Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Thường niên, nămC, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Thường niên, nămC, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

(Lc 4, 21-30)

tải xuốngĐoạn Phúc âm của thánh Luca hôm nay cho thấy Chúa Giêsu bị từ chối tại chính quê hương Nazareth của Người và Chúa Giêsu nói: “Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”
Đúng ra, tiên tri nào cũng có quê hương, và chắc hẳn theo tình cảm tự nhiên thì cũng muốn làm cái gì tốt đẹp cho quê hương mình. Thế nhưng nơi mình muốn đến thì nhiều khi lại không xứng đáng. Tiên tri Êlia cứu bà góa thành Sarépta, vì bà ấy rất xứng đáng được cứu giúp (xem 1V 17, 9tt). 
Năm đó vùng ấy bị hạn hán, nhà bà chỉ còn một chút bột để làm bánh. Bà định làm chiếc bánh cuối cùng để cùng các con ăn rồi chết. Thế nhưng khi tiên tri Êlia xin ăn, bà sẵn sàng nhường chiếc bánh đó cho ông. Vì thế, để thưởng lòng quảng đại của bà, Chúa đã làm cho hũ bột của bà không bao giờ cạn, nhờ vậy mà bà và gia đình thoát khỏi nạn đói. Bà xứng đáng được cứu giúp. 
Đức Giêsu cũng thế, Người dành ưu tiên cho dân tộc của mình, cho dân riêng của mình, rồi mới tới dân ngoại. Khi sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu nói: «Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn, hãy đến với các con chiên lạc nhà Israen» (Mt 10, 5-6), hay «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israen mà thôi» (Mt 15, 24). 
Thế nhưng những người được Người dành ưu tiên – tức Dân Thiên Chúa, những người mang danh là đạo đức – thì lại tự kiêu và không thèm tin còn những người tội lỗi (gái điếm, thu thuế) và lương dân lại tin theo và thực hành lời của Người (xem Mt 21, 31-32; Cv 8, 5; 13, 5). Điều đó đưa tới hậu quả, Chúa Giêsu nói: «Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin, khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa, vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyrô và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu để tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyrô và Siđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi» (Mt 11, 21-22).
Người làng Nazareth hôm nay từ chối Chúa Giêsu vì họ nhận xét về Chúa Giêsu theo quan niệm của con người. Đức Giêsu đã sống ở đây từ thuở nhỏ và người ta biết rõ nguồn gốc của Ngài. Cha của Đức Giêsu là ông thợ mộc Giuse, Mẹ ngài là bà Maria và các anh em họ của Người là những người trong làng xóm. Thế nhưng rõ ràng họ không biết được nguồn gốc siêu nhiên của con người Giêsu vì Ngài là Đấng Cứu Thế, là Con của Thiên Chúa.
Thực ra đây là cách đánh giá con người theo cái nhìn của con người. Khi nhìn vào một con người, điều đầu tiên chúng ta ghi nhận là nguồn gốc của họ. Chúng ta để ý đến y phục, phong cách, tiền bạc họ có và gia đình của họ. Và cũng theo những ghi nhận đó mà chúng ta coi trọng hay coi khinh họ.
Thiên Chúa không đánh giá con người theo kiểu đó. Giá trị con người không phải ở những cái bên ngoài mà trong chính tâm hồn. Con người được dựng nên và được kêu gọi là đền thờ của Chúa. Con người còn là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô gọi các tín hữu là thánh khi Ngài gửi lời chào tới các thánh ở Côrintô. Kitô hữu là thánh vì đã được chọn riêng ra, được tách rời ra khỏi thế gian tức là được tách rời ra khỏi những cái tầm thường của thế gian và trong những cái tầm thường đó có cả những tiêu chuẩn mà con người xét đoán người khác. 
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cho chúng ta thấy «con đường trổi vượt hơn cả» là sống đúng theo những đòi hỏi của yêu thương. Ngài xác định hết sức rõ ràng và lập đi lập lại rằng nếu không có tình yêu đích thực ở trong lòng, thì dù có tài năng siêu quần bạt chúng, dù có đức tin chuyển núi dời non, dù có làm được những việc tốt lành vĩ đại, thì tất cả chỉ là những con số không to tướng, chẳng có giá trị gì trước Thiên Chúa cả. Thánh Phaolo cũng phân biệt giữa yêu thương đích thực và yêu thương cách giả hình, thí dụ như bố thí hết gia tài để được khen là người đạo đức, là người biết yêu thương, thì chỉ là có vẻ yêu thương, chứ không phải yêu thương đích thực. Người yêu thương đích thực là người muốn cho người khác được hạnh phúc.
Trong Thế vận Hội 2000 tại Úc, người ta kể lại câu chuyện rất cảm động về tình yêu thương. Esther Kim and Kay Poe là hai nữ sinh võ thuật Tae Kwon Do. Họ là hai bạn thân. Họ cùng có ước mơ đi tham dự Thế Vận Hội mùa hè 2000 tại Úc. Trong cuộc thi tuyển chọn người xuất sắc ở Mỹ để đi tham dự Thế Vận Hội, cả hai cô được vào bán kết, phải thi đấu với nhau để chọn một người. Tuy nhiên cô Kay Poe bị thương đầu gối trong cuộc thi đấu trước, cần phải đi gặp bác sĩ để được chữa trị và cần thời gian dưỡng bệnh. Vậy mà cô nhất quyết từ chối dưỡng bệnh vì cô muốn đấu để được trúng tuyển đi tham dự Thế Vận Hội. 
Thấy bạn thân của mình quyết tâm như thế, Esther Kim đã xin rút lui để bạn của cô được đi tham dự Thế Vận Hội mùa hè tại Úc. Esther nói rằng: “Không hẳn chỉ có cuộc tranh giải thể thao để giành được huy chương vàng là vô địch nhưng còn có nhiều cách để đạt tới chức vô địch”. Esther Kim đã trở nên vô địch không phải ở thế vận hội nhưng nơi tình bạn hữu. Esther Kim muốn cho bạn thành công, muốn giúp bạn đạt được ước nguyện. Cử chỉ của Esther trở nên đẹp và đáng khâm phục vì diễn tả tình yêu thương đích thực. 
Như thế, bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta nhớ rằng : chúng ta là Kitô hữu, chúng ta là đối tượng ưu tiên của Nước Trời, chúng ta được dạy dỗ và được ban ơn để sống tốt lành nhiều hơn người khác. Thế nhưng nếu chúng ta sống ích kỷ, lỗi công bằng, bác ái hơn người khác thì thật là vô phúc cho chúng ta. Biết bao người chưa biết Chúa còn sống tốt hơn chúng ta và họ đáng được Thiên Chúa ân thưởng hơn chúng ta. Đức Giêsu không làm được phép lạ nào ở Nagiarét vì bị người đồng hương xúc phạm, và vì họ cứng lòng tin. Nguyên do nằm ở nơi họ, chứ không phải ở nơi Chúa Giêsu. 
Chúa Giêsu sẳn sàng đến với mọi người, thế nhưng có người tiếp đón có người từ chối. Người từ chối là người chỉ nhìn vào dáng vẻ bên ngoài, chỉ sống theo sự hời hợt bên ngoài. Đó là những người không có lòng bác ái thực sự bên trong. Vì thế xin cho chúng ta biết sống theo ý Chúa, sống tinh thần của Chúa là tinh thần yêu thương.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …