hướng tha, luôn tuôn tràn ra ngoài, đến với chủ thể khác mình. Vì thế Thiên Chúa là tình yêu không đơn độc. Yêu là phải yêu ai hay cái gì. Yêu phải có đối tượng, phải có đối tượng cho Ngôi Cha tình yêu. Đối tượng này phải tương xứng, đáp ứng đầy đủ và hoàn toàn cho tình yêu của Cha, tất nhiên không tạo vật nào có thể đáp ứng tương xứng tình yêu của Tạo Hóa Thiên Chúa Cha. Đối tượng hoàn hảo và trọn vẹn cho tình yêu Cha phải là Chúa Con. Có thể nói đối tượng của tình yêu đã phát sinh từ tình yêu. Thiên Chúa Cha do tình yêu phát sinh Chúa Con. Chúa Cha yêu Chúa Con phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Con nên một.

Tình yêu Cha dành cho con và tình yêu con trao lại cho cha hoàn hảo như nhau đến nỗi giữa cha và con chỉ là một tình yêu duy nhất. Tình yêu ràng buộc Ngôi Cha và Ngôi Con hoàn hảo đến nỗi trở thành một ngôi vị. Đó là  Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần bởi Cha và Con mà ra.

Sách GLHTCG xác định Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mặc khải là Chúa Cha- Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Các nhà thần học dùng hình ảnh nước – thể hơi – nước đá trong ba thể khác nhau, nhưng đều là nước. Hình ảnh cha – mẹ – con cái hiệp nhất trong tình yêu diễn tả phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi… Mọi hình ảnh đều bất toàn, không thể diễn tả hết được mầu nhiệm Cha, Con, Thánh Thần. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vén mở bức màn giúp ta thấy yêu thương chính là sự sống của Thiên Chúa, giúp ta tiến sâu thêm vào sự sống dâng tràn tình yêu đó.

Thiên Chúa là Tình Yêu, vì yêu thương con người, Thiên Chúa Cha tạo dựng vạn vật vũ trụ cho con người. Chúa Con cứu chuộc nhân loại qua sự chết và phục sinh. Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa, hướng dẫn, bảo trợ và nguồn sống cho Giáo hội và cho Kitô hữu. Như thế, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy rõ một tình yêu sáng tạo, cứu độ và thánh hóa.

Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được làm con Chúa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và bắt đầu khai mở cuộc sống chúng ta cho mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi làm dấu Thánh Giá, tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, người Kitô hữu thánh hóa việc làm, tư tưởng, lời kinh “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Hầu hết các kinh nguyện trong đời sống Kitô hữu đều bắt đầu và kết thúc bằng một lời tán tụng hay khẩn cầu cùng Chúa Ba Ngôi. Cụ thể nhất vẫn là dấu Thánh giá.

Thánh lễ, trọng tâm của đời sống Giáo hội, của đời sống Kitô hữu cũng được bắt đầu và kết thúc trong Chúa Ba Ngôi: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.

Như thế, cuộc đời của người môn đệ Đức Giêsu không gì khác hơn là bơi lội, tựa nương, hít thở, say đắm trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, một tình yêu luôn hướng mở ra khỏi bản thân mình và đi đến người khác, một tình yêu sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa không ngừng. Việc loan báo Tin mừng cho muôn dân bắt đầu từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha, được thực hiện nơi Đức Giêsu và được hoàn thành qua tác động của Chúa Thánh Thần, như lời Đức Giêsu đã truyền dạy: “Hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Sứ mạng của Giáo hội, của người Kitô hữu là rao giảng cho mọi người ở mọi nơi về Tin mừng Tình yêu để tất cả được thánh hóa trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Để hoàn thành sứ mạng rao giảng mà Chúa Giêsu trao phó, không gì thiết thực hơn là ngày hôm nay tập sống như những chứng nhân của sự hiệp thông, rộng mở, trao ban và dâng hiến theo mô hình tình yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN