Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

ChuaNhatTN3Galilê là một vùng đất phía Bắc xứ Palestine, rộng chừng 80km từ Bắc xuống Nam và 40km từ Đông sang Tây. Galilê có nghĩa là vòng tròn, phát xuất từ chữ Galil trong tiếng Do Thái. Người ta gọi thế bởi vì vùng đất ấy được vây bọc bởi các nước ngoại bang. Chính vì thế mà Galilê luôn bị các thứ ảnh hưởng thâm nhập và đã trở thành phần đất tân tiến, ít bảo thủ.                                  

Đó là một vùng đông dân cư nhất của xứ Do Thái. Sử gia Josephus, người đã có lần làm thống đốc tại vùng này cho biết rằng miền đó có 204 làng hoặc thành, làng nào cũng có số dân không dưới 15.000. Hầu như khó tin rằng Galilê có thể lên tới ba triệu dân.                                                     Đó là vùng đất phì nhiêu lạ thường. Một tục ngữ đã phản ánh điều này: “nuôi một vạn cây ôliu ở Galilê còn dễ hơn nuôi một đứa con ở xứ Giuđê”.                       

Khí hậu rất tốt và nước uống dư dật khiến Galilê trở thành một vườn cây của xứ Palestine. Danh mục các loại cây mọc ở đó chứng tỏ đất rất tốt: cây nho, ôliu, vả, giẻ, hồ đào, thông, cọ, bá hương, trắc, dầu thơm, thông các loại, sung, dương, sim, anh đào, thạch lựu, chanh, trúc đào…       

Chính người Galilê là những người vùng cao của xứ Palestine. Josephus nói về những người Galilê rằng: “họ chuộng sự mới mẻ, bản tính họ thích đổi thay, và chỉ thích nổi loạn. Nếu có lãnh tụ nào đứng ra khởi xướng một cuộc nổi dậy là họ sẵn sàng theo ngay. Họ dễ nóng giận và ưa tranh cãi”.

Người ta thường nói: “Người Galilê không bao giờ thiếu can đảm”, “người Galilê mê tìm danh tiếng hơn là tìm lợi lộc”. Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ tại một nơi như vậy. Đó là đất của Ngài, nơi đó đem đến cho Ngài, ít ra lúc ban đầu, một số thính giả biết đón nhận và say sưa với sứ điệp của Ngài[1].

 Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng khắp nơi, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Vào một ngày sabat, Ngài vào hội đường cùng với bà con cô bác để ca tụng Chúa và nghe đọc Sách Thánh, tất cả mọi người nóng lòng muốn nghe một người mà họ quen biết nhiều, thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu, hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa.

Ngài mở nhằm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đầy từ Babylon. Hay nói đúng hơn đoạn sách nói về Đấng Cứu thế: ”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4,18-19).  

Đọc xong, gấp sách lại, ngồi xuống như các diễn giả thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, xem Ngài cắt nghĩa đoạn sách này như thế nào. Ngài lợi dụng dịp này để công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài tuyên bố chính Ngài là Messia (Cứu thế) đã được hứa.                           

Khi trịnh trọng nói: ”Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các vị vừa nghe” (Lc 4,18-19). Đức Giêsu đã chính thức công bố thời kỳ cứu độ đã đến. Ngài không chỉ ban bình an trong cuộc đời mà còn là bình an vĩnh cửu.

Quả thực Đức Giêsu đến là để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo : chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23).                                      

Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết: ”Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl1,13).                

Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất: ”Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,24-25).                                                                                                              

Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương.[2]

Lạy Chúa, xin dùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, làm cho Hội Thánh thêm nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, cách thích hợp trong thời đại mới. Xin dẫn bước chúng con trên khắp nẻo đường trần gian, để rao giảng Đức Kitô bằng tất cả đời sống, và hướng cuộc lữ hành dương thế của chúng con, tiến về thành đô ánh sáng trên trời. Xin cho các môn đệ Đức Kitô được tỏa sáng nhờ biết yêu thương những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức. Xin cho họ biết liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống bác ái yêu thương. Xin cho họ biết khoan dung với mọi người hầu chính họ cũng được hưởng lòng Cha tha thứ khoan dung. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

—————————- 

[1] William Barclay, CN 3C TN

[2] Lm. Giuse Đinh lập Liễm, CN 3C TN

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …