(Mc 1, 21-28)
Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay mời gọi mọi người chúng ta nghe và làm theo lời của Đấng mà Thiên Chúa gởi đến. Vấn đề là tại sao Thiên Chúa không phán dạy trực tiếp nhưng lại nói qua trung gian? Câu trả lời có thể tìm thấy trong bài đọc l.
Bài đọc thứ 1 trích từ sách Đệ nhị Luật trình bày ước vọng của những người muốn nghe Lời Chúa: “Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại nầy nữa, kẻo tôi phải chết.” Mới thoạt nghe, lời ấy như có vẻ muốn từ chối Thiên Chúa nhưng thực ra lời ấy chất chứa niềm tin và kính sợ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối cao cả và uy phong lẫm liệt. Trực diện với Thiên Chúa chỉ đưa tới cái chết vì thế cần phải có người làm trung gian. Trung gian đó là Môisen hay là các ngôn sứ hay tiên tri.
Thiên Chúa chấp nhận lời khẩn xin trên khi cho biết: “sự họ đã nói là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi” (ở đây là như Môisen). Như thế lời tiên tri nói chính là Lời Chúa nói và vâng lời tiên tri tức là vâng Lời Chúa. Ngược lại “nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó.”.
Lời của tiên tri có giá trị lớn lao nhưng không phải tất cả lời của tiên tri là Lời Chúa hay là tất cả có hiệu lực như Lời Chúa, bởi vì bài đọc 1 viết tiếp : “Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì nó sẽ chết.” Người nói nhân danh Chúa chịu trách nhiệm về sự gian dối của mình. Nếu người ấy mạo danh Thiên Chúa, nếu người ấy sử dụng uy tín của mình để làm điều sai quấy, người ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nghĩa là phải chết.
Tuy nhiên nếu Đấng được Thiên Chúa sai đến hoàn thành nhiệm vụ của mình thì Đấng ấy giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền nầy không đến tự con người nhưng đến từ Thiên Chúa. Điều đó làm mọi người kinh ngạc. Bài Phúc âm ghi nhận điều đó: “Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền,…” Ngỡ ngàng và sửng sốt xem ra là phản ứng của dân chúng Capharnaum đối với lời nói và việc làm của Đức Giêsu. Bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh: Đức Giêsu dạy với uy quyền và phản ứng của dân chúng là kinh ngạc. Phúc âm Mc muốn đặt cuộc giảng dạy đầu tiên của Đức Giêsu đi đôi với hành động đầu tiên của Người. Đó là một hành động hết sức mạnh mẽ. Đức Giêsu không những nói một cách có thẩm quyền, Người còn hành động với đầy uy lực.
Thánh Marcô trình bày sự việc cách đầy ấn tượng. Thời của thánh Mc người ta kể thần ô uế cũng như quỷ tượng trưng quyền lực bí nhiệm xấu xa, đối nghịch với Thiên Chúa, với sức khỏe và với sự tốt lành. Bài Phúc âm hôm nay cho thấy chính ma quỉ biết được Chúa Giêsu là người tượng trưng quyền lực của Thiên Chúa và chúng thú nhận: Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đến để mang lại sự tốt lành thánh thiện của Thiên Chúa cho con người. Hành động đó chẳng khác nào khai tử thế lực của sự dữ, sự ác. Ma quỉ không còn có thể tự tung tự tác vì từ nay chúng phải đối diện với thế lực của Thiên Chúa.
Thực ra đây là cuộc chạm trán thứ hai giữa Đức Kitô và “thần ô uế”. Chúng ta nhớ rằng Đức Kitô đã “ở trong sa mạc bốn mươi ngày chịu satan cám dỗ”. Ở đây, Satan nhập vào một người và đối đầu với Người ngay tại hội đường Do Thái, nơi Người đang giảng dạy. Và một lần nữa đám thính giả hôm nay “kinh hoàng” khi được chứng kiến tận mắt uy quyền của Đức Kitô trên thần ô uế: “Người truyền khiến được cả các thần ô uế, và chúng vâng lời Người” (Mc 1,27). Lời gào thét của thần ô uế hình như còn vang vọng mãi: “Giêsu Nazareth, chúng tôi với Ngài nào có việc gì? Ngài đã đến để tiêu diệt chúng tôi ư? Tôi biết Ngài là ai: Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
Nước Thiên Chúa đã đến trong thế gian, nước của ánh sáng đến để xua tan bóng tối và sự chết. Chúng ta nhớ lại lời tuyên án từ buổi khai nguyên vũ trụ: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, con ngươi sẽ táp lại gót chân người” (St 3,15). Lời tuyên án đó đã được thực hiện. Tuy thế lực thù địch với Thiên Chúa luôn tìm dịp để áp đặt quyền lực đen tối trên địa cầu nhưng Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã thực hiện lời tuyên án ma quỉ. Dòng giống sinh ra bởi người đàn bà sẽ đạp đầu loài rắn độc và chính chúng cũng thấy được nguy cơ đó: “Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi ư?”
Ma quỉ thì sợ hãi còn dân chúng thì kinh ngạc nói “Thế nghĩa là gì?” trước hành động cứu độ đầy tình yêu thương của Đức Giêsu. Hành động đó vẫn tiếp tục thể hiện qua các môn đệ của Đức Kitô bởi vì trước khi về trời, mệnh lệnh mà Đức Giêsu công bố cho các môn đệ là: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất, vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
Như thế hành động trừ quỉ của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm cho phép chúng ta tin tưởng rằng: sự thiện sẽ thắng sự dữ. Thắng với điều kiện là người Kitô hữu biết tuân nghe lời Đức Giêsu, Đấng Messia. Thắng với điều kiện là người Kitô hữu làm như Đức Kitô đã dạy và làm. Sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu trở về chỗ và nói: “Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải noi gương Thầy mà rửa chân cho nhau.”
Rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ người khác trong tinh thần yêu thương. Đây là điều thiết yếu của Kitô giáo bởi vì: “Cứ dấu này người ta biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (x. Ga 13,35). Tuỳ vào mức độ mà các Kitô hữu thực hiện lời nói và việc làm của Chúa Giêsu mà thế lực sự dữ sẽ bị đẩy lùi và thế giới sửng sốt tự hỏi “Thế nghĩa là gì?” Sự ngạc nhiên nầy mang tính truyền giáo và đòi hỏi các Kitô hữu một tinh thần trách nhiệm. Xin cho chúng ta biết chu toàn trách nhiệm đó.
Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng