Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 4B MV

Xin Vâng

Lc 1,26-38b(Lc 1,26-38)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Tương quan giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần

Trong Giáo Hội ngày nay, người ta bắt đầu khám phá lại ngôi vị và vai trò của Chúa Thánh Thần, không những trong suy tư thần học và trong phụng vụ, nhưng còn chính trong sinh hoạt thường ngày của Giáo Hội và của các Kitô hữu. Một luồng gió đang thổi mạnh trong Giáo Hội, đem lại niềm hy vọng lớn lao nhất cho các cộng đồng Kitô hữu.

Một trong những điểm có thể ghi nhận là hoạt động của Chúa Thánh Thần muốn hàn gắn vết thương của sự chia rẽ và chuẩn bị tái lập sự hiệp nhất có liên hệ trực tiếp đến Đức Maria. Trong suy tư thần học sau Công Đồng, sự chú tâm mới đến Chúa Thánh Thần cũng liên hệ đến khoa Thánh-Mẫu-Học. Người ta đi từ Giáo Hội đến Đức Maria chứ không theo chiều ngược lại như trước kia (từ Đức Mẹ đến Giáo Hội). Một Giáo Hội tái khám phá mình được Thần Khí linh hoạt tìm kiếm cách tự phát khuôn mẫu của mình nơi Đức Mẹ, Đấng do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần đã thụ thai và sinh hạ Đầu và Cứu Chúa của mình.

Mối tương quan giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần là một khía cạnh mới trong suy tư thần học của Giáo Hội Tây Phương cũng như Đông Phương. Các Giáo Phụ cũng như các bậc thầy thời Trung Cổ chỉ lặp lại một số dữ kiện hiếm hoi trong Tân Ước, nghĩa là việc Đức Mẹ thụ thai do tác động của Chúa Thánh Thần, với một số lời bình giải không có hệ thống. Ngày nay, ta thấy có nhiều nỗ lực hệ thống hóa để xác định cách chính xác và diễn tả theo thần học mối tương quan giữa Đức Maria và Chúa Thánh Thần.

2.Đức Maria với tác động của Chúa Thánh Thần

Ngày nay một luồng sáng mới chiếu rọi vào mối tương quan giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần, chủ yếu nhờ hiểu biết sâu sắc hơn mạc khải về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, cách riêng trong Tân Ước. Để tìm hiểu mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Maria vào lúc Ngôi Lời nhập thể và trong ngày lễ Hiện Xuống, chúng ta có Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca, còn thánh Matthêu thì chỉ nói về biến cố Nhập Thể. Chúng ta sẽ tìm hiểu Chúa Thánh Thần tác động thế nào trên một con người hay trên Giáo Hội, nhờ đó khám phá ra Chúa Thánh Thần đã thực hiện điều gì nơi Đức Maria, theo thánh Luca. Sau hết, chúng ta cũng sẽ tìm theo thánh Gioan có bổ túc gì thêm trong Tin Mừng của Ngài, khả dĩ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Đức Maria.

2.1.Tin Mừng Luca 1, 28: mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng

Niềm hân hoan của thời Đấng Messia mà các ngôn sứ thường mời gọi thiếu nữ Sion (Xp 3, 14-17 ;Dcr 2, 14 ; 9, 9) tràn ngập tâm hồn Đức Mẹ. Đây là niềm vui của Chúa Thánh Thần (Gl 5, 22), niềm vui của Thiên Chúa sinh ra Chúa Con trong trần gian. Ân sủng mà Đức Mẹ được đổ đầy chính là ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã chuẩn bị Đức Mẹ bằng ân sủng của Ngài. Vì thế các Giáo Phụ thuộc truyền thống Đông Phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và ca mừng Mẹ là “Đấng không vương nhiễm tỳ vết tội lỗi, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần nhào nắn và tác thành” (GH 56), là nơi Chúa Cha tìm được chỗ cư ngụ cho Con và Thần Khí của Người (x. SGL 490-493; 721-722). Đào sâu hơn đạo lý về Chúa Thánh Thần, các giáo phụ còn hiểu được rằng Chúa Thánh Thần là nguồn mạch từ đó phát xuất sự đầy tràn ân sủng nơi Đức Mẹ và sự dư dật các ân huệ trang điểm cho Mẹ.[1]

2.Tin Mừng Luca 1,35: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà…

Thánh Luca trình bày Đức Mẹ như là Đấng đã được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Có những yếu tố gợi lên một sự song song chặt chẽ giữa việc Chúa Thánh Thần đến trên Đức Mẹ vào lúc Truyền Tin và việc Ngài đến trên Giáo Hội vào ngày Hiện Xuống. Thánh Thần được hứa ban cho Đức Mẹ như là quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ đến trên Ngài (Thánh Thần cũng được hứa ban cho các Tông Đồ như một quyền năng từ trên ban xuống, Lc 24, 49 ; Cv 1, 8). Đức Mẹ, sau khi lãnh nhận Thánh Thần , bắt đầu tán dương những việc cao cả Chúa làm; các Tông Đồ, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, cũng bắt đầu công bố các kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2, 11). Công Đồng Vatican II nối kết hai biến cố này: trong nhà Tiệc Ly, “Đức Mẹ cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin” (GH 59). Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, tất cả những ai Đức Mẹ được sai đến, thì đến lượt họ đều được tác động bởi Thánh Thần (x. Lc 1, 41 ; 2, 27). Chắc chắn sự hiện diện của Đức Kitô chiếu toả Thánh Thần, nhưng Đức Kitô ngự trong lòng Đức Mẹ và hoạt động qua Ngài. Đức Mẹ xuất hiện như là hòm bia Thiên Chúa ngự hay là dền thờ của Chúa Thánh Thần; điều này được gợi lên qua hình ảnh “đám mây rợp bóng trên Mẹ” (đám mây cũng là một biểu tượng của Chúa Thánh Thần), nhắc nhớ lại đám mây sáng trong Cựu Ước là dấu chỉ sự hiện diện hay ngự đến của Thiên Chúa trong lều hội ngộ (Xh 13, 22; 19, 16) hoặc trên khám Giao Ước (Xh 40, 35).

Vậy, Chúa Thánh Thần tác động trong việc thụ thai đồng trinh của Đức Mẹ (câu 35a) và dường như cả trong việc sinh hạ đồng trinh nữa (35b). Nếu ta hiểu việc “hài nhi sẽ sinh ra là thánh” (quod nascetur sanctum) có nghĩa là một cách thánh: vô tì tích, nguyên vẹn, tinh tuyền theo nghĩa nghi thức của truyền thống Lêvi (và do đó, là một cuộc sinh hạ đồng trinh).

Giáo Hội đã đón nhận dữ kiện mạc khải này và đã đưa rất sớm vào trung tâm của Kinh Tin Kính (Kinh Tin Kính các Tông Đồ và của Công Đồng Nixê-Constantinope năm 381): “Incarnatus est de Spiritu Sancto et ex Maria Virgine”. Do đó, Đức Mẹ được nối kết với Chúa Thánh Thần bằng một mối dây liên kết khách quan, ngôi vị và không thể hủy diệt: đó là bản thân Đức Kitô trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nếu muốn tách rời Đức Mẹ ra khỏi Chúa Thánh Thần thì phải phân ly chính Đức Kitô.

Trong cuốn “khái luận về việc tôn sùng chân thật đối với Đức Trinh Nữ (Traité de la Vraie dévotion à la Sainte Vierge), ở số 20, thánh Louis-Marie Grignon de Montfort (1673-1716) đã gọi Đức Mẹ là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần (Epouse du Saint-Esprit), nghĩa là Chúa Thánh Thần hoạt động cùng với Đức Mẹ, nhờ Mẹ mà phát sinh Đức Kitô và các chi thể của Người. Hình ảnh này có điểm bất tiện là gợi lên hai đối tác ngang hàng với nhau và bổ túc cho nhau như trong hành vi giới tính, còn đây lại là hoạt động thiêng liêng thuộc một lãnh vực khác hẳn. Để bổ khuyết cho hình ảnh này, thánh Grignon de Monfort còn dùng một thuật ngữ trong triết học kinh viện: Chúa Thánh Thần chuyển sang hiện thể (réduit à l’acte) khả năng sinh sản của Đức Mẹ, nghĩa là khơi dậy từ bên trong những tiềm năng làm mẹ của Đức Mẹ. Đặc điểm của Chúa Thánh Thần là hoạt động từ bên trong.

Theo thánh Luca và các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa làm cho con người có khả năng nói lên những lời và thực hiện những hành động mà con người tự sức mình không thể làm được. Chúa Thánh Thần còn là quyền năng thánh hóa, chiếm hữu con người, thay đổi tâm hồn và biến đổi trở nên một tạo vật mới. Ta gặp thấy cả hai cách thế biểu hiện này của Chúa Thánh Thần nơi Đức Mẹ.

Sau Đức Kitô, Đức Mẹ là người được đặc sủng cao vời nhất trong lịch sử cứu độ, không phải vì ngài đã được nhiều đặc sủng, thực hiện nhiều phép lạ, nhưng vì nơi ngài, Chúa Thánh Thần đã thực hiện công việc kỳ diệu hơn hết mọi kỳ công của ngài: làm cho xuất hiện, không phải một lời khôn ngoan, một sấm ngôn, một thị kiến nhưng chính là sự sống của Đấng Thiên Sai, Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa.

Khi đặt Đức Mẹ trong một tương quan hết sức mật thiết với Chúa Thánh Thần, thánh Luca trình bày cho thấy Đức Mẹ như là tạo vật đầy Thánh Thần hơn hết, luôn hành động dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và là nơi Chúa Thánh Thần biểu lộ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Mẹ không chỉ là một “nơi” cho Thiên Chúa hoạt động, vì Thiên Chúa không đối xử với con người như những “nơi chốn” hay dụng cụ, nhưng như những ngôi vị, những cộng sự viên, những đối tác.[2]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Đức Maria là người diễm phúc, bởi vì đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ cho Con của Ngài nhập thể giáng trần. Điều đó đã được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, gọi là trình thuật truyền tin. Đây là một đoạn văn cho chúng ta biết Thiên Chúa đã đưa Đức Trinh Nữ Maria, một phụ nữ khiêm tốn trở thành một người diễm phúc như thế nào.

Qua cuộc đối thoại giữa tổng thần Gabrien và Đức Maria, chúng ta biết, cuối cùng Đức Maria đã trả lời: “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Tiếng “Xin Vâng” vừa thoát khỏi môi miệng Đức Maria, thì Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, ngự xuống mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Mẹ. Sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người được thực hiện. Và ngay lúc đó, Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ được đầy đủ mọi ơn phúc cần thiết nối kết với chức vụ Mẹ Thiên Chúa, để chu toàn vai trò quan trọng này.

Chúng ta thấy Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Đức Mẹ và Đức Mẹ cũng đã tự do đáp lại lời Chúa. Đức Mẹ đã chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, vì sự ưng thuận của Đức Mẹ đã mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc chúng ta: Con Thiên Chúa đã xuống thế trong cung lòng Đức Mẹ. Ngôi Lời đã hóa thành con người. Con Thiên Chúa đã trở nên con Đức mẹ.

Qua mầu nhiệm này chúng ta thấy Đức Mẹ sau khi biết việc thụ thai con trẻ Giêsu là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ đã can đảm thưa “xin vâng”. Để hiểu được sự can đảm phi thường của Đức Mẹ, chúng ta thử đặt mình vào vai trò của Đức Mẹ cách đây 20 thế kỷ, sống dưới một luật lệ khắt khe của Do Thái giáo. Thời đó phụ nữ bị khinh miệt hơn cả ở Việt Nam chúng ta, nếu đối với chúng ta: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô: thì phụ nữ Do Thái còn “nhẹ giá” hơn nữa. Thực vậy, lúc ấy Đức Mẹ là một trinh nữ mới lớn, khoảng 15, 16 tuổi, lại mới chỉ đính hôn với Giuse, luật lệ lúc ấy rất khắt khe với những người đính hôn, nếu có thai không do người bạn đính hôn của mình là bị kết tội giao du bất chính, ngoại tình và bị ném đá cho chết. Ngay cả thời nay, nhiều nơi vẫn còn khắt khe như thế. Câu chuyện xảy ra tại sa mạc Châu Phi: tu sĩ Caréttô nghe biết một cô gái mới 14 tuổi đời mà đã được gả bán cho một chàng trai. Trong khi chờ đợi ngày cưới, cô gái ấy vẫn tiếp tục đi kín nước và làm những công việc nội trợ bình thường. Thời gian trôi qua, hai năm sau vị tu sĩ kia sực nhớ bèn hỏi xem đám cưới đã được tổ chức như thế nào? Và ông bố đã tỏ ra bối rối không muốn trả lời. Cuối cùng, một người đầy tớ đã cho vị tu sĩ hay: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết chỉ vì đã có thai trước khi về nhà chồng. Danh dự gia đình đòi cô phải chết như vậy.

Chúng ta thấy đó, đối với Đức Mẹ lúc ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn dám nói “Xin Vâng” trong tin và yêu. Đời chúng ta không thể kém Đức Mẹ đâu, sống ở trần gian này, cuộc đời chúng ta cũng gặp nhiều khúc quanh, gánh nặng, nhiều lúc mịt mù lắm mây giăng. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, có người đã trải qua đau khổ, có người đang quằn quại trong đau khổ, có người đang bị đau khổ rình rập, không ai dám quả quyết mình không có đau khổ, giàu hay nghèo, đi tu hay sống đời gia đình, đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng, điều quan trọng là thái độ và tinh thần của chúng ta thế nào trước đau khổ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Đức Mẹ mà an tâm phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, hãy hết lòng tin tưởng và cầu xin Chúa, vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không làm được.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta biết theo gương Đức Mẹ, vâng theo ý Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể nói: nếu có một chân lý nào được gọi là quan trọng nhất của đời Đức Mẹ, thì chân lý quan trọng đó là câu “xin vâng thánh ý Chúa”. Cũng vậy, nếu có một chân lý nào được coi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Kitô, thì chân lý quan trọng ấy cũng là “Con đến để làm theo ý Cha”. Vậy nếu Chúa Giêsu, nếu Đức Mẹ đã chọn chân lý cho đời sống mình là “vâng theo thánh ý Chúa”, thì chân lý ấy cũng phải là chân lý quan trọng nhất của đời sống tất cả chúng ta.

Tóm lại, mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta hãy ca lên bài ca “Xin Vâng” để Mẹ trợ giúp: “Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ day con hai tiếng xin vâng: hôm nay, tương lai và suốt đời. Xin Chúa cho chúng ta, dù làm gì, chúng ta luôn biết làm theo thánh ý Chúa, tức là luôn sống đúng và làm đúng với Tin Mừng của Chúa. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

 

[1] TH Marialis Cultus số 26

[2] Lm. Gêrađô Trần Công Dụ ,CM

https://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/ChuaThanhThan/Chuong8.htm

 

Xem thêm

Ánh Sáng chiếu toả trên địa cầu

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA HIỂN LINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Ánh Sáng chiếu toả trên địa cầu SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH  (Mt 2, …