Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV Phục sinh, năm C, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV Phục sinh, năm C, của Trầm Thiên Thu

Hệ Lụy CHỦ và CHIÊN

HeLuy Chu & ChienChiên (cừu) là hình ảnh quen thuộc của dân Do Thái, như Việt Nam là trâu hoặc bò. Đàn chiên nào cũng phải có chủ, hoặc bất kỳ đàn súc vật nào cũng vậy, huống chi một tổ chức, do đó mà một tổ chức hoặc một nhóm người nào thì cũng có người “chống mũi chịu sào”, thậm chí dù đó chỉ là nhóm ba người: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” (*).

Quả thật, dù là tam giác hay đa giác, các cạnh và các góc đều có mối liên quan chặt chẽ lẫn nhau, không thể tách rời!

Hôm đó là ngày Sabát, hai ông Phaolô và Banaba vào hội đường ngồi tham dự. Tan buổi họp, có nhiều người Do-thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.

Sách Công Vụ cho biết rằng, ngày Sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Một sự kiện thật lạ! Thế nên khi thấy đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Nhưng ông Phaolô và ông Banaba vẫn mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13:46-47).

Lời nói giản dị nhưng rõ ràng, chính xác, thế nên đã đủ sức “chạm” vào tận đáy lòng họ. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời cũng đều tin theo. Và Lời Chúa đã lan tràn khắp miền ấy. Sự thật mãi là sự thật, chân lý là vĩnh cửu, không ai có thể thay đổi chân lý.

Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Đời là thế, sự đời thường là vậy. Thấy họ cứng lòng, hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 100:1-3). Nhận ơn thì phải biết ơn, dù đời thường cũng vậy. Chúng ta còn phải tạ ơn vì “Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100:5). Rất hợp lý!

HeLuy Chu va ChienKhông ai có thể xuyên tạc sự thật, có cố ý bóp méo sự thật thì cuối cùng cũng bị người ta phát hiện. Thánh Gioan Tông Đồ kể lại thị kiến: Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế (Kh 7:9). Thánh nhân trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14).

Gian truân và đau khổ là “điểm son” chứ không là bất hạnh như phàm nhân tưởng. Đại văn hào Victor Hugo nói: Đau khổ như hoa quả, Chúa không khiến nó sinh ra trên những cành quá yếu ớt mà không chịu nổi”. Không trải qua đau khổ thì người ta khó trở nên người tài giỏi. Còn Albert Hubbard nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang sống. Kỳ lạ quá!

Chính đau khổ tôi luyện người ta thêm vững mạnh và can đảm. Vì thế, những người đã trải qua gian truân thử thách kia “được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh, và chính Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 7:15-17).

Đó là công lý, vì Thiên Chúa là Đấng chí minh, chí công và chí thiện!

Mối quan hệ nào cũng có hệ lụy đặc trưng. Về hệ lụy chủ và chiên, Chúa Giêsu xác định: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10:27-28).

Công ty bảo hiểm Prudential có câu nói thật hay: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Ở đây là “lắng nghe” chứ không chỉ “nghe”. Hai động thái “lắng nghe” và “thấu hiểu” khác nhau, phải cố gắng mà “nối kết” chúng. Nếu không, chỉ “lắng nghe” mà không “thấu hiểu” thì vô ích. Người ta cũng không thể cố gằng “thấu hiểu” mà không chịu “lắng nghe”.

Nếu chủ và chiên không chịu nghe nhau, chủ tự nói tự nghe, và chiên cũng vậy, thì đó là những hoạt động một chiều, tất nhiên không thể hiểu nhau. Cũng vậy, chủ cứ độc đoán, chỉ muốn dùng “quyền” mà “hành” người khác thì thật nguy hiểm, đó chỉ là “thợ chiên” chứ không phải “chủ chiên”. Thật chí lý khi Việt ngữ có danh từ ghép: Quyền hành. Thâm thúy thật!

Chủ chiên mới dám xả thân vì đoàn chiên, chắc chắn thợ chiên không dám làm vậy. Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành nên Ngài xác định: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:29-30). Đúng như Ngài đã từng phân tích: “Cứ xem quả thì biết cây” (x. Mt 12:33; Lc 6:44).

Thánh Gioan Maria Vianney (sinh ngày 8-5-1786, qua đời ngày 4-8-1859), cha sở xứ Ars (Pháp), mới đúng là chủ chiên đích thực, là linh mục của Thiên Chúa, sống khắc khổ vì giáo dân chứ không ung dung tự tại. Ngay tại Việt Nam cũng đã có các gương sáng “nặng mùi chiên” như ĐGM Jean Cassaigne (gọi thân thương là “Cha Sanh”, người Pháp, 1895-1973) chấp nhận chết với các bệnh nhân phong Di Linh (Dalat), LM F.X. Trương Bửu Diệp (1897-1946) không ngại chết thay cho đoàn chiên (Gx Khúc Tréo). Chúa Giêsu muốn phải thực sự PHỤC VỤ chứ KHÔNG HƯỞNG THỤ (Mt 20:28). Cả Thiên Chúa và Giáo Hội đều mong muốn có những linh mục như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết “lắng nghe” và “thấu hiểu” lẫn nhau, xin Chúa Chiên Giêsu tẩy rửa chúng con qua dòng Máu và Nước tuôn trào từ Thánh Tâm Ngài, xin biến đổi tất cả chúng con nên hoàn thiện trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, hoàn thiện trong từng nhịp thở, qua sự tác động của Thánh Linh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Trong ba người cùng đi, chắc chắn có một người là thầy; nghĩa bóng nói lên tầm quan trọng của tập thể.

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …