Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
(Ga 10, 11 – 18)
Lễ “Chúa Chiên lành” là lễ của Chúa Giêsu, Đấng đã tự xưng “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). “Mục tử” là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. “Người chăn chiên” được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan vừa mật thiết, vừa rất “dễ thương” giữa Người và chúng ta.
Chúa là mục tử
Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v …) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, vì trong Người, mệnh lệnh và tự do đồng nhất với nhau: “Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta” (Ga 10, 18).
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Chúa Giêsu yêu thương con người bằng một tình yêu thí mạng khi tự ví mình là “mục tử tốt lành” sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Người nói thẳng: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Đối với Chúa Giêsu, tất cả là hiện tại, không có gì là quá khứ hay tương lai hết. Điều này đã được nói trong sách Khải Huyền: “Ta là Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, Ðấng toàn năng!” (Kh 1,8). Và trong sách Xuất Hành: “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: “Ta có” đã sai tôi đến với các người!” (Xh 3,14).
“Ta là mục tử tốt lành“. Từ “mục tử” có nguồn gốc từ động từ “chăn nuôi“. Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu mình hằng ngày trong bí tích Mình Thánh. Khi Samuen hỏi Giêsê, cha của Đavít: “Các cậu này tất cả là con trai của ông sao?” Ông đáp: “Còn đứa nhỏ nhất nữa; này nó đang phải chăn cừu!” (1S 16,11). Đavít, một con người bé nhỏ và khiêm nhu, đã chăn sóc đoàn chiên mình như một người mục tử.
Chúng ta cũng đọc thấy trong sách Isaia: “Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu đi cừu mẹ nuôi con” (Is 40,11)… Quả thật, mục tử tốt lành dẫn chiễn tới đồng cỏ xanh tươi, tập hợp những con chiên yếu kém không thể đi được; vác chúng trên vai, ôm chúng vào lòng; như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế: hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh. Người giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11, 52). Người đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người, như mẹ hiền ấp ủ con thơ.
Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ).
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối“ (1 Ga 2, 4).
Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.
Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên.
Cầu cho các mục tử
Đối mặt với hiểm nguy, Chúa Giêsu không chạy trốn như lính đánh thuê, Người sẽ chết, nhưng cái chết của Người sẽ chiến thắng và sống mãi, Người sẽ thâu họp những con chiên tán mát khắc nơi về. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử tiếp bước theo mình, Người còn muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về. Người mong ước các mục tử với ơn Người trợ giúp sẽ hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ Nước Trời.
Với chủ đề của Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Năm 2015: “Xuất hành, kinh nghiệm nền tảng của ơn gọi“. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “những người trẻ bước đi theo dấu chân của Ðức Giêsu, trong việc phụng thờ mầu nhiệm Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho người khác! đừng sợ ra khỏi chính mình và đặt mình vào một cuộc hành trình!” Chúng ta hãy khẩn cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của mọi ơn gọi, đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đồng hành với chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ