Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH A.B.C

Cv 4.32-35 ; 1 Ga 5,1-6 ; Ga 20,19-31

TỪ KHÔNG TIN ĐẾN VỮNG TIN

VÀ HĂNG HÁI LOAN TRUYỀN ĐỨC TIN CỦA ÔNG TÔ-MA

I.HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Ga 20,19-31:

download(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.(24) Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa! Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.(26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.(28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “ (29) Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà tin!”.(30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

  1. Ý CHÍNH:

Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các tông đồ. Cả hai lần đều vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và cách nhau một tuần lễ. Lần đầu Tô-ma vắng mặt, và lần sau có ông hiện diện. Khi hiện ra lần thứ hai, Đức Giê-su đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma đòi được “mắt thấy tai sờ”. Khi được Chúa Phục Sinh hiện ra, lập tức Tô-ma đã có đức tin và đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Sau đó, Đức Giê-su đã động viên các tín hữu về sau là những người chỉ có đức tin bởi nghe: “Phúc thay những người không thấy mà Tin!”.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 19-20: + Ngày thứ nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Giê-su Phục Sinh hiện đến trong lúc phòng đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Giê-su Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một dây liên kết giữa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả mọi tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Mười Hai Tông đồ (x. Mt 10,3). Biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi Đức Giê-su đang giảng để được Người dạy rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người…: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “… thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng nhất lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17) ; “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14) ; Chúa phán: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?” (Lc 24,38).

C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn những đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Đức Giê-su tuy khiển trách tội cứng lòng của Tô-ma, nhưng Người cũng thông cảm và chỉ kêu gọi ông từ bỏ cứng lòng để tin vào mầu nhiệm Phục sinh của Người.

C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin Đức Giê-su sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng nội dung đức tin đầy đủ nhất về Đức Giê-su: Người vừa là Chúa (Cứu Chúa), vừa là Thiên Chúa (Con Thiên Chúa). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Từ nay trở đi, đức tin và mầu nhiệm Phục Sinh không dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng dựa trên lời chứng của các Tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các Tông đồ còn làm chứng về Đức Giê-su Phục Sinh bằng việc sẵn sàng chịu chết vì đức tin vào mầu nhiệm ấy.

  1. CÂU HỎI: 1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì ngày Thứ Bảy (Sabát) như đạo Do thái? 2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có phẩm chất gì? 3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đã đem lại điều gì cho các môn đệ?4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông? 5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ đâu và vào lúc nào? 6) Tại sao Đức Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ? 7) Bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích Giải tội ban quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào? 8) Tin Mừng cho biết gì về tông đồ Tô-ma? 9) Tô-ma và các tông đồ có dễ tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su hay không? 10) Khi hiện ra lần thứ hai, Chúa Giê-su đã làm gì để thỏa mãn đòi hỏi mắt thấy tay sờ của Tô-ma? 11) Cuối cùng Tô-ma đã đạt tới đức tin trọn vẹn qua lời tuyên xưng nào? 12) Ngày nay các tín hữu dựa vào đâu để tin vào mầu nhiện Phục Sinh của Chúa Giê-su? 13) Sự cứng lòng của Tô-ma và của các tông đồ có giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu hôm nay?         

II.SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Phúc thay những người không thấy mà tin(Ga 20,29).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỨC KI-TÔ CHỈ ĐƯỢC TÔN VINH SAU KHI TRẢI QUA TỬ NẠN THẬP GIÁ:

Một hôm do muốn cám dỗ thánh Mác-ti-nô phạm tội, nên quỷ đã hiện hình thành một ông vua oai phong và phán rằng “Hỡi Mác-ti-nô, Ta cám ơn con đã tin vào Ta, và Ta mong rằng từ nay con sẽ luôn ở bên Ta và vâng nghe lời Ta truyền dạy”.

Mác-ti-nô chăm chú nhìn ông vua giàu sang kia và hỏi: “Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?”. Vua liền trà lời: “Ta là Vua Ki-tô đây !”

Mác-ti-nô lại hỏi:  “Vậy những vết thương ở tay chân của Đức Ki-tô đã biến đi đâu cả rồi?” Vua liền đáp “Ta từ trời xuống, nên không cần đến các vết thương đó nữa !”

Bấy giờ Mác-ti-nô nói: “Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Ki-tô không chịu khổ nạn và tay chân không mang thương tích!” Tên vua quỷ nghe vậy liền biến mất.

Đức Ki-tô sau khi Phục sinh vẫn giữ những vết thương của cuộc khổ nạn. Khi hiện ra với Tô-ma, Chúa Phục Sinh đã cho ông xem những vết thương trên tay chân và cạnh sườn Người để chứng minh Người là Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn thập giá và đã từ cõi chết trỗi dậy.

2) GIÁ TRỊ CỦA CÁC VẾT SẸO TRÊN THÂN MÌNH ĐỨC GIÊ-SU:

Một võ sĩ đã trở lại đạo Công giáo, ngày nọ gặp một người bạn thân. Anh bạn kia hỏi: “Tôi nghe nói anh mới theo đạo công giáo phải không? Thật là tức cười !”

Võ sĩ tân tòng liền đápi: “Sao lại tức cười? Đó là điều tốt mà anh”. Người bạn kia lại hỏi: “Nếu vậy, liệu anh có xoá nổi chân tướng con người du côn của anh trước đây không? Những vết sẹo còn lại trên khuôn mặt anh sẽ tố cáo con người thật của anh”.

Võ sĩ tân tòng trả lời: “Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo là dấu vết của hành động bạo lực tội lỗi trước kia, thì nay lại trở thành cửa sổ giúp tôi đón nhận ơn Chúa. Thực vậy, những tội của tôi đã được Chúa thứ tha, nay tuy vẫn còn dấu vết, nhưng là dấu vết tình thương của Chúa. Người đã thương tôi và đã ban ơn cứu độ cho tôi”.

Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Phục Sinh đã giữ nguyên những vết sẹo để các ông có thể nhìn xem, sờ chạm và nhận ra Người. Khi hiện ra với Tô-ma, Chúa đã thỏa mãn đòi hỏi của ông khi phán: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27). Chúa Ki-tô Phục Sinh sẽ khó thuyết phục Tô-ma tin rằng Người đã từ cói chết sống lại nếu không cho ông xem các vết sẹo trên hai bàn tay, hai bàn chân và nơi cạnh sườn của Người. 

3) “LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON”:

Trong tạp chí Guidepots, đã bài viết về bác sĩ SCOTT HARRISON, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay. Trong một bài tác giả đã viết về bác sĩ này như sau: “Lần nào khi đang giải phẫu tay cho một người nào đó, ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Ông có thói quen nầy ngay từ hồi còn ở Việt Nam. Một đêm nọ, vừa rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính dưới ánh sáng của ngọn đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy đã để lại cho ông một cảm xúc sâu xa, đến nỗi sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, ông đã quyết định học chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật lạ gây ra, chẳng hạn như một viên đạn. Khi vật ấy xuyên thủng lớp da, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay một ngườim nhà phẫu thuật ấy thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp mà Chúa Giê-su đã phải chịu khi đôi tay Người bị đóng đinh vào cây thập giá.

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, nhà phẫu thuật đã phát biểu như sau: “Tiếng kêu ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa của con’ của tông đồ Tô-ma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy cảm thông của vị tông đồ này ông nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc của Chúa Giê-su. Chỉ đến lúc đó, Tô-ma mới nhận thức được cơn đau đớn mà Người đã phải chịu đựng trên cây thập giá. Ông đã kết thúc bài nói chuyện như sau: “Mỗi lần thực hiện giải phẫu cho một ai đó, tôi luôn nhớ tới Chúa Giê-su đã từng chịu đóng đinh hai tay vào thập giá vì tôi. Khi ấy, cũng như Tô-ma, tôi đều phải thốt lên rằng : “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

4) CÓ THIÊN  CHÚA KHÔNG?

Một bác học người Pháp muốn làm một cuộc nghiên cứu trong sa mạc. Ông chọn mấy người Ả rập làm hướng dẫn viên. Một buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, một người trong nhóm dẫn đường trải tấm thảm xuống cát và ngồi lên đó trong dáng điệu trầm tư. Thấy thế nhà bác học buộc miệng hỏi:

– “Ngươi làm gì thế?”

– “Dạ, tôi cầu nguyện,” người kia trả lời.

– “Cầu nguyện à, thời buổi này mà còn cầu nguyện sao? Vậy ra anh vẫn còn tin có Thiên Chúa? … Mà anh đã nhìn thấy Chúa chưa?” Nhà bác học như muốn bắt bẻ.

– “Dạ chưa.”

– “Vậy anh đã nghe Chúa nói chưa?”

– “Dạ chưa.”

– “Vậy anh đã sờ chạm vào Chúa chưa?”

– “Dạ chưa,” người hướng dẫn kiên nhẫn trả lời.

– “Nếu thế thì anh thật là một gã điên khi tin vào một Thiên Chúa mà chưa bao giờ thấy, không bao giờ nghe, và cũng chẳng bao giờ đụng chạm được.”

Sau đó mọi người vào lều nghỉ đêm. Sáng hôm sau, trước khi hừng đông, nhà thông thái vừa bước ra khỏi lều đã vội kêu lên:

– “Ồ, này mọi người ơi: Tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua nơi này!”

Người hướng dẫn trợn mắt kinh ngạc:

– “Vậy chứ ngài đã nhìn thấy con lạc đà đó đi ngang qua đây sao ?”

– “Không,” nhà thông thái tự đắc trả lời.

– “Vậy chứ ngài đã đụng chạm vào nó à?”

– “Không.”

– “Vậy chứ ngài nghe thấy tiếng kêu của nó à?”

– “Không.”

Người hướng dẫn reo lên:

– “Thế thì ngài thực là một kẻ điên khi tin rằng có một con lạc đà đã đi ngang qua khu vực chúng ta ở, khi mắt ngài không thấy, tai ngài không nghe, và tay ngài không đụng chạm đến.”

Nhà thông thái đáp lại:

– “Nhưng ta biết được có con lạc đã ấy là nhờ những dấu chân của nó còn để lại trên mặt cát kìa.”

Ngay lúc đó mặt trời hừng đông bắt đầu mọc lên, toả muôn tia sáng rực rỡ lung linh. Người hướng dẫn liền chỉ tay về phía mặt trời và nói: “Thế thì tôi cũng nhìn vào dấu vết là mặt trời kia để quả quyết có một Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời tôi.”

Ngày nay không ít người đã dựa vào những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, mà chỉ con người mới là chúa của vũ trụ. Và niềm tin vào Thiên Chúa đang bị khoa học bóp chết. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người khác, nhờ những khám phá của khoa học, đã nhìn thấy nhiều điều bí ẩn, siêu việt trong thế giới này, mà trí khôn con người chỉ mới vén mở được một phần sự thật it ỏi. Từ đó họ đã nhận biết sự hiện hữu của một Đấng siêu việt trên tất cả, Đấng mà các tín hữu gọi là Thiên Chúa.

  1. SUY NIỆM:

1) Từ không tin đến tuyên xưng đức tin của ông Tô-ma:

Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại. Cả hai lần Chúa đều hiện ra vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần và cách nhau đúng một tuần lễ. Lần thứ nhất vắng mặt Tô-ma, và lần thứ hai có ông hiện diện với các anh em. Trước đó, Tô-ma đã tuyên bố sự cứng tin của mình khi đòi phải được “mắt thấy tay sờ” mới tin Thầy sống lại từ cõi chết. Do đó, trong lần hiện ra thứ hai, Chúa Giê-su đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma khi cho ông xem các vết đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết thương do lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Bấy giờ Tô-ma đã đạt tới đức tin trọn vẹn qua lời tuyên xưng đức tin : Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28). Sau đó Đức Giê-su đã nhắn nhủ Tô-ma và qua ông, Người chúc phúc cho các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà Tin!” (Ga 20,29).

2) Các môn đệ khác đạt được đức tin như thế nào ? :

Các môn đệ của Đức Giê-su không phải là những người dễ tin. Các Tin Mừng thuật lại diễn tiến đức tin của các ông như sau:

– Vào sáng ngày Thứ Nhất trong tuần, khi nghe bà Ma-ri-a bao tin xác Thầy biến mất, hai môn đệ Phêrô và Gioan đã chạy đến mồ quan sát thực hư. Gioan đã đạt tới đức tin trước các anh em nhờ nhìn thấy những tấm khăn liệm xác và các dây băng được xếp gọn để lại trong mồ. “Ông đã thấy và đã tin”. Đức tin đến với ông nhờ sự tư duy và trực giác (x Ga 20,1-8).

– Bà Ma-ri-a Mácđala ban đầu đã gặp được Chúa Phục Sinh, nhưng bà không nhận ra Người mà tưởng là người giữ vườn. Bà chỉ nhận biết Ngừơi khi Người gọi tên “Ma-ri-a” (Ga 20,16).

– Hai môn đệ làng Em-mau cũng chỉ nhận ra Chúa Phục Sinh sau khi đã được nghe Người giải thích Kinh thánh và chứng kiến việc Người bẻ bánh là điểm  (x Lc 24,13-31).

-Bảy môn đệ rủ nhau đi đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê đã nhận ra Chúa Phục Sinh do  vâng lời Người nên đã bắt được mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,1-14).

– Riêng ông Tô-ma trong Tin mừng hôm nay đã tin khi được Đức Giê-su thỏa mãn đòi hỏi “mắt thấy tay sờ” (x Ga 20,19-29).

– Tuy nhiên các môn đệ chỉ đạt tới đức tin trọn vẹn vào lễ Ngũ Tuần, sau khi các ông đã được gặp Chúa hiện ra nhiều lần. Nhất là sau khi các ông đã vâng lời Chúa cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa trong Nhà Tiệc Ly và nhận được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần (x Cv 2,1-12);  Chính nhờ đón nhận được sức mạnh Thánh Thần từ trên cao, các ngài đã đạt được đức tin trọn vẹn và hăng say chu tòan sứ mệnh “loan báo Tin mừng » được ủy thác đến tận cùng thế giới”.(x Cv 1,8).

3) Làm thế nào để thuyết phục được nhiều người trong thế giới hôm nay tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su?

Như Tô-ma xưa, con người ngày nay cũng không dễ tin: họ luôn đòi phải được “mắt thấy tay sờ”, phải thấy được bằng chứng đáng tin. Do đó, các tín hữu chúng ta cần trình bày mầu nhiệm Chúa Phục Sinh bằng chứng tích đời sống của mình.

Thực vậy:

– Làm sao anh em lương dân có thể tin vào Chúa Phục Sinh, nếu không được xem những vết chai cứng nơi bàn tay lao động, những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì phục vụ những người nghèo khổ của các tín hữu chúng ta?

– Làm sao họ tin Chúa đã yêu thương chịu chết đền tội và sống lại để ban cho họ sự sống đời đời, nếu họ không nhìn thấy những dấu chỉ yêu thương quên mình phục vụ trong cộng đoàn Hội Thánh … như sách Công vụ đã thuật lại sinh họat của Hội Thánh Sơ Khai tại Giê-ru-sa-lem: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải , lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ,. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).

– Yêu thương nhau là dấu hiệu môn đệ đích thực của Đức Giê-su: “Ở điểm này , mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Con người ngày nay luôn đòi phải được xem thấy những dấu chứng tình thương nơi các tín hữu như Đức Phaolô VI đã khẳng định: “Con người thời đại ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân”.

4) Thể hiện Lòng Chúa Thương Xót cụ thể là cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu cho con người hôm nay:

Hội Thánh đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm để kính Lòng Chúa Thương Xót, qua đó mời gọi các tín hữu chúng ta hãy noi gương Chúa thực hiện lòng thương xót đối với tha nhân nhất là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta.

– Mỗi người chúng ta cần tránh những lời nói, thái độ vụ luật và bất nhân của bọn Biệt Phái và Kinh Sư Do thái xưa đã bị Chúa nặng lời quở trách, nhờ đó anh em lương dân sẽ dễ dàng đón nhận đức tin vào Chúa hơn.

– Mỗi tín hữu chúng ta cũng cần thực hiện các việc bác ái cụ thể như kinh thương người, trong đó có 7 việc thương người về thể xác cần thực hiện như: Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống; Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Cho khách đỗ nhà: Chuộc kẻ làm tôi; Chôn xác kẻ chết.

– Cũng cần thực hiện lòng bác ái thương người cả về phạm vi linh hồn như: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi kẻ âu lo: Răn bảo kẻ có tội; Tha kẻ dể ta; Nhịn kẻ mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

– Để có thể thực hành lòng thương người nói trên, mỗi người chúng ta nên quyết tâm làm một việc bác ái cụ thể như: chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ tha nhân, kèm theo một lời nguyện tắt như sau: “Lạy Chúa. Con xin làm việc này để cầu cho một người lương tin yêu Chúa, để họ cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với con”. Làm như vậy là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su: ”Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

  1. THẢO LUẬN: 1) Trước đây bạn có bị ai thù ghét làm hại hay không? Nếu có, bạn sẽ làm gì để thực hành Lời Chúa dạy tha thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình? 2) Bạn hãy đọc thuộc kinh Thương Người và xin Chúa ban ơn giúp chúng ta thực hiện tình thương tha nhân hằng ngày.
  2. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.

Khi chúng con đi tìm kiếm Chúa trong nước mắt đau thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a đang khóc bên mộ Chúa khi xưa.

Khi chúng con chán nản muốn bỏ Chúa,  xin hãy đi với chúng con trên những đọan đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường về làng Em-mau.

Khi chúng con đóng cửa lòng vì sợ hãi, xin hãy đến ban sự bình an cho chúng con, như Chúa đã đến ban bình an cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh.

Khi chúng con đang hòai nghi bất tín, xin hãy tiếp tục kiên nhẫn và khoan dung với chúng con, như Chúa đã tỏ lòng khoan dung với sự cứng lòng của Tô-ma.

Khi chúng con gặp thất bại trong cuộc sống, xin hãy đến nâng đỡ ủi an chúng con, như Chúa đã đến phục vụ bánh và cá cho bảy môn đệ trên bờ biển hồ Ga-li-lê xưa.

Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin hãy tỏ mình ra cho chúng con thấy Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn, để chúng con quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất và nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này chúng con sẽ được Chúa liệt vào hàng các chiên ngoan trong đoàn chiên Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN