Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 4A MV

Giuse “Định Tâm Bỏ Bà Cách Kín Đáo”

(Mt 1,18-24)

I.TÁI LIỆU GỢI Ý

            Mt 1, 18 - 24gMaria đã đính hôn với Giuse. Thời gian đính hôn kéo dài một năm và có giá trị như đã thành hôn, vì thế nên chỉ có thể tháo bằng ly dị. Nếu người con trai đính hôn mà chết, trước mắt luật, người con gái được coi như là người góa. Vì thế, trong luật có câu lạ tai, đó là ‘người vợ góa đồng trinh’. Đoạn này đặt ta đối diện với một trong những đạo lý tranh luận lớn của đức tin Kitô giáo, đó là ‘Sự Sinh Ra Đồng Trinh (Virgin Birth)’. Hãy xem những lý do thuận nghịch của đạo lý này rồi lựa chọn.

Hai lý do mạnh để tin Maria đồng trinh:

1.Theo nghĩa đen thì đoạn này nói lên điều đó. Matthêu còn nói rõ là Chúa Giêsu sinh ra từ Maria mà không có người cha nhân loại. ‘Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần’ (Mt 1,18). Trước khi ông bà về chung sống – lại do quyền năng Chúa Thánh Thần, nên sinh ra đồng trinh.

2.Lý do tự nhiên là nếu Chúa Giêsu, như ta tin, là Đấng rất đặc biệt, thì Người phải sinh ra cách rất đặc biệt. Giờ đây hãy xem những điều làm ta ngạc nhiên nếu việc sinh ra do người nữ đồng trinh hiểu theo nghĩa đen.

2.1.Gia phả của Chúa được Luca và Matthêu kể lại đều nói Chúa Giêsu là con ông Giuse

“Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse. Giuse là con Êli (Lc 3,23)”. “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hia ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyên năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Qua Giuse mà nếu Giuse không phải cha thật của Chúa thì là điều lạ.

2.2.Hơn nữa khi tìm thấy Chúa ở Giêrusalem, Maria nói rõ “này cha con và mẹ lo lắng tìm con” (Lc 2,48).

2.3.Rồi nữa, Chúa Giêsu được nhắc đi nhắc lại là con ông Giuse (Mt 13,55; Ga 6,42).

2.4.Ngoài ra Tân Ước không thấy nói đến ‘sinh đồng trinh’ (virgin birth).

Thật sự, trong thư gửi Galata 4,4 Phaolô chỉ nói Chúa ‘sinh từ người đàn bà’. Và đây là cách nói thường tình về bất cứ người nào (xem Gióp 14,1; 15,14; 25,4). Cũng nên biết, theo người Do Thái, mỗi trẻ sinh ra đều do ba tác nhân: cha, mẹ và Thần Khí Thiên Chúa. Và người Do Thái cũng tin không trẻ nào có thể sinh ra mà không do Thần Khí. Và có thể việc Chúa Giêsu sinh ra đặc biệt đến nỗi các tác giả Tân Ước dùng cách diễn tả đáng mến, thi vị là dầu không có cha nhân loại, Thánh Thần Chúa cũng hoạt động cách độc đáo. Đến đây, ta có thể tự chọn, hoặc tin Maria đồng trinh theo nghĩa đen, hoặc chọn cách nói đẹp về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong đời sống gia đình.

Sau hết phải chú ý đến cách suy phục của Maria “này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền”. Chú ý, theo luật Do Thái thì hôn nhân thành sự theo hai giai đoạn: từ khi đính hôn, có nhân chứng, đã thành sự, tuy chưa được chung sống (chỉ được hủy bỏ bằng ly dị); từ đính hôn đến lễ cưới, thường là một năm. Chỉ sau lễ cưới (sau năm đính hôn), hai người mới được chung sống. Truyền tin cho Mẹ xẩy ra sau năm đính hôn, và trước khi Giuse và Maria về cùng nhau chung sống. ‘Thánh Thần Chúa bao phủ’ nghĩa là việc thụ thai theo cách tự nhiên do kết hiệp giữa người nam và người nữ được thay bằng hoạt động cách lạ lùng của Thánh Thần’ (Đức ông Enrico Galbiati).[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Giuse “Định Tâm Bỏ Bà Cách Kín Đáo” (Mt 1,18-24)

Chúa nhật thứ hai và thứ ba mùa vọng, các bài Tin Mừng đề cập tới một nhân vật không thể thiếu trong mùa vọng, đó là thánh Gioan Tẩy Giả, còn bài Tin Mừng thứ tư mùa vọng hôm nay lại nhắc đến một nhân vật nữa, đó là thánh Giuse, một nhân vật rất cần thiết trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cùng với người bạn đời của ngài là Đức Maria.

Giuse đã quyết định cùng với Đức Maria xây dựng cuộc đời chung sống. Một chương trình bình thường như bao người bình thường khác, nhưng lại xảy ra một biến cố thử thách, đó là Maria có thai trước khi hai người chung sống với nhau.

Chúng ta thấy thánh Giuse đang ở một hòan cảnh thật nan giải: một mặt ngài không thể im lặng để chấp nhận bào thai kia là con của mình, mặt khác ngài cũng không muốn làm rùm beng chuyện này vì như thế sẽ làm mất thể diện của Maria và Maria có thể bị ném đá, đó là điều Giuse không muốn chút nào. Cuối cùng Giuse “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Giuse đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông: “này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi”.

Thánh Giuse được mời gọi làm dưỡng phụ và đặt tên cho con trẻ để Hài Nhi Giêsu có một chỗ đứng chính thức trong giòng dõi vua Đavít. Thánh Giuse đã tuân theo lệnh Chúa và đón nhận Maria về nhà mình. Người tin tưởng vào Thiên Chúa và chu tòan sứ mệnh Thiên Chúa trao gởi. Ngài khiêm tốn thi hành phận sự như một đầy tớ tín trung.

Ngài không tính tóan, nhưng luôn sẵn sàng “chỗi dậy” để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Mệnh lệnh của Chúa phán ra là phá đổ mọi kế họach của lòai người. Mỗi lần như thế, thánh Giuse đã thi hành lệnh truyền, không một lời phản kháng hay lý luận gì cả. Tin theo là bước đi từng bước trên nẻo đường tương lai chỉ được soi sáng từng bước. Niềm tin không có sẵn câu giải đáp cho những trường hợp cụ thể.

Nhìn vào thái độ của Giuse, chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có những chương trình riêng cho đời mình. Nhưng nếu có những bất trắc xảy ra, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?

Có lẽ chúng ta sẽ kêu ca, trách móc, hoặc chúng ta kể lể với hết người này đến người khác gọi là để “tâm sự”. Nhưng chúng ta thấy gì nơi thánh Giuse? Ngài đã yên lặng. Chính trong yên lặng thánh Giuse đã nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa. Điều quan trọng trong cuộc sống, đó là nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Để làm được điều này chúng ta phải thinh lặng và sống trong bầu khí thinh lặng.

Người ta kể lại rằng một nhà thám hiểm nọ đi trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng này đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát.

Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào.

Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng cảm nhận được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm nhận ra được đó la tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng lại. Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.

Cuộc sống chúng ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như “dòng suối róc rách” trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay.[2] Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.77-79

[2] Sống theo Thần Khí, Cứu Thế Tùng Thư, trg.260

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …