Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

MỒNG HAI TẾT  

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ

h2Năm Đinh Dậu, nói chuyện con gà.

Con gà, đặc biệt là gà trống hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, là con vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gắn bó với cuộc sống con người. Từ thời cổ đại, gà trống đã trở thành loài vật linh thiêng trong nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng với tư cách là lễ vật.

Chẳng biết từ bao giờ, tiếng gà gáy đã là tiếng báo thức diệu kỳ cho con người ở những vùng quê êm ả. Sự thức tỉnh đều đặn, và tiếng gáy vang vọng của những chú gà đã làm nên nét đặc sắc của buổi binh minh thôn giã. Từ tiếng gà gáy sáng đó, chúng ta suy nghĩ về sự thức tỉnh của lòng người.

Trong đời sống đức tin, sự thức tỉnh luôn là điều hệ trọng.

Thức tỉnh để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.

Thức tỉnh để thấy được mình đang đi đúng hướng hay trệch đường.

Thức tỉnh để khám phá ra dấu chỉ tình thương Thiên Chúa trên hành trình đức tin.

Thức tỉnh để đọc ra những dấu chỉ của thời đại mình đang sống.

Thức tỉnh để luôn sẵng sàng mở cửa đón Chúa vào dùng bữa với mình.

Thức tỉnh để chu toàn nhiệm vụ của người lính canh trước sự rình mò của bao thế lực sự dữ.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, chính tiếng gà gáy đã thức tỉnh Phêrô ăn năn hối lỗi, trở về cùng Chúa: ”trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần lần!“

Rất cần một tiếng “gà gáy” trong đời sống tâm linh, để phản tỉnh, như Tông đồ Phêrô đã phản tỉnh và nhận ra được sự bất trung của mình đồng thời khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa.

Rất cần một tiếng gà gáy báo hiệu từ sâu thẳm nội tâm, để chúng ta có thể làm một cuộc trở về và định hướng cho một hành trình đức tin phía trước còn diệu vợi.

Nhìn lại và định hướng, đó chính là cán cân giúp cho cuộc sống được thăng bằng. Sẽ chẳng bao giờ biết nhìn lại, biết định hướng, nếu mình cứ ngủ mê.

Một lần nữa tiếng gà lại nhắc nhở chúng ta: hãy thức tỉnh.[1]

Có câu chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão sống cùng con trai, con dâu và cháu trai của mình.

Lúc còn trẻ ông đã làm việc  chăm chỉ, sau bao năm vất vả mới nuôi dưỡng con trai trưởng thành. Sau khi lấy vợ, con trai ông cũng rất chăm chỉ làm việc. Cuối cùng ông đã có thể được hưởng hạnh phúc lúc về già. 
Lúc ban đầu, người con trai vô cùng hiếu thảo, sớm tối chăm sóc cha mình. Nhưng năm tháng trôi qua, người cha ngày càng nhiều tuổi và yếu dần. Vì vừa phải chăm lo cho gia đình vừa phải chăm sóc cho người cha già yếu bệnh tật nên dần dần thấy mệt mỏi nên anh ta nghĩ thầm rằng: “Cha vừa già vừa bệnh tật ốm đau, lúc nào cũng phải chăm sóc, thật là vô dụng, chi bằng cho ông ta ra đi sớm một chút để bớt gánh nặng cho gia đình.”
Thế rồi ông ta tự tay đan một cái giỏ bằng tre thật lớn, sau đó giết một con gà rồi luộc cho cha ăn. Người cha nói: “Con gà to thì đem ra chợ bán lấy tiền, con giết cho cha ăn làm gì? Cha chỉ cần ăn cơm canh đạm bạc là được rồi.”
“Không sao đâu ạ, cha ăn thật no đi, con sẽ cõng cha lên núi.”
Người cha vui mừng nói: “Con đúng là đứa con hiếu thảo. Lâu lắm rồi cha không được lên núi ngắm cảnh núi đồi”.
Thế là người cha ngồi vào trong chiếc giỏ tre để người con trai cõng lên núi. Đứa cháu trai cũng đi theo.

Lên đến núi, người con trai đặt cha ngồi dưới bóng cây và bảo cha thưởng thức cảnh vật xung quanh, sau đó hai cha con âm thầm xuống núi.

Sau khi xuống núi, đứa con hỏi cha: “Trời đã tối rồi, khi nào chúng ta đi đón ông nội về ạ?”
“Ông nội sẽ ở đó luôn, không về nữa đâu”
“Như vậy làm sao được? Ông bị bệnh nặng như thế, trời thì nóng thế này, nếu không có ai chăm sóc ông sẽ chết mất.”
“Ông già rồi, có sống cũng vô ích, không cần phải quan tâm tới ông ấy nữa.”
Đứa bé nghĩ một lúc rồi nói: “Cho dù ông nội có vô ích thì cái giỏ tre cũng còn có ích. Chúng ta mang nó về, đợi đến khi cha về già, con có thể dùng nó để cõng cha lên núi.”

Người cha nghe thấy vậy thì vô cùng kinh ngạc, như thức tỉnh khỏi cơn mơ. Thế là hai cha con vội vã chạy lên núi, nhưng không kịp nữa, người cha già đã trút hơi thở cuối cùng.[2]

Kính thưa ông bà anh chị em.

Lời của đứa bé: “Cho dù ông nội có vô ích thì cái giỏ tre vẫn còn có ích. Chúng ta mang nó về, đợi đến khi cha về già, con có thể dùng nó để cõng cha lên núi.”

Lời của đứa bé đã làm người cha tỉnh ngộ.

Và lời thánh Phaolô hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta:
“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” trong thư gởi cho tín hữu Êphêsô:
Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. (Ep 6,1-4)

“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Đây chính là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta chiều hôm nay trong nghĩa trang giáo xứ này. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Quốc Văn, OP daminhvn.net

[2] http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1334904

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …