Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm C, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm C, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

(Lc 1,1-4; 4,14-21)

imagesChúng ta đang ở trong tuần lễ cầu cho hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Cầu cho hiệp nhất bởi vì các Kitô hữu đang chia rẻ nhau, nhiều khi muốn tiêu diệt nhau. Điều đáng buồn là tuy cùng tuyên xưng một Thiên Chúa là Cha, cùng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu độ mình, cùng sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu quay ra chỉ trích nhau, thậm chí không hề nhìn mặt nhau. Tinh thần nghi kỵ nhau, khinh chê nhau… khi thì ngấm ngầm, khi thì công khai làm cho sự đối thoại để đi đến hiệp nhất không phải dễ.
Để được hiệp nhất với nhau thì điều kiện trước tiên là mọi Kitô hữu phải sống theo sự thật. Muốn sống theo sự thật thì cần phải theo Lời Chúa. Làm theo Lời Chúa có nghĩa là cần phải nhận ra sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với mình. Làm theo ý Chúa cũng có nghĩa là đừng tự hào rằng chỉ có mình là đúng, chỉ có mình là làm theo ý Chúa còn người khác là ma quỉ, là những người chống lại Thiên Chúa. Làm theo ý Chúa nhiều khi phải làm ngược lại điều mình muốn. Làm theo Lời Chúa không phải với vẻ lo buồn ủ rũ, nhưng với sự vui mừng hân hoan như bài đọc l đã mời gọi.
Khi thầy Tư tế Esdra công bố luật Chúa trước cộng đoàn dân Israel, mọi người chăm chú nghe. Lời Chúa thấm sâu vào con người lay động con tim làm cho dân chúng đau buồn khóc lóc, có lẽ vì cuộc sống xa lìa luật Chúa. Thế nhưng Luật Chúa không chỉ gây đau buồn nhưng còn tạo nên niềm vui, vui vì Thiên Chúa đoái nhìn đến con người, vui vì Thiên Chúa hy vọng con người. Nếu Thiên Chúa ra luật cho con người, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa hy vọng con người có thể chu toàn việc tuân giữ lề luật và sống trong đường lối của Thiên Chúa. 
Điều đó nhắc cho chúng ta nhớ rằng mỗi khi chúng ta bị cám dỗ quên đi luật lệ để tán dương cuộc sống tự do tuyệt đối, muốn làm gì thì làm, thì chúng ta hãy nhớ đến nguy cơ của một thứ «hạnh phúc rẻ tiền» không cần phải cố gắng, một thứ hạnh phúc không có Thiên Chúa. Và mỗi khi chúng ta quên đi niềm vui, để bám vào một thứ luật lệ nghiêm ngặt, không niềm vui, thì chúng ta nhớ rằng luật Chúa là hạnh phúc, là niềm vui cho con người.
Như thế Hiệp nhất là cùng nhau sống luật Chúa hay Lời Chúa. Hiệp nhất là cùng nhau vui mừng sống Lời Chúa. Bài đọc hai nói rõ hơn về sự hiệp nhất : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” Như vậy tính đa dạng là điều cần thiết trong Giáo Hội. Tính đa dạng không làm Giáo Hội chia rẽ nhau vì tuy các cơ quan không hoàn toàn giống nhau trong cơ thể nhưng lại rất gắn bó với nhau và Kitô hữu là người gắn bó với Đức Kitô như nhành nho với gốc nho. Chúa Giêsu nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy… Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. (Jn 15, 3.4.8) Như thế kiểu mẫu duy nhất của chúng ta là Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta đến với Thiên Chúa, bén rễ sâu trong chính đời sống Thiên Chúa như nhành nho và gốc nho. 
Đức Giêsu tự ví mình như cây nho còn những người theo Chúa như nhành nho. Như vậy có nhiều nhánh chung quanh gốc. Nhánh khác nhau nhưng có một gốc. Đó là tính đa dạng trong Giáo Hội, các nhánh đều khác nhau nhưng gắn bó với gốc. Đời sống của Đức Kitô Phục sinh là một cuộc sống thông truyền sự sống, như nhựa từ thân nho lan truyền qua nhánh, qua cành nho. Nói tóm lại nguồn suối của chúng ta chính là Đức Kitô, chúng ta hiệp nhất với nhau vì cùng một gốc là Đức Kitô.
Từ đó, khi nhìn lại việc hiệp nhất giữa các Kitô hữu, chúng ta có lẽ phải thú nhận rằng có khi người Kitô hữu chưa thực thi Lời Chúa, có khi các Kitô hữu còn đang tranh chấp nhau vì quyền lợi, vì chính trị, vì danh dự … và không thực tâm đi vào chiều sâu của tâm hồn, đi vào hoán cải để tất cả mọi người đều hiểu và vâng nghe theo thánh ý Chúa. Chỉ khi vâng nghe theo Lời Chúa, theo ý Chúa thì người Kitô hữu mới có thể hợp nhất với nhau.
Thế nhưng chúng ta biết rằng việc thực thi ý Chúa trước tiên là việc hoán cải. Hoán cải vì mình đã làm những tội lỗi, những tội làm cho con người xa lìa nhau, làm cho các Kitô hữu phải cảnh huynh đệ tương tàn. Hoán cải để tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta. 
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói : “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các ngươi vừa mới nghe” Đoạn sách tiên tri Isaia ứng nghiệm ngay vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn cho người dân làng Nazareth biết rằng những điều họ biết về Người thì chưa đủ. Mọi người trong làng đều biết Người là con bác thợ mộc Giuse nhưng họ chưa biết Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Và Chúa Giêsu làm điều đó nhờ vào những bằng chứng cụ thể ai cũng có thể thấy được : thí dụ như “cho người mù được trông thấy”. Từ những việc cụ thể, Chúa Giêsu đi tới việc cao siêu hơn như “Thánh Thần xức dầu” và “sai đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó”, những việc mang tính “thiêng liêng” khó chứng minh hơn.
Thực ra, nhận biết Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến không phải là việc dễ dàng. Chúa Giêsu có lần nói : “Khi Đấng Bào trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần khí Sự Thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Jn 15 26) Người nào tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, người ấy đã châp nhận lời chứng của Chúa Thánh Thần, đã sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 
Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Giêsu để chỉ cho chúng ta biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. Như thế, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha, Ngài cũng ban cho chúng ta Lời Chúa và chính Ngài cũng ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có thể sống trong Sự Thật nhờ vào Thiên Chúa. 
Như thế chỉ có Đức Kitô mới qui tụ những người nghe Ngài. Chỉ có Đức Kitô mới thực sự là Đấng mang lại sự hiệp nhất cho toàn thể những Kitô hữu. Trong tâm tình đó chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa lời ca ngợi để chúng ta luôn sống trong ơn nghĩa Chúa và nhờ đó chúng ta được hiệp nhất với nhau.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN