Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV mùa Vọng, năm B của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV mùa Vọng, năm B của Trầm Thiên Thu

 

Đừng sợ!

 

(Nam B - Vong - CN IV) Dung-SoKhi Chúa Giêsu đi trên mặt biển hồ, tất cả các ông đều nhìn thấy Ngài và đều hoảng hốt. Lập tức, Ngài bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14:27; Mc 6:50; Ga 6:20).

Nhiều lần khác, Kinh Thánh cũng có những lời động viên chúng ta về sự can đảm: “Đừng sợ!” (Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 43:1; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Is 41:13; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18). Thánh GH Gioan Phaolô II đã sống đúng theo “châm ngôn” này dù ngài đã bị những kẻ xấu ám sát vài lần.

Nỗi sợ hãi là một trong những điều có thể chi phối cuộc sống của chúng ta, vì thế rất cần có người động viên. Có nhiều dạng và nhiều mức độ sợ hãi, lời động viên cũng đa dạng. Bà Amelia Mary Earhart (*) nhận định: “Điều khó khăn nhất là quyết định hành động, phần còn lại là sự kiên trì. Nỗi sợ hãi là những con hổ giấy. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình quyết định làm, có thể hành động để thay đổi và chi phối cuộc đời mình, và quá trình của đó chính là phần thưởng”. Người không sợ hãi, không lùi bước trước bất công, đó là người can đảm. Khi đối diện thực tế, người ta phải thực sự can đảm mới không sợ hãi. Trong cuộc sống, có nhiều người nói mạnh miệng nhưng thực ra chỉ là những kẻ nhát đảm!

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014 được trao cho cô nữ sinh Malala Yousafzai (sinh 1997, Pakistan) và ông Kailash Satyarthi (sinh 1954, Ấn Độ). Cả hai đều là những nhân vật nổi tiếng thế giới chống lại sự áp bức bóc lột trẻ em lao động và quyền được hưởng sự giáo dục từ học đường. Cô Yousafzai bị phe Taliban bắn trọng thương ở đầu vào tháng 10-2012 trên một chiếc xe bus vì tranh đấu đòi quyền cho các em gái được hưởng sự công bằng về giáo dục học đường. Ông Satyarthi đã rất can đảm khi dẫn đầu các đoàn biểu tình chống sự khai thác lao động trẻ em ở Ấn Độ. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cho những nỗ lực tranh đấu của mình. Điển hình vào năm 1994 với giải thưởng Hòa Bình ở Aachen, năm 1999 với giải thưởng Nhân Quyền của Friedrich-Ebert-Stiftung. Một trẻ và một già, một nữ và một nam, nhưng họ có “điểm chung” là lòng can đảm: Bảo vệ chân lý, đấu tranh vì công lý và đòi nhân quyền.

NS Anh Bằng cũng đã viết ca khúc “Đừng Sợ Hãi” để động viên người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ: “Đừng sợ hãi! Hãy vươn lên, tranh đấu cho quê hương Việt Nam, niềm tin bác ái! Đừng sợ hãi! Xiết tay nhau, mang trái tim yêu thương Việt Nam vào đời!”. Sự giằng co giữa can đảm và sợ hãi là cuộc chiến nội tâm. Tương tự, trong mỗi chúng ta cũng luôn có cuộc chiến tâm linh, có can đảm mới đủ sức chiến thắng. Chưa chết thật, nhưng một số người đã “chết yểu” – chết giấc hoặc chết khiếp, họ đã “chết” ngay khi đang sống! Những người hung hãn, dữ tợn với người khác là những người yếu bóng vía, sợ mình thua người khác nên muốn chứng tỏ “sức mạnh ảo” để chứng tỏ mình, nhưng đó chỉ là tự tố cáo rằng “tôi sợ lắm!”. Tục ngữ cũng nói “cáo mượn oai hổ” để chỉ loại người nhát đảm này.

Cuộc chiến nào cũng cần sự can đảm. Người can đảm là người dám nói thẳng nói thật vì công ích, không xu nịnh, không bè phái, không luồn cúi,… Muốn can đảm thì không gì hơn là bám vào Thiên Chúa, vì Ngài là Sự Thật (Ga 14:6), tức là luôn biết tín thác vào Ngài, mà tín thác thì phải tuân phục – xin vâng Thánh Ý. Sách Samuel, chương 7, cho biết: Khi vua được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, vua nói với ngôn sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2 Sm 7:2). Ông Na-than thưa với vua: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài” (2 Sm 7:3). Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” (2 Sm 7:5).

Thiên Chúa giao ước: “Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7:8-12).

Mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa giao ước tương tự, giao ước của Thiên Chúa là bất biến. Vấn đề là chúng ta có can đảm tuân giữ huấn lệnh của Ngài hay không. Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta về việc hoàn thiện (Mt 5:48), tức là bảo chúng ta cố gắng nên thánh. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa nói rõ ràng và dứt khoát hơn: Các ngươi phải nên thánhphải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44; Lv 20:7). Nên thánh cần có lòng can đảm, những người nhát gan không thể nên thánh được, vì Nước Trời không có loại công dân nhát đảm hoặc yếu bóng vía, không đủ sức chiến đấu!

Vâng, Thiên Chúa không chấp nhận những người thiếu can đảm. Và Ngài tiếp tục giao ước: “Đối với nó, Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7:14-16). Đó là giao ước của tình yêu, của lòng thương xót. Tình yêu thương bao la đó vĩnh hằng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sbn 16:34; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4; Tv 118:29; Tv 136:1-3; Tv 136:26).

Nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh đã tuyên xưng: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 89:2-3). Xưa Chúa phán: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ. là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89:4-5).

Như Thánh vương Đa-vít, những ai tín thác vào Thiên Chúa thì sẽ có cách sống chứng tỏ đức tin mãnh liệt: “Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89:27). Sống chứ không nói suông, không giả hình, không “mặc” chiếc áo “sặc sỡ” như người Pha-ri-sêu. Đó mới là người thực sự can đảm, và người này chắc chắn sẽ được Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người” (Tv 89:29).

Tuần thứ tư Mùa Vọng là lúc chúng ta thắp sáng ngọn nến thứ tư: Ngọn nến Hy Vọng – Đức Cậy. Nhờ ngọn nến này mà chúng ta khả dĩ thắp sáng lại ba ngọn nến khác: Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu. Nỗi mong chờ của nhân loại sẽ được khỏa lấp. Vâng, Đấng Emmanuel đang đến rất gần. Thánh Phaolô nói: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16:25-26). Vô tri bất mộ. Biết mới tin, không biết thì không có gì để tin. Thánh Phaolô xác định: Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (Rm 16:27).

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về cuộc truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, người được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. Chưa đầy 20 tuổi, và chỉ là một thôn nữ bình thường nơi miền quê nhỏ bé, nhưng Đức Maria đã biết sống thẳng thắn và can đảm, luôn tín thác vào Thiên Chúa, hiền thục nhưng rất cương nghị, ít nói nhưng hành động cụ thể.

Sau khi Chị Êlisabét mang thai ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được sáu tháng, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một làng Nadarét, thuộc miền Galilê, gặp một trinh nữ đã đính hôn (hoặc thành hôn) với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và chúc: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị”. Nghe vậy, Trinh Nữ Maria rất bối rối, không hiểu ý nghĩa. Sự khiêm nhường không cho phép Đức Mẹ nhận mình là thánh nhân, mà chỉ dám coi mình là Nữ Tỳ của Thiên Chúa mà thôi. Nhưng sứ thần liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Một người khấn đức khiết tịnh càng thấy lạ hơn khi nghe lời giải thích như vậy. Vì thế, Đức Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sự thường là thế, nhưng với Trinh Nữ Maria lại là điều khác thường, là mầu nhiệm, là đặc ân. Nhưng Trinh Nữ Maria khiêm nhu, đâu dám nghĩ tới “4 V” (vội vàng vơ vào). Sứ thần giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Trinh Nữ Maria luôn tin vào quyền năng của Thiên Chúa, giờ lại nghe giải thích vậy thì chẳng có gì phải lo. OK ngay! Bấy giờ Đức Maria liền vui mừng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Một lời xin vâng tuyệt vời: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”. Đó là “nhịp cầu” của Ơn Cứu Độ, và Trinh Nữ Maria trở nên Đấng Đồng Công Cứu Độ. Thật kỳ diệu, lồng trong lời xin vâng đó là nhiều nhân đức khác: Khiêm nhường, tín thác, trông cậy, yêu mến, can đảm, mau mắn,… Nói chung là chứa cả ba nhân đức đối thần và các nhân đức đối nhân. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết sẵn sàng và mau mắn xin vâng như Đức Mẹ!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sẵn sàng và vững lòng trông chờ Chúa đến bất cứ lúc nào. Xin giúp chúng con can đảm sống theo sự thật mà Ngài đã định hướng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Bà sinh 24-7-1897, mất tích 2-7-1937, được chính thức thông báo tử nạn 5-1-1939. Bà là nữ phi công và nhà văn người Mỹ, người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương và được nhận giải thưởng Distinguished Flying Cross của Hoa Kỳ.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …