(Cv 5, 27-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-19)
“Này anh Simon, anh có mến Thầykhông?”
Tin mừng Gioan 21, 1-19:
Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”. Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!”. Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?”. Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
Suy niệm:
Tin mừng về mẻ cá lạ trên biển hồ Tibêria đã được 2 thánh sử Luca và Gioan ghi lại trong bối cảnh khác nhau. Theo Luca, khởi sự công việc loan báo tin mừng ở trần gian, Đức Giêsu đã đến biển hồ Tibêria và tuyển chọn những tông đồ đầu tiên để họ tiếp nối công việc cứu độ của Chúa Giêsu qua mẻ cá lạ “bắt được đủ mọi thứ cá” Đức Giêsu đã huấn luyện họ và làm cho họ trở thành những kẻ chinh phục người ta như đánh bắt cá. Theo thánh Gioan, sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu Kitô phục sinh lại hiện đến khi các ông đang đánh cá ở biển hồ Tibêria. Lần này Đức Giêsu trao sứ mạng cho các tông đồ, cách riêng trao cho Phêrô quyền thủ lãnh Giáo hội: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Đức Giêsu phục sinh đã ban cho các ông mẻ cá thật lạ lùng với 153 con cá lớn. Theo thánh Hiêrônimô, thì các nhà vạn vật học thời xưa khám phá được 153 loại cá. Vì thế, con số ở đây chỉ số lượng tất cả các loại cá và nói lên sứ mạng của Giáo hội phải quy tụ tất cả dân tộc về với Chúa.
Các bài tường thuật về Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và đặc biệt trong biến cố mẻ cá lạ trong bài Tin mừng hôm nay trình bày cho ta những ý nghĩa sau đây:
– Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện diện và đồng hành với các tông đồ đang làm những công việc hăng ngày là chài lưới bắt cá, hoặc khi buồn sầu chánh nản như 2 môn đệ trên đường Emmaus, các tông đồ sợ người Do Thái “đóng kín của”… Đức Giêsu phục sinh không ở đâu xa, vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, trong những công việc hàng ngày của chúng ta và luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.
– Người đầu tiên tin và nhận ra Đức Giêsu phục sinh là Gioan, vị tông đồ yêu mến Chúa một cách đặc biệt, Chỉ có tình yêu, con người mới có thể tin và gặp được Đức Giêsu Phục sinh. Thực vậy Chúa Giêsu luôn hiện diện giữa chúng ta, nhưng thường chúng ta không nhận ra Ngài, bởi chúng ta chưa yêu mến Ngài chân thành. Muốn nhận ra Ngài thì cần có lòng yêu mến như Gioan.
– Chúa Giêsu Phục sinh đã nướng cá và bánh cho các tông đồ và sao đó cùng ngồi với họ quanh bếp lửa hồng để cùng ăn bánh và cá nướng với các ông. Chúa Giêsu Phục Sinh luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta.
– Mặc dù Phêrô đã 3 lần chối Chúa, Nhưng Chúa Giêsu tha thứ cho ông. Sau 3 lần tuyên xưng “Con yêu mến Thầy”, Đức Giêsu trao cho Phêrô sứ mạng “chăn đoàn chiên của Thầy”, nghĩa là đặt ngài làm thủ lĩnh của Giáo hội, vị Giáo Hoàng tiên khởi lèo lái con thuyền Giáo hội. Cũng vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh luôn hiện diện giữa chúng ta, không phải để bắt lỗi chúng ta, mà để trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài, cộng tác với Ngài trong việc loan báo Tin mừng cứu độ.
Điều kỳ lạ là khi phó thác đoàn chiên cho Phêrô, Đức Giêsu lại muốn vị đại diện phải có lòng yêu mến Ngài, thậm chí còn phải yêu Ngài hơn những người khác (Ga 21, 25). Như thế, không yêu mến Chúa chẳng ai có thể làm trọn trách nhiệm chủ chiên. Không thương Chúa hơn tất cả, chúng ta sẽ trở nên người chăn chiên thuê, thấy sói đến là chạy trốn, bỏ đàn chiên tan tác.
Qua lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh muốn chúng ta thực hành những bài học cụ thể sau đây:
– Luôn tuân theo thánh ý Thiên Chúa, làm việc dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa như các tông đồ xưa “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới bắt cá”. Làm việc với Chúa Giêsu Phục Sinh, với Thiên Chúa chúng ta mới thành công về đạo cũng như đời “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
– Yêu mến Chúa Giêsu trên hết như thánh Phêrô dám hy sinhtất cả để trung thành với Chúa. Để có thể yêu mến Đức Giêsu, Phêrô phải phục vụ người khác. Để có thể phục vụ người khác, Phêrô phải luôn luôn yêu mến Đức Giêsu.
Hôm nay Chúa Giêsu phục sinh cũng hỏi mỗi người Kitô Hữu: “Con có yêu mến Thầy không?”. Câu trả lời sẽ nói lên lòng mến và đức tin của chúng ta đối với Chúa.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam