SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – A
(Ga 10, 1-10)
Sau khi đã tự mô tả là một người mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lại nhận mình là cửa chuồng chiên khi tuyên bố: « Thật, Ta bảo thật các ngươi : Ta là cửa chuồng chiên … Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và được của nuôi thân » (Ga 10,7.9).
Chúa Giêsu có ngụ ý gì khi công bố “Ta là cái cửa”? Những ai vào cửa Giêsu thì sẽ nhận được điều gì? Ngược lại, đến với kẻ trộm thì sẽ nhận được điều gì? Mỗi người chúng ta làm gì để giúp nhiều người đến với Chúa mà được ơn cứu độ?
Sau khi kể cho những người Pharisiêu nghe về ẩn dụ người chăn chiên thật và kẻ trộm chiên, nhưng họ không hiểu ý Người (x.Ga 10, 6). Vì thế, Chúa giải thích thêm, Người là cái cửa vào chuồng chiên, ai vào cửa này thì sẽ được cứu rỗi, tự do đi lại và tìm gặp đồng cỏ xanh tươi (x.Ga 10 7-9). Nhưng ai đi theo kẻ trộm thì sẽ bị cướp, bị giết.
Để hiểu rõ ý tưởng của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng, ở nước Do Thái, đối với những người du mục chăn chiên, bò, lừa. Khi đêm đến chiên được nhốt trong chuồng có rào và chỉ có một cánh cửa duy nhất được khóa lại để bảo vệ chiên. Nhưng những khi chiên ngủ đêm ngoài đồng thì ngay tại vị trí chiên có thể ra vào được, người chăn sẽ nằm chắn ngay trước cửa, và tất cả chiên nào muốn ra hay vào đều phải bước qua người chăn. Đó là ý nghĩa của lời công bố “Ta là cái cửa” của Chúa Giêsu.
Hình ảnh về cửa chuồng chiên này đối với chúng ta thì rất lạ, còn đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc. Chúa Giêsu tự ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử tốt lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên tình thương yêu chăm sóc và sự bảo vệ mà Người dành cho chúng ta, là những con chiên trong đàn chiên do Người chăn dắt.
Cửa chuồng chiên là lối cho chiên ra vào chuồng để được bảo vệ an toàn và được sống, ngụ ý ám chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào thì người ấy mới là mục tử thực sự của Thiên Chúa và mới được hưởng ơn cứu độ Chúa ban cho (x. Ga 10,9). Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Đức Giê-su đưa chúng ta đến với Chúa Cha, Người nhận mình là Cửa. Khi Người săn sóc dưỡng nuôi ta, Người nhận mình là Mục Tử”.
Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 60 sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 4, Chúa Nhật IV Phục Sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành với chủ đề “Ơn gọi : Ân sủng và Sứ vụ”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự được chọn trước cả khi tạo thanh vũ trụ, mỗi người một phận vụ, nhưng được kêu gọi quy tụ cùng nhau. “Lời kêu gọi của Thiên Chúa bao gồm việc ‘sai đi’. Không có ơn gọi nếu không có sứ vụ. Không có hạnh phúc và sự tự nhận thức đầy đủ trừ khi chúng ta mang đến cho người khác sự sống mới mà chúng ta đã tìm thấy” (x. Sứ điệp cho ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2023. Thánh Phaolô VI Giáo hoàng đã bắt đầu sự kiện thường niên vào năm 1964.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Ngày này là một cơ hội quý báu để nhớ lại với sự kinh ngạc rằng lời mời gọi của Thiên Chúa là ân sủng, là hồng ân trọn vẹn, đồng thời là một cam kết mang Tin Mừng đến cho người khác”.
Trong Sứ điệp của mình, Các ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của vương quốc Thiên Chúa” nhấn mạnh rằng mọi ơn gọi trong Giáo hội – giáo dân, linh mục, tu sĩ, hay đời sống thánh hiến – phối hợp với nhau trong một bản giao hưởng hài hòa.
Mọi ơn gọi được “kết hợp với nhau trong việc ‘ra đi’ để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của Vương quốc của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha viết tiếp : “ Tất cả mọi người trong Giáo hội đều là những người phục vụ theo đặc sủng của mỗi người, trong khi ơn gọi chung của chúng ta là “yêu thương trao hiến chính mình… Những người trong Thừa tác vụ có chức thánh – Linh mục, Giám mục và Phó tế – được “đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và thúc đẩy tinh thần hiệp thông của Dân thánh của Thiên Chúa”.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ