Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Vọng, năm C, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Vọng, năm C, của Trầm Thiên Thu

Hạnh Phúc Tín Thác

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 90
CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 90

Ngôn ngữ nào cũng có dạng chủ động và thụ động. Về thể thụ động, Việt ngữ rất độc đáo vì có thể diễn tả hai dạng – tích cực hoặc tiêu cực. Điều gì tốt thì nói là “được”, điều gì xấu thì nói là “bị”. Ví dụ: được thưởng hoặc bị phạt, được khen hoặc bị chê,… chứ không ai nói ngược lại (bị thưởng, bị khen; được phạt, được chê). Ngoại ngữ không thể diễn tả rõ nét “thụ động” như Việt ngữ.

Trong đời thường, ai biết tindám tin là người can đảm, không ảo tưởng, đặc biệt là vấn đề đức tin. Đó là một dạng hạnh phúc mà người đời khó hiểu hoặc không thể hiểu nổi, thậm chí còn bị coi là ngu xuẩn. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng nhẹ dạ cả tin vào bất cứ phàm nhân nào mà hãy vững tin vào Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.

Đức tin trừu tượng mà cụ thể: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:26). Thánh Don Bosco nói rằng “chính đức tin hoàn thành tất cả mọi sự”. Vâng, đức tin rất quan trọng. Thánh tiến sĩ Thomas Aquino lý luận: “Công hiệu của năng lực cầu nguyện đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả là do đức tin và đức cậy”. Còn Thánh tiến sĩ Teresa Avila kết luận: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra”.

Ngày xưa, phát ngôn viên Mi-kha đã tin tưởng công bố lời của Thiên Chúa: “Hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en” (Mk 5:1-2). Thiên tài và nhân tài có thể xuất thân từ một nơi không vị vọng, bình thường. Đừng tưởng nhân tài là con nhà giàu, con cha cháu ông, hoặc ở nơi đô hội. Không, thậm chí còn ngược lại. Xưa nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tài năng có thể lóe lên bất cứ lúc nào hoặc bất cứ nơi nào. Hiển nhiên nhất là từ Bê-lem, nơi có thể coi là “khỉ ho, cò gáy”, vậy mà lại là nơi xuất hiện Đấng Cứu Thế.

Đấng đó là người như thế nào? Ngôn sứ Mi-kha cho biết: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất” (Mk 5:3-5). Vô cùng kỳ diệu, quá đỗi lạ lùng!

Danh Ngài vượt trên mọi danh hiệu, đến nỗi khi nghe đến Tôn Danh Ngài, mọi loài đều nể phục, ngay cả ma quỷ cũng phải khiếp run. Những người tin vào Tôn Danh Ngài thì chân thành cầu nguyện: “Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy. Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ” (Tv 80:2-3). Ngài đã đến, đang đến, và sẽ đến, đến để giao hòa đất với trời, đến để cứu nhân độ thế.

Không chỉ trong Mùa Vọng, mà suốt cả cuộc đời này, chúng ta luôn ngưỡng vọng và khẩn khoản nài xin Ngài ghé mắt thương xót – đặc biệt là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này (từ 8-12-2015 tới 20-11-2016): “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (Tv 80:15-16).

Xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở (Mt 7:7; Lc 11:9), Chúa Giêsu đã hứa chắc như vậy. Vấn đề còn lại là chúng ta phải kiên trì mà tin tưởng khẩn cầu, đồng thời phải quyết tâm thành tín với Thiên Chúa: “Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh. Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài” (Tv 80:18-19).

Thiên Chúa là Thánh Phụ giàu lòng thương xót, thích tha thứ chứ không muốn trừng phạt. Nếu bị phạt là tại người đó cố chấp mà thôi. Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn mọi tội lỗi của cả thế gian này kia mà, thế thì chẳng có tôi gì mà Ngài không tha, điều kiện đơn giản là “chân thành sám hối”. Chỉ cần một lời van xin là Ngài tha tất tần tật. Bằng chứng là trên Đồi Can-vê, ngay trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội lỗi cho gã Dismas – một tướng cướp “khét tiếng” nhưng chợt hóa “tốt lành” (Lc 23:43). Cả đời anh ta cướp bóc, coi trời bằng vung, cuối cùng gã Dismas “cướp” được cả Lòng Chúa Thương Xót và “cướp” luôn cả Nước Trời. Anh ta thực sự khôn ngoan vì biết tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót. Tình Chúa bao la, vô biên và kỳ diệu là thế đấy. Nếu Thiên Chúa chấp tội, không một phàm nhân nào được cứu độ. Vì thế, đừng bao giờ mất niềm tin vào Lòng Chúa Thương Xót!

Thánh Phaolô phân tích: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:5-7). Thiên Chúa có mọi sự, Ngài không cần gì cả, Ngài chỉ muốn chúng ta “xin vâng” trong mọi sự – vui hoặc buồn, sướng hoặc khổ, vừa ý hoặc trái ý – để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thế thôi!

Thánh Phaolô giải thích chi tiết: “Trước hết, Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũthiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10:8-10).

Chúa Giêsu luôn thể hiện phong cách “khác người”, luôn sống “ngược đời”, nhưng luôn rạch ròi: Tỉnh Táo, Thật Thà, Thẳng Thắn. Người ta không đủ hiểu Ngài nên đôi khi bị “sốc”, khó chấp nhận. Các tư tế, kinh sư, thông luật, nhóm Sa-đốc và Pha-ri-sêu đều là những hạng người như vậy. Còn chúng ta thì sao? Khó nói hay không dám trả lời?

Trình thuật Lc 1:39-45 ngắn gọn, nhấn mạnh đến lòng tin của Đức Maria. Điều đó cho chúng ta biết chắc rằng lòng tin (tín thác) là niềm hạnh phúc lớn lao và cần thiết. Thật vậy, Chúa Giêsu đã có lần xác định với Tông Đồ Tô-ma: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

Thánh sử Luca cho biết: Hồi ấy, sau khi được Sứ Thần Gáp-ri-en truyền tin và báo tin người chị cũng vừa thụ thai cách lạ lùng, Cô Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Cô vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Cô Em Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã TIN rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45).

Đức Maria mau mắn trong mọi trường hợp và thể hiện rõ nét qua trạng từ “vội vã”. Đức Maria NGHE Thiên Sứ nói và TIN ngay, và rồi ĐI ngay. Không đắn đo, không tính toán, dù đường sá xa xôi, thời đó khó đi chứ không như ngày nay. Đức Maria đi thăm Người Chị không chỉ để chia vui mà chính là để giúp đỡ Người Chị, vì cùng là phận nữ nhi, Đức Maria biết các thai phụ gặp nhiều khó khăn, cực nhọc đủ thứ, rất cần người khác giúp đỡ trong thai kỳ, nhất là những ngày cuối thai kỳ.

Hài Nhi Gioan “gặp” Thánh Nhi Giêsu qua bụng mẹ mà vẫn không thể trì hoãn niềm hạnh phúc, thế nên Hài Nhi Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ. Chị Êlisabét, mẹ của Cậu Bé Gioan, cũng không thể không bày tỏ niềm hạnh phúc ngay khi vừa gặp mặt Cô Em, vì Cô Em vừa trở nên Mẹ của Thiên Chúa. Hạnh phúc vô cùng lớn lao!

Chị Êlisabét thật diễm phúc vì được làm Mẹ của “người mở đường” cho Đấng Cứu Thế, và được coi là “người cao trọng hơn mọi người đã lọt lòng mẹ” (Mt 11:11; Lc 7:28). Nhưng Cô Em Maria còn diễm phúc hơn vì được làm Mẹ của Thiên Vương Kitô, Đấng đem bình an và công lý đến cho nhân loại. Đức Maria diễm phúc vì có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, nhờ tín thác tuyệt đối mà Đức Maria mau mắn và sẵn sàng xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa quan phòng và tiền định.

Lạy Thiên Chúa, thật hạnh phúc và vui mừng biết bao vì Đấng Thiên Sai sắp sửa đến giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi, khỏi vòng kim cô của ma quỷ, đồng thời chia sẻ thân phận con người với chúng con, dạy chúng con cách thực thi lòng thương xót và biết đường lên Trời. Xin giúp chúng con biết thương xót như Chúa Cha nhân từ, dám sống “khác người” và chia sẻ mọi sự với tha nhân. Xin Thánh Mẫu Thiên Chúa giúp chúng con biết tuân phục và tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG