Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Thường niên, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Thường niên, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT IV QUANH NĂM

(Gr 1, 4-5. 17-19; 1Cr 13, 4–13, 13; Lc 4, 21-30)

“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”

h2_resizeTin mừng Luca 4, 21-30:

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”. Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi”.

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Luca tường thuật biến cố Chúa Giêsu trở về nguyên quán và rao giảng tại hội đường Nazareth để nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và tính phổ quát của ơn cứu độ không dành cho một ai, kể cả những người đồng hương của Ngài. Ơn cứu độ được thực hiên nơi Đức Giêsu: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Thời kỳ cứu độ đã đến và khởi sự qua những hoạt động của Chúa Giêsu: Người đến để cứu độ nhân loại.

Khi Nghe Chúa Giêsu giảng tronh hội đường, những người đồng hương rất thích thú và tán thành, thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Nhưng họ đã không tin vào lời của Người và không nhận Người là Đấng Messia, chỉ vì họ biết Đức Giêsu là con bác thợ mộc nghèo Giuse, vô danh tiểu tốt. Họ yêu cầu Chúa thực hiện phép lạ như ở Capharnaum, phải ưu tiên cho quê quán của Người. Họ tự cho mình cái quyền đòi buộc Người điều đó, đơn giản là vì họ là đồng hương, vì họ quá quen biết Người… để rồi họ cảm thấy bị xúc phạm khi Chúa Giêsu không làm phép lạ giữa họ.

Điều làm cho người Do Thái tức giận ghê gớm khi Chúa Giêsu khen dân Ngoại, ưu tiên cho dân ngoại, Thiên Chúa thương dân ngoại. Thời kỳ hạn hán, đói kém, Êlia được sai đến với một bà dân ngoại Sarepta xứ Siđôn mà không đến với các bà góa Israel. Tiên tri Êlisê được sai đến chữa lành cho tướng Naaman, người Syria, trong lúc ở Israel có rất nhiều người bị bệnh phong cùi. Người Do Thái luôn nghĩ rằng chỉ mình họ là dân của Chúa, được ưu tiên chiếm độc quyền ơn cứu độ, nên họ coi thường các dân khác mà họ gọi là dân ngoại. Họ tin rằng: “Thiên Chúa đã dựng nên các dân ngoại để làm chất đốt cho lửa địa ngục”. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói đến việc dân ngoại được Thiên Chúa ưu đãi, họ đã tức giận, hết sức bất bình, căm phẫn, muốn giết Chúa Giêsu “Họ dẫn Người lên triên núi để xô Người xuống vực thẩm”.

Cuộc trở về quê hương của Chúa Giêsu thất bại hoàn toàn đối với những người đồng hương và nói lên thân phận của người Ngôn sứ. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không một ngôn sứ nào được tiếp nhận nơi quê hương mình”.

Lời rao giảng của Chúa bị chính người đồng hương từ chối. Người loan báo Tin mừng là Chúa Giêsu bị dân làng đe dọa và giết chết. Các ngôn sứ trong cựu ước đều bị dân Israel từ chối, bị ngược đãi, hành ha, giết chết. Giêrêmia bao phen đã bị người đồng hương đánh đòn, cột ông vào bao bố treo lên bỏ xuống giếng cho chết, xô ông vào đống phân… Tiên tri Êlia thì bị hoàng hậu Ideven truy nã, phải chạy trốn lên núi Carmel thoát thân. Thánh Gioan Tiền Hô bị vua Hêrôđê chém đầu, vì ngài đã cảnh cáo ông về tội loạn luân và giết người.

Thời tân ước, các tông đồ đều bị bách hại và tất cả đều bị giết chết (tử đạo). Thánh Phaolô bị đồng bào chống đối, bách hại, giam cầm và sau cùng bị giao nộp cho chính quyền La mã. Ngài bị trảm quyết tại Rôma năm 67. Chính Chúa Giêsu cũng chung một số phận bạc bẽo như thế, cảm nghiệm được những khó khăn, đau khổ, thử thách khi thi hành sứ vụ ngôn sứ. Đức Giêsu đã khởi đầu cuộc tử nạn kéo dài từ biến cố từ chối không làm phép lạ theo yêu cầu của người đồng hương Nazareth và kết thúc bằng cái chết đau thương, tủi nhục trên thập giá.

Trình thuật Tin mừng hôm nay minh chứng Đức Giêsu là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế đầy quyền năng và giàu lòng thương xót. Ngài không lùi bước trước sự chống đối, bách hại, khó khăn, thử thách… không sức mạnh nào có thể cản bước Ngài thực hiện ý định yêu thương của Thiên Chúa “muốn cứu độ mọi người”. Người luôn can đảm tiếp tục con đường của mình theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Người băng qua giữa họ mà đi”.

Qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được tham dự vào sứ mạng tiên tri của Đức Kitô: can đảm sống đức tin, loan báo Tin mừng tình thương bằng cuộc sống chứng nhân trong xã hội hôm nay, dù bị đe dọa, chống đối, bách hại… noi gương Đức Giêsu.

Nhiều lần chúng ta giống như người đồng hương của Chúa Giêsu, tự hào mình là người đạo dòng, đạo gốc… đòi hỏi Chúa phải làm theo ý của mình thay vì mình phải làm theo ý Chúa là thực hiện tinh thần bác ái trong gia đình, xã hội. Nhiều lần chúng ta dễ chán nản, bất mãn… khi xin mà không được, ước mà không thấy. thay vì phục vụ Chúa, chúng ta lại bắt Chúa phục vụ mình.

Sống đức tin vào Chúa là chúng ta làm những gì Chúa muốn và muốn những gì Chúa làm. Tất cả để cho thánh ý Chúa được thực hiện và tất cả vì vinh danh Chúa.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN