Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 4B PS

CHÚA CHIÊN LÀNHGa 10,11-18c

(Ga 10,11-18)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Không hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh Chúa chiên lành

1.1.Hình ảnh cũng như ngôn từ Chúa chiên, bàng bạc trong Kinh Thánh

Đồng bằng miền trung Palétin từ Bethel tới Hebron dài 35 dặm, rộng từ 14-17 dặm. Phần lớn gồ ghề, hợp chăn nuôi hơn nông nghiệp. Đời sống rất cực nhọc vất vả. Không bao giờ thấy chiên mà không có chủ, chủ chăn không bao giờ vắng mặt. Đồng cỏ ít, chiên thường lang thang, nên phải luôn luôn canh chừng. Hai bên cao nguyên hẹp là hai dẫy dốc xuống những thung lũng hiểm trở, chiên rất dễ bị lạc. Người chăn chiên không những phải luôn luôn canh chừng với sự nguy hiểm vì thú dữ, nhất là chó sói lại còn trộm cắp nơi rừng hoang. George Adam Smith, một lần đi thăm Palestin, kể lại: trên vài bãi hoang, ban đêm, những đàn sói Phi Châu (hyaenas) rống, những người chăn chiên đứng dựa trên gậy, không ngủ, chịu lạnh, nhìn xa, theo dõi từng con chiên… nhìn thế, ta mới thấy chủ chiên là hình ảnh hiển hiện nổi bật trong lịch sử dân tộc, mới hiểu tại sao họ xưng các vua của họ là chủ chiên, cho các vua là biểu tượng của quan phòng, mới hiểu tại sao Chúa Kitô coi mình là mẫu mực của sự hy sinh. Luôn luôn canh chừng, can đảm không sợ, kiên trì quí mến đoàn chiên, từng con, là những đặc tính của người chăn chiên….[1]

1.2.Cựu Ước thường tả Thiên Chúa dưới hình ảnh người chủ chiên

Cựu Ước thường tả Thiên Chúa dưới hình ảnh người chủ chiên (Tv 23:1; 77:20; 79:13; 80:1; 95:7; 100:3; Is 40:11; Gr 23:1-4; Ed 34). Tân Ước cũng thế. Người là chủ chiên, Đấng liều mình đi tìm và giải cứu con chiên lạc (Mt 18:12; Lc 15:4). Người thương xót dân chúng vì chúng là những con chiên không người chăn (Mt 9:36; Mc 6:34). Các môn đệ của Chúa là đoàn chiên nhỏ (Lc 12:32). Khi Chúa, chủ chăn bị đánh đập, đoàn chiên của Người bị tan tác (Mc 14:27; Mt 26:31). Người là chủ chiên các linh hồn (1Pt 2:25) và là chủ chiên vĩ đại (Dt 13:20). Cũng như hình ảnh trong Cựu Ước, những người lãnh đạo trong Giáo Hội ngày nay là những chủ chiên, và dân chúng là đoàn chiên. Người lãnh đạo phải ‘Chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy… đừng thống trị, nhưng hãy nêu gương sáng…’ (1Pt 5:2-3). Phaolô thúc giục các bô lão thành Êphêsô hãy cẩn thận coi đoàn chiên Thánh Thần đã trao phó cho họ (Cv 20:28). Lời truyền sau cùng của Chúa Giêsu cho Phêrô là phải nuôi chiên con chiên mẹ (Ga 21:15- 19). Chính danh từ chủ chăn (Ep 4:11), pastor, La Ngữ, có nghĩa là chủ chiên. Người Do Thái có truyền thuyết đẹp giải thích tại sao Thiên Chúa chọn Môsê làm người lãnh đạo dân của Người. ‘Hồi chăn chiên cho bố vợ, một con chiên bị lạc, Môsê đi mãi tới khe suối mới thấy nơi có giếng. Vác chiên trên vai đem về, Môsê nói ‘Tao không biết mày lạc là vì khát, chắc mày mệt lắm’. Vác chiên trên vai đem về. Lúc đó, Thiên Chúa nói với ông ‘vì ngươi thương đem con chiên của loài người về; ngươi sẽ chăn dẫn đoàn chiên Ítraen của Ta’. Chúa chiên là hình ảnh tình yêu tỉnh thức, nhẫn nại không ngừng nghỉ Chúa dành cho ta; và cũng là hình ảnh về bổn phận ta phải có với đồng loại, nhất là những ai giữ trọng trách trong Giáo Hội. 1.3.Người chăn chiên tại Palestin nuôi chiên khác với cách ta nuôi chiên

Muốn biết rõ hình ảnh của họ, ta phải nhìn vào người chăn chiên và cách họ thường sinh hoạt. Dụng cụ của họ rất đơn giản. Một túi đeo, bị làm bằng da thú, dùng đựng đồ ăn, bánh, trái cây khô, vài trái vả và pho mát, một cái ná. Có người giỏi dùng ná đến nỗi họ ‘có thể quăng hòn đá vào sợi tóc trên đầu mà không sai’ (Tl 20:16). Họ dùng ná để tấn công và phòng thủ với cách rất ngộ nghĩnh. Tại Palestin không có chó canh chiên. Khi muốn đuổi chiên ngoài xa, người chăn chiên lấy hòn đá lắp vào ná quăng trước mặt con chiên. Chiếc gậy ngắn, cuối gậy có những đinh, đeo lưng để giữ mình, chống lại thú dữ cũng như trộm cắp. Chiếc roi giống cái móc dùng để bắt hay kéo chiên về nếu đi lạc, cũng dùng chắn ngang cửa để chiên chui qua vào chuồng (Ed 20:37; Lv 27:32).[2]

1.4.Liên hệ giữa chủ chiên với chiên cũng khác

Tại Anh, chiên nuôi để làm thịt; tại Palestin chiên nuôi để lấy lông, vì thế chiên thường sống nhiều năm với chủ nên cũng có tên để chủ chiên gọi. Thường những tên đó có tính cách diễn tả như con ‘chân nâu’, ‘tai đen’. Tại Palestin, chủ chăn đi trước, con chiên theo sau. Đi trước để kiểm soát lối đi có an toàn không. Như có người du lịch nói anh thấy chủ chiên dẫn đoàn chiên đi qua cái suối ra sao. Khi chiên không muốn qua, người chăn chiên liền bế một con qua suối. Khi chiên mẹ thấy chiên con đã ở bên kia, chiên mẹ phải qua, thế là cả đàn cũng theo. Chiên biết và hiểu tiếng chủ chăn, quả rất đúng và không bao giờ chiên nghe tiếng kẻ lạ.[3]

1.5.Gọi đàn chiên

H.V.Morton diễn tả cách người chăn chiên gọi chiên: “đôi khi họ gọi chiên bằng tiếng hát lớn, dùng những từ ngữ tôi không hề nghe trong đời. Lần thứ nhất tôi nghe ngôn ngữ đó từ đồi đằng sau Giêricô. Con chiên đầu đàn đã qua thung lũng và đang leo lên bờ bên kia trong khi đoàn chiên vẫn mê man gặm cỏ. Anh cất tiếng gọi, bằng giọng như thần Pan thốt lên từ đồi núi Hy Lạp. Thật là bí hiểm lạ lùng vì không giống tiếng nào của loài người. Đó là những tiếng của loài vật xếp đặt phát ra một cách thứ tự. Vừa nghe, cả đoàn lao xao, một hai con vểnh tai, rồi lại cúi xuống gặm tiếp. Lúc ấy người chăn lại gọi một tiếng, rồi cười khặc khặc một cách kỳ lạ. Lập tức, con đầu đàn, cổ đeo nhạc, không ăn, bỏ đoàn, chạy qua thung lũng, lên dốc theo người chăn chiên. Người chăn chiên cùng con đầu đàn cứ tiếp đi khuất dạng. Bỗng cả đoàn sợ hãi, ngưng ăn. Chúng ngước mắt tìm người chăn chiên. Không thấy, cũng không thấy con đầu đàn. Cùng lúc, tiếng cười người chăn chiên lại từ xa vọng lại, khiến cả đoàn ùa chạy qua thung lũng rồi lên đồi theo người chăn chiên’.[4]

W.M.Thomson, trong The Land and the Book, cũng kể tương tự “người chăn chiên thỉnh thoảng lại gọi chiên, nhắc chúng sự hiện diện của mình. Nếu là tiếng chủ, chúng tiếp gặm cỏ và theo, nhưng nếu là tiếng lạ, chúng ngưng ăn, ngểnh đầu, và nếu tiếng lạ còn tiếp tục, chúng quay đầu bỏ chạy. Tôi đã thấy mấy lần như vậy’. Đó chính là hình ảnh Gioan nói. H.V.Morton nói ông thấy một cảnh tượng trong hang gần Belem. Hai người chăn chiên lùa chiên vào một chuồng chung nghỉ đêm. Tất nhiên hai đoàn trà trộn nhau. Sáng sau, một trong hai người đứng từ xa, gọi (bằng tiếng riêng). Vậy mà con nào con ấy, nghe biết, ra đi theo anh. Chiên ở Palestin còn biết nhẩy theo nhịp nhanh chậm tùy tiếng huýt của chủ… Mỗi chi tiết về đời sống người chăn chiên đều phản ảnh chân dung người Chủ chiên nhân lành, mà con chiên nhận biết tiếng cũng như chủ chăn săn sóc không ngừng cho từng con chiên.[5]

7 Vậy, Đức Giêsu lại nói: “thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

2.‘Tôi là cửa chuồng chiên’

Người Do Thái không hiểu, nên Chúa nói rõ Người là chủ chiên. Người bắt đầu: ‘Tôi là cửa chuồng chiên’. Trong dụ ngôn này Chúa nói về hai thứ chuồng. Chuồng chung trong làng, thường có cửa chắc, có khóa. Chúa nói về loại chuồng này (câu 2-3). Mùa hè, có thứ chuồng ngay ngoài đồng; chuồng làm mỏng manh, rào chung quanh, không có bất cứ loại cửa nào. Đêm đến, chủ chăn nằm ngay ngang lối ra vào, chiên ra vào phải bước qua anh, cửa ở đây chính là anh chăn chiên. Chúa nghĩ về cửa này khi nói ‘Tôi là cửa’; qua Người và chỉ qua Người, con người mới tới Thiên Chúa. “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:18); “Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10:20).[6]

  1. Chúa Giêsu mở đường cho Thiên Chúa

Chúa Giêsu mở đường tới Thiên Chúa. Cho đến khi Chúa Giêsu đến, tốt nhất con người chỉ có thể nghĩ đến Thiên Chúa như Đấng xa lạ, hay xấu nhất như kẻ thù nghịch. Chúa Giêsu đến tỏ cho con người Thiên Chúa như thế nào, và mở đường tới Thiên Chúa. Chúa Giêsu là cửa duy nhất, qua đó con người có thể tới đến Thiên Chúa. Để diễn tả thế nào là lối vào tới Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng kiểu nói ‘ra, vào’ người Do Thái rất quen thuộc. Người nói qua Người ta có thể vào hay ra. Vào ra cách bình an là cách người Do Thái diễn tả đời sống an bình an toàn. Ra vào mà không lo sợ có nghĩa là quốc gia được an bình, luật lệ và trật tự là trên hết, người dân được hưởng an toàn trọn vẹn. Người lãnh đạo quốc gia là người đem dân ra vào an toàn (Ds 27:17); người vâng lời Thiên Chúa thì được kể là có phúc khi vào khi ra (Đnl 28:6); con trẻ là người chưa biết tự mình ra vào (1V 3:7); tác giả Thánh Vịnh chắc chắn là mình được Thiên Chúa gìn giữ khi ra khi vào (Tv 121:8). Một khi con người khám phá, nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa thế nào, một cảm giác an toàn bình an mới xâm nhập vào cuộc đời. Nếu cuộc đời được biết như ở trong tay Thiên Chúa, mọi ưu tư sợ hãi biến mất. Chúa nói: những kẻ đến trước Người, là những kẻ trộm cướp. Tất nhiên Chúa không nói về các tiên tri, những vị anh hùng, mà về những kẻ hứa nếu theo họ, họ sẽ đem lại thời vàng son… đó là những lời tuyên bố của những kẻ nổi loạn. Họ tin rằng con người phải lội qua máu để đến thời vàng son. Chính vào thời đó, sử gia Giosép nói có hàng ngàn những tháo thứ tại Giuđêa do những kẻ gây chiến. Ông nói về những kẻ như phái Quá Khích, những kẻ không quản hy sinh tính mạng, cũng không quản giết bà con, người thân, nếu hy vọng đạt tới chiến thắng. Chúa Giêsu nói ‘có những người tuyên bố mình là những người lãnh đạo được Thiên Chúa sai’. Họ tin vào chiến tranh, ám sát, giết chóc; đường lối của họ chỉ làm con người càng ngày càng xa Thiên Chúa… Chúa nói đường lối của tôi là đường lối hòa bình, yêu đương và sự sống; càng đi càng gần Thiên Chúa. Chúa quả quyết. Người đến để con người có sự sống và sống tràn đầy. Biết Chúa Giêsu, biết Người là ai, biết Người nói gì, là có sự sống và sống tràn đầy. Một lính Rôma mất hết tinh thần, không còn chí khí, đến Julius Caesar xin phép tự tử. Nhìn người lính, Julius nói ‘này, anh đã không bao giờ thực sự sống?’ Khi sống theo lối sống của mình, cuộc sống thật buồn thảm, mất nhuệ khí. Bước đi với Chúa Giêsu, sẽ thấy sức sống mới, dồi dào. Chỉ khi sống với Chúa Giêsu cuộc đời trở nên đáng sống và sống ý nghĩa. [7]

4.Mục tử thật, mục tử giả: đó là những mục tử trung thành hoặc bất trung (10:11-15)

4.1.Người mục tử phải tuyệt đối chu toàn trách nhiệm về đoàn chiên của mình

Nếu có gì xẩy ra cho đoàn chiên, anh phải có chứng cớ cho biết không phải lỗi tại anh. Amốt kể về người mục tử đánh tháo hai cẳng hay một phần tai con chiên từ miệng sư tử (Am 3:12). Luật nói ‘nếu bị lang sói cấu xé, phải đem bằng chứng về’ (Ed 22:13). Đavít kể với Saul là khi còn chăn chiên cho bố, ông đã vật lộn với sư tử và gấu (1Sm 17:34-36). Isaia nói về đám mục tử gọi nhau đến để đấu với sư tử (31,4). Quả rất tự nhiên đối với người mục tử, là phải liều mạng để bênh vực đoàn chiên. Dr W.M.Thomson, trong The Land and the Book, nói ‘tôi thích thú nghe về những truyện mục tử đánh nhau dữ dội với thú rừng. Nhất là với trộm cướp, chủ chăn thường thà chết để bênh vực chiên. Tôi biết nhiều trường hợp, mà một vào mùa xuân năm ngoái. Giữa Tiberias và Tabor, chủ chiên, thay vì chạy trốn, đã chiến đấu với bọn cướp ba tên Bedawin cho đến khi bị chúng dùng khanjars đánh chết, chặt từng mảnh, giữa đoàn chiên’. Mục tử thật không hề do dự liều mình, dầu có chết vì đoàn chiên.[8]

4.2.Trái lại, có những chủ chăn bất trung

Mục tử thật, được sinh ra vì công việc của mình. Ông được sai đi với đoàn chiên vừa khi ông lớn đủ; chiên thành bạn và những kẻ cùng đi, nên người chủ chăn tự nhiên nghĩ về chiên trước khi nghĩ đến mình. Còn chủ chăn giả thì nhận công việc không phải được gọi mà chỉ như phương tiện để kiếm tiền. Họ không có ý niệm về sự cao thượng, trách nhiệm trong công việc, họ chỉ là những người thuê. Chó sói thường đe dọa cho đoàn chiên. Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người sai họ đi như chiên giữa chó sói (Mt 10:16). Phaolô cảnh giác các đầu mục tại Êphêsô là chó sói sẽ đến, không để chiên yên (Cv 20:29). Nếu chó sói tấn công, mục tử giả sẽ bỏ chạy. Dacaria nói đặc tính của mục tử giả là không quy tụ chiên rải rác về (11:16). Tại Ecclefechan, cộng đoàn bất đồng với mục sư của họ, tai hại là về lương bổng. Cha ông Carlyle là người am hiểu, nghe truyện, nổi nóng, đề nghị ‘hãy trả lương cho mục sư và để ông ta đi’. Chúa Giêsu muốn nói là người chỉ làm để được thưởng thì chỉ nghĩ đến tiền nong; người làm vì tình yêu thì thường nghĩ đến những người họ phục vụ. Chúa Giêsu là chủ chăn tốt, thương yêu chiên đến nỗi sẵn sàng liều mạng để chiên được an toàn. [9]

4.Có thể chú ý đến hai điểm khác nữa trước khi từ giã đoạn này: Chúa Giêsu xưng mình là chủ chăn tốt lành

Hy Lạp có hai danh từ với ý nghĩa ‘tốt’. Agathos có nghĩa là ‘tốt’ theo nghĩa luân lý. Kalos có nghĩa là ‘tốt’ với ý đáng mến đáng yêu. Khi nói mình là chủ chăn tốt, Chúa dùng tĩnh từ ‘kalos’. Nơi Người có gì hơn hiệu quả, hơn trung thành, hơn đáng mến. Thỉnh thoảng, tại làng quê, người ta nói đến bác sĩ tốt, người dân không nghĩ đến bác sĩ ấy có tài, chữa bệnh giỏi mà người ta nghĩ đến thiện cảm và sự dịu dàng, đáng mến của ông. Chúa Giêsu là chủ chăn tốt, tốt hữu hiệu, tốt dễ mến, mạnh mẽ và nghị lực.

Điểm thứ hai là trong dụ ngôn, đoàn chiên là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Giáo Hội ngày nay có hai kẻ thù, nội và ngoại. Ngoại là chó sói, trộm, cướp. Nội là các chủ chăn giả, những chủ chăn phục vụ như một nghề nghiệp chứ không như sứ mệnh…kẻ nội thù nguy hiểm hơn kẻ ngoại thù nhiều. Như có câu: chủ chăn thánh đức, giáo dân đạo đức; chủ chăn đạo đức, giáo dân khô khan; chủ chăn khôn khan, giáo dân bỏ đạo…

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Một trong những điều khó loại bỏ nhất là tinh thần độc quyền. Một khi nghĩ nhóm mình có đặc ơn riêng, thì rất khó cho họ chấp nhận những đặc ân đó cũng dành cho những người khác. Đấy là điều người Do Thái tâm niệm. Họ tin họ là dân Thiên Chúa chọn và Thiên Chúa không dùng bất cứ dân tộc nào. Nhất là họ lạc quan đến nỗi tin rằng những dân tộc khác là chỉ để làm tôi họ, và tệ nhất, những dân tộc khác là để bỏ đi. Thế nhưng ở đây, Chúa Giêsu nói rằng ngày kia mọi người sẽ biết Người là chủ chiên của mình. Cả trong Cựu Ước cũng có những hình ảnh mờ mờ về ngày đó. Isaia đã có giấc mơ về chính ngày đó. Ông thâm tín rằng Thiên Chúa đã làm Ítraen là ánh sáng cho muôn dân (Is 42:6; 49:6; 56:8), và luôn luôn có những tiếng đơn độc nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không phải chỉ riêng cho Ítraen, nhưng định mệnh của Ítraen là làm mọi người biết Thiên Chúa. Nhìn sơ thì coi như Tân Ước cũng nói hai giọng về đề tài này, và vài đoạn trong Tân Ước còn làm ta bối rối. Như Matthêu nói khi sai các môn đệ, Chúa bảo các ông ‘đừng vào các dân ngoại, làng người Samari, nhưng hãy đi tới những chiên lạc nhà Ítraen’ (Mt 10:5-6). Khi đàn bà người Syrô xin Người cứu giúp, câu trả lời đầu tiên của Người là Người chỉ được sai tới những chiên lạc nhà Ítraen (Mt 15:24). Nhưng ngược lại, mặt khác cũng không kém. Như chính Chúa Giêsu đã ở lại Samaria và dạy dỗ ở đó (Ga 4:40). Người tuyên bố là miêu duệ của Apraham không đủ bảo đảm để vào nước trời (Ga 8:39). Nguời đã tuyên bố chưa thấy đức tin như thế nơi sĩ quan Rôma (Mt 8:10), chỉ người Samari bị phong trở lại cảm tạ sau khi được khỏi (Lc 17:18-19), người Samari đi đường dừng lại cứu giúp kẻ bị nạn (Lc 10:37), nhiều người từ đông, tây, nam, bắc vào Nước Chúa (Mt 8:11; Lc 13:29), lời truyền sau cùng là đi rao giảng cho muôn dân (Mc 16:15; Mt 28:19). Chúa Giêsu không phải là ánh sáng của người Do Thái mà là ánh sáng cho muôn dân trên cả thế giới (Ga 8:12). Vậy thì cắt nghĩa sao những lời Chúa nói xem ra chỉ áp dụng cho người Do Thái? Thật đơn giản. Chủ đích tối hậu của Chúa là đem thế giới về cho Thiên Chúa. Nhưng vị chỉ huy tài giỏi thì biết đầu tiên phải giới hạn những mục tiêu. Nếu tấn công quá rộng, trải rộng lực lượng, tán mỏng sức mạnh, sẽ chẳng thu được thắng lợi. Muốn quyết thắng, nhà lãnh đạo phải tập trung sức mạnh vào một số mặt trận. Đấy là điều Chúa Giêsu đã làm. Nếu đã đi đây đi đó khắp nơi, sai các môn đệ không giới hạn, Chúa sẽ không thành công. Vào lúc này, Người chỉ chú trọng vào dân Do Thái, nhưng sau cùng Người vẫn nhằm đem toàn thế giới về tình yêu của Người. [10]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến cách đây hơn 2000 năm. Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ. 

Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên lạc bầy.

Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27)

Mục tử tốt và xấu trong trong Thánh Kinh

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10,11-18), Đức Giêsu mô tả và đối chiếu hai loại mục tử ấy: một loại được gọi là mục tử nhân lành, còn loại kia là kẻ chăn chiên thuê.

1.Mục Tử nhân lành

Mục tử nhân lành thì: «hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên», «tôi biết chiên của tôi”. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những mục tử nhân lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:

– Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: «Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt» (Is 40,11).

– Làm chiên sống no ấm, hạnh phúc: «Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì» (Tv 23,1); «Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm» (23,4).

– Tinh thần trách nhiệm rất cao: «con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng» (Ed 34,16).

Tóm lại, người mục tử tốt thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Thậm chí như Đức Giêsu, người mục tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống của mình.

2.Mục Tử Xấu

Kẻ chăn chiên thuê hay mục tử xấu thì: «không thiết gì đến chiên», «khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn». Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả hạng mục tử này với những đặc tính:

– Vô trách nhiệm: «con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi» (Dc 11,16a); «chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm» (Ed 34,4)

– Chỉ nghĩ tới hưởng thụ, sẵn sàng bóc lột: «sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt» (Ed 34,3). Thậm chí bóc lột đến tận xương tủy: «con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc luôn cả móng» (Dc 11,16b)

– Tác hại vô cùng đến đàn chiên: «các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác» (Gr 23,2).

Tóm lại, mục tử xấu coi đàn chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, không một chút tình thương đối với chúng.

3.Hãy trở nên những mục tử nhân lành

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu tự xưng mình là «mục tử nhân lành», luôn yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Chúng ta thường giới hạn ý nghĩa của từ «mục tử» này, đến nỗi chỉ áp dụng cho những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả những ai đảm trách việc lãnh đạo, từ một gia đình đến một quốc gia, từ một xứ đạo, đến một giáo phận, hay Giáo Hội toàn cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi là mục tử. Ước chi mọi mục tử đều biết thật sự yêu thương đàn chiên của mình. Ước chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi cha xứ đều sẵn sàng hy sinh phục vụ giáo dân, mọi giám mục đều hết lòng chăm sóc các linh mục và giáo dân dưới quyền mình! Ước chi tất cả các vị lãnh đạo xã hội biết quên những quyền lợi riêng tư để chỉ nghĩ đến lợi ích chung của toàn dân.

Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội : chúng ta đang thiếu linh mục, rất nhiều họ đạo không có linh mục.

Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những đồng lúa chín vàng và bảo “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, chúng con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài”. Chúa biết nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?

Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.

Xin cho những người đang theo tiếng gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, các em dự tu, được bền tâm vững chí. Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chúa đã nói “ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được cứu rỗi”.

Xin cho các linh mục của chúng ta được xứng đáng là những phương tiện tốt Chúa dùng để ban ơn cho đoàn Dân Chúa, nghĩa là xin cho các ngài được thánh thiện và bình an chăm lo cho đàn chiên. Amen.

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.106

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.106

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.107

[4] In the Steps of the Master trg.154-155

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.107

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.108

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.108

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.110

[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.110

[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.111-112

Xem thêm

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

Một trong các văn sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 viết về Đức …