Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

(CN Chúa Chiên Lành)

(Cv 2, 14a. 36-41; 1Pr 2, 20-25; Ga 10, 1-10)

“Đức Kitô, Người mục tử tốt lành, Đấng cứu độ duy nhất”

Tin mừng Gioan 10, 1-10:

h1_resize“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Suy niệm:

Hôm nay Chúa nhật Chúa Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Bài Tin mừng thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu là vị mục tử nhân lành và là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại, Ngài yêu thương đàn chiên, sống chết cho đàn chiên, hy sinh tất cả cho đàn chiên để đàn chiên được sống: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào… Tôi là cửa chuồng chiên…” (Ga 10, 8-10).

Thời xưa, dân Do Thái là dân du mục, đa số sống bằng nghề chăn chiên, hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất thân quen với người Do Thái và là chủ đề lớn trong Thánh kinh.

Người mục tử nhân lành chính là Thiên Chúa. Đàn chiên là dân Irael. Trong tân ước, Đức Giêsu tự khẳng định mình là mục tử nhân lành và tất cả mọi người trong Giáo hội đều là những con chiên của Chúa. Theo truyền thống của đạo Công giáo, người tín hữu được gọi là con chiên.

Theo William Barclay, vào thời Chúa Giêsu, có hai loại chuồng chiên. Trong các làng xã thường có một chuồng chiên công cộng, nơi tập trung tất cả các bầy chiên lại khi những người chăn chiên trở về nhà vào lúc ban đêm. Những con chiên này được bảo vệ bằng một cửa vững chắc mà chỉ có người chăn giữ đàn chiên mới có chì khoá để mở. Đức Giêsu nói: “Ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cửa cho anh ta vào” (Ga 10, 2).

Loại chuông chiên thứ hai, khi đàn chiên đi ăn cỏ ở xa trên cánh đồng, hoặc đồi cỏ vào mùa ấm áp, đàn chiên không trở về làng vào ban đêm, thì các con chiên được quy tụ trong một chuồng chiên ở ngoài cánh đồng hay ngọn đồi. Chuồng chiên ở ngoài trời này là một bức tường đá vây chung quanh, có một lối ra vào và không có cửa. Ban đêm, ngoài mục tử nằm chắn ngang lối ra vào, không có con chiên nào ra chuồng, hoặc con thú nào vào chuồng mà không bước qua người mục tử. Nói một cách khác, Người Mục Tử là cửa chuồng chiên. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Tôi là cửa chiên ra vào” (Ga 10, 7-10). Khi Đức Giêsu nhận mình là cửa chuồng chiên, thì Ngài muốn nói Ngài là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi và Ngài cũng là vị Mục Tử nhân từ. Đó là nội dung chính của bài Tin mừng hôm nay.

  1. Đức Giêsu là mục tử nhân lành. Hình ảnh người mục tử tốt lành gợi cho chúng ta Thiên Chúa yêu thương con người, luôn hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống lúc vui buồn, khi đau yếu lúc mạnh khoẻ, gắn bó thân thiết với đàn chiên “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Thánh vịnh 23 chúng ta đọc ở phần đáp ca nói là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với đàn chiên “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”.

– Người mục tử nhân lành biết rõ từng con chiên: “Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10, 14). Biết theo nghĩa Thánh kinh không chỉ biết tên, gọi tên từng con chiên, mà còn hiểu biết tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu của con chiên để đáp ứng, phục vụ đàn chiên thật tốt. Sự hiểu biết tương quan tình thương thân mật và chân thành “Người mục tử tất cả vì đàn chiên”.

– Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên, sẵn sàng đương đầu với sói dữ, với kẻ trộm kẻ cướp để bảo vệ đàn chiên, vì mỗi con chiên đều quý giá vô cùng. Ngài bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, Ngài sẵn sàng: “hy sinh mạng sống cho đàn chiên” (Ga 10,11). Đức Giêsu đã chết và phục sinh để đem ơn cứu độ cho tất cả nhân loại.

  1. Người con chiên ngoan hiền:

Người tín hữu được gọi là con chiên của Chúa. Người con chiên ngoan hiền phải hội đủ điều kiện sau đây:

– Biết chủ chiên của mình là Đức Giêsu Kitô, yêu mến Người, tôn thờ Người và nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Vị lãnh đạo tối cao của mình.

– Biết lắng nghe tiếng chủ chăn, nghĩa là biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, để cho lời Chúa thấm sâu vào tâm hồn, quyết tâm sống theo luật Chúa trong mọi hoàn cảnh thường ngày, luôn biết thưa có với Chúa và nois không với sự xấu.

– Đi theo và bước theo Chúa Giêsu Kitô phục sinh để tiến về cuộc sống vĩnh cửu qua cuộc sống chứng nhân: yêu thương và phục vụ mọi người, noi gương Đức Giêsu Kitô.

– Người Kitô có bổn phận học hỏi, lắng nghe, tuân giữ lời Chúa. Đó là bổn phận thiêng liêng vô cùng quan trọng, vì nghe và thực hành lời Chúa bảo đảm cho ta ơn cứu độ.

LM Giuse Mguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-5-2024 4-36-54 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần VII Mùa Thường Niên 21/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN