Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV MÙA VỌNG , năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật IV MÙA VỌNG , năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

20/12: CN4B MV

 Xin Vâng

(Lc 1,26-38)

2020-12-17_20-10-08Đức Maria là người diễm phúc, bởi vì đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ cho Con của Ngài nhập thể giáng trần. Điều đó đã được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, gọi là trình thuật truyền tin. Đây là một đoạn văn cho chúng ta biết Thiên Chúa đã đưa Đức Trinh Nữ Maria, một phụ nữ khiêm tốn trở thành một người diễm phúc như thế nào.

  Qua cuộc đối thoại giữa tổng thần Gabrien và Đức Maria, chúng ta biết, cuối cùng Đức Maria đã trả lời: “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Tiếng “Xin Vâng” vừa thoát khỏi môi miệng Đức Maria, thì Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, ngự xuống mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Mẹ. Sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người được thực hiện. Và ngay lúc đó, Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ được đầy đủ mọi ơn phúc cần thiết nối kết với chức vụ Mẹ Thiên Chúa, để chu toàn vai trò quan trọng này.

Chúng ta thấy Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Đức Mẹ và Đức Mẹ cũng đã tự do đáp lại lời Chúa. Đức Mẹ đã chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, vì sự ưng thuận của Đức Mẹ đã mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc chúng ta: Con Thiên Chúa đã xuống thế trong cung lòng Đức Mẹ. Ngôi Lời đã hóa thành con người. Con Thiên Chúa đã trở nên con Đức mẹ.

Qua mầu nhiệm này chúng ta thấy Đức Mẹ sau khi biết việc thụ thai con trẻ Giêsu là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ đã can đảm thưa “Xin Vâng”. Để hiểu được sự can đảm phi thường của Đức Mẹ, chúng ta thử đặt mình vào vai trò của Đức Mẹ cách đây 20 thế kỷ, sống dưới một luật lệ khắt khe của Do Thái Giáo. Thời đó phụ nữ bị khinh miệt hơn cả ở Việt Nam chúng ta, nếu đối với chúng ta: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô: thì phụ nữ Do Thái còn “nhẹ giá” hơn nữa. Thực vậy, lúc ấy Đức Mẹ là một trinh nữ mới lớn, khoảng 15, 16 tuổi, lại mới chỉ đính hôn với Giuse, luật lệ lúc ấy rất khắt khe với những người đính hôn, nếu có thai không do người bạn đính hôn của mình là bị kết tội giao du bất chính, ngoại tình và bị ném đá cho chết.

Ngay cả thời nay, nhiều nơi vẫn còn khắt khe như thế. Câu chuyện xảy ra tại sa mạc Châu Phi: tu sĩ Caréttô nghe biết một cô gái mới 14 tuổi đời mà đã được gả bán cho một chàng trai. Trong khi chờ đợi ngày cưới, cô gái ấy vẫn tiếp tục đi kín nước và làm những công việc nội trợ bình thường. Thời gian trôi qua, hai năm sau vị tu sĩ kia sực nhớ bèn hỏi xem đám cưới đã được tổ chức như thế nào? Và ông bố đã tỏ ra bối rối không muốn trả lời. Cuối cùng, một người đầy tớ đã cho vị tu sĩ hay: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết chỉ vì đã có thai trước khi về nhà chồng. Danh dự gia đình đòi cô phải chết như vậy.

Chúng ta thấy đó, đối với Đức Mẹ lúc ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn dám nói “Xin Vâng” trong tin và yêu. Chúng ta cũng không kém Đức Mẹ, sống ở trần gian này, cuộc đời chúng ta cũng gặp nhiều khúc quanh, gánh nặng, nhiều lúc mịt mù lắm mây giăng. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, có người đã trải qua đau khổ, có người đang quằn quại trong đau khổ, có người đang bị đau khổ rình rập, không ai dám quả quyết mình không có đau khổ, giàu hay nghèo, đi tu hay sống đời gia đình, đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng, điều quan trọng là thái độ và tinh thần của chúng ta thế nào trước đau khổ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Đức Mẹ mà an tâm phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, hãy hết lòng tin tưởng và cầu xin Chúa, vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không làm được.

Qua bài Tin Mừng hôm nat, chúng ta biết theo gương Đức Mẹ, vâng theo ý Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể nói: nếu có một chân lý nào được gọi là quan trọng nhất của đời Đức Mẹ, thì chân lý quan trọng đó là câu “Xin Vâng Theo Thánh Ý Chúa”. Cũng vậy, nếu có một chân lý nào được coi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Kitô, thì chân lý quan trọng ấy cũng là “Con Đến Để Làm Theo Ý Cha”. Vậy nếu Chúa Giêsu, nếu Đức Mẹ đã chọn chân lý cho đời sống mình là “Vâng Theo Thánh Ý Chúa”, thì chân lý ấy cũng phải là chân lý quan trọng nhất của đời sống tất cả chúng ta.

Tóm lại, mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta hãy ca lên bài ca “Xin Vâng” để Mẹ trợ giúp: “Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng: hôm nay, tương lai và suốt đời. Xin Chúa cho chúng ta, dù làm gì, chúng ta luôn biết làm theo thánh ý Chúa, tức là luôn sống đúng và làm đúng với Tin Mừng của Chúa. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

31-12-2024 5-26-46 PM

Lời Chúa – Thứ Tư Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C | 01/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN