Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm A của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật III Thường niên, năm A của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Mc 1, 14-20 

 
Chúng ta đang ở trong mùa Thường niên. Trong những Chúa nhật vừa qua chúng ta cùng với Đức Kitô đi trên con đường rao giảng tin mừng. Chúa nhật hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy rằng để nghe tin mừng cần phải có con tim sám hối: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến ; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Với lời đó của Chúa Giêsu chúng ta thấy rằng không sám hối thì không thể nghe, hiểu và sống tin mừng. 
Nhận xét đó được chứng minh qua đời sống các thánh. Một số các thánh, nhất là những vị đại thánh, cho chúng ta thấy con đường trở nên thánh khởi đi từ sám hối, các ngài đã từ giã con đường sa đọa tội lỗi để quay trở về với Thiên Chúa. Lòng thống hối ấy không phải là một cài gì hoàn toàn con người nhưng bắt đầu từ thâm sâu của cõi lòng mỗi người, ở đó chính Thiên Chúa hoạt động, biến cải tâm hồn và làm cho con người tìm về đàng ngay nẻo chính.
Thế nhưng ơn Chúa không cũng chưa đủ mà ở đây còn phải có sự cộng tác của con người. Chính đương sự phải đoạn tuyệt, phải cắt đứt với đời sống dĩ vãng, phải cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người được tái tạo trong ơn thánh.
Bài đọc 1 cho chúng ta thấy điều đó. Ninivê là kinh thành sám hối: một kinh thành “lớn quá trời rộng ba ngày đàng” (Gn 3,3), đặc biệt đó là một kinh thành ngoại giáo. Chính trong kinh thành này, lời của Tiên tri Giona vang dội khắp hang cùng ngõ hẻm, vang dội tới cung điện đức vua. Và điều đáng kinh ngạc là dân thành đã “tin vào Thiên Chúa”, tin vào lời rao giảng sám hối của sứ giả Thiên Chúa.
Vua Ninivê dường như không còn nghĩ mình là vua nữa. Bất chấp ngại ngùng, bất chấp người ta nghĩ gì về mình, nhà vua đã rời ngai vàng, cởi bỏ hoàng bào, mặc áo vải gai, ngồi trên đống tro để tỏ lòng hối hận vì tội lỗi, và qua đó xin ơn tha thứ cho chính mình và cho toàn dân. Chưa hết, nhà vua còn ra sắc chỉ buộc dân thành Ninivê ăn chay đền tội, và cầu nguyện xin ơn tha thứ. Và Thiên Chúa đã chấp nhận tấm lòng thống hối của Ninivê. Như thế, dân thành Ninivê đã tiếp nhận lời cảnh cáo của sứ giả Thiên Chúa như một ơn, đã ăn năn sám hối tức là cải bỏ nếp sống cũ để bắt đầu cuộc sống mới.
Thánh Phaolo trong bài đọc hai cho thấy nếp sống cũ đó có thể chính là việc chọn những thứ của đời nầy làm cứu cánh đời mình. Vì thế thánh nhân đã dạy : “những ai sử dụng của đời nầy, hay ăn ở như không tận hưởng”. Thánh Phaolo muốn chúng ta nhớ rằng : Hãy dùng những của cải như là phương tiện cần thiết để đến gặp Chúa, chứ không phải là mục đích tức là dừng lại ở nơi của cải, nơi sự hưởng thụ của cải mà thôi. 
Như thế, lý do khiến con người hối cải thật lớn lao : đó là để tiếp nhận Nước Thiên Chúa, để đón nhận ơn cứu độ. Con người từ bỏ kiếp sống nô lệ tội ác trở về với thiên chức con cái Thiên Chúa. Trong cái nhìn đó, thánh Phaolô đã khuyên tín hữu thành Corinthô hãy hướng nhìn về tương lai : “Vì bộ dạng thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7, 31)
Lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu tuy quan trọng, tuy chính yếu, nhưng không dễ thi hành. Con người chúng ta không dễ chối từ những cái xấu, cái bất toàn, cái mau qua ngay lập tức. Đó nhiều khi là một hành trình đầy thánh giá, gian khổ. Hành trình này trở nên quan trọng vì chính nhờ đó mà chúng ta biết mình, biết con người thật của mình, biết điểm mạnh điểm yếu của mình. Thái độ đó trở nên cần thiết để đón nhận tin mừng Nước Thiên Chúa.
Hành động sám hối không có chỗ cho sự chung chung. Ninivê đã sám hối. Vua Ninivê đã cởi bỏ trang phục của một ông hoàng và khoác vào người chiếc áo thống hối của kẻ nhận ra mình tội lỗi. Ông từ bỏ ngồi trên ngai vàng để ngồi trên đống tro hoặc như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã bày tỏ lòng sám hối của toàn Giáo Hội bằng thái độ hạ mình ngỏ lời xin lỗi với thế giới.
Cũng thế, một trong những hành động để tỏ lòng sám hối cách cụ thể của chúng ta đó là lời xin lỗi: Xin lỗi Chúa và xin lỗi anh em. Một khi dám nói ra lời xin lỗi cách thật lòng, đó cũng là dấu chỉ của sự sám hối thật lòng.
Chúng ta xin lỗi bởi vì trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn thường chứng kiến bao nhiêu rạn nứt dẫn đến chia rẻ : vợ chồng ly dị nhau; hai người bạn thân trở thành thù địch với nhau ; anh em ruột không nhìn nhau nữa, biết bao nhiêu cảnh chém giết, thưa kiện nhau chỉ vì một lời nói gây tự ái, vì của cải, vì đất đai… Những lúc căng thẳng đó, nếu có lời xin lỗi và lòng tha thứ thì mọi chuyện trở lại bình an. Và trong trường hợp đó chỉ có một tâm hồn sám hối thực sự mới có thể tiến đến chỗ hiệp nhất và hòa thuận. 
Như đã nói, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã từng xin lỗi và đã không ngừng nói lời “xin lỗi”. Bởi xin lỗi là một cách nói lên lòng sám hối. Có sám hối mới có thể thấy mình có lỗi, thấy mình cần được tha thứ, và xin người khác tha thứ. Làm được điều đó cũng có nghĩa là nói lên lòng ao ước được hiệp nhất với anh em xung quanh mình. Bởi vì sẽ không có hiệp nhất nếu không có sám hối, và nếu không có lòng chân thành cầu mong nhận được sự tha thứ nơi anh chị em thì không có thể hết chia rẻ. Nói cách khác thực hiện lòng sám hối bằng thái độ nhận lỗi là cách thức tốt để chúng ta sống hiệp nhất với anh chị em của mình.
Điều đó cần thiết đối với sự hiệp nhất trong Giáo Hội và điều đó cũng rất cần thiết đối với chúng ta những người muốn làm theo lời mời gọi của Chúa Giêsu Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm. Xin cho chúng ta biết làm theo lời đó.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN