Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Mục Tử Nhân Lành

(Ga 10,1-10)

image001Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến cách đây hơn 2000 năm. 

Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ. 

Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước.

Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn.

Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên lạc bầy.

Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. 

Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27)[1]

Chiên và chủ chiên biết nhau

Chiên rất thân thiện với chủ chăn.

Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả.

Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên  đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên.

Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc.

Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa. 

Tận hiến cho đoàn chiên

Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình.

Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc.

Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó.

Họ sẵn sàng vác cho chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc. 

Đức Giêsu nói “Sẽ không ai cướp được đàn chiên khỏi tay tôi được”.

Bằng cách này, Người đang nhấn mạnh rằng đối với Người, đàn chiên quý giá đến thế nào. Nếu có Người giúp đỡ, thì không bao giờ có một điều xấu nào có thể xảy ra cho bất cứ người nào trong số họ.

Khi kẻ làm thuê trông coi đàn chiên, thì lũ chó sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao thoát thân cho an toàn.

Người chủ tốt lành của đàn chiên thì không như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của lũ sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Hôm nay là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Không cần nói thêm chi nhiều, chúng ta chắc cũng ý thức nhu cầu linh mục cấp bách đến thế nào cho Giáo Hội chúng ta: chúng ta đang thiếu linh mục.

Rất nhiều họ đạo không có linh mục.

Ngày xưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ thấy những đồng lúa chín vàng và bảo “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Chúng con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng cho thêm thợ gặt đến đồng lúa của Ngài”.

Chúa biết nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta phải cầu xin thì Chúa mới ban ơn. Xin gì?

Xin cho có nhiều thiếu niên, thanh niên quảng đại dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn.

Xin cho những người đang theo tiếng gọi của Chúa hôm nay, tức là các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, các em dự tu, được bền tâm vững chí. Dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chúa đã nói “Ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được cứu rỗi”.

Xin cho các linh mục của chúng ta được xứng đáng là những phương tiện tốt Chúa dùng để ban ơn cho đoàn Dân Chúa, nghĩa là xin cho các ngài được thánh thiện và bình an chăm lo cho đàn chiên. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171

Xem thêm

Chữ TÍN

Chữ TÍN

Chữ Tín trong Việt ngữ chỉ ba mẫu tự nhưng ý nghĩa “đồ sộ” và …