MẺ LƯỚI ĐẦY CÁ
Không có trang Tin Mừng nào giúp chúng ta hiểu về ý nghĩa của cuộc hẹn tại Galilê hơn là trình thuật về việc Chúa hiện ra bên bờ hồ trong Tin Mừng Gioan.
Một trình thuật thật sống động, cho chúng ta thấy cách đơn giản và sâu sắc cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục Sinh vơí các môn đệ của Ngài.
Các môn đệ bấy giờ đã trở về Galilê.
Họ gặp lại khung cảnh của mình, họ trở về với nghề đánh cá.
Phêrô đi bước đầu làm gương: “Tôi đi đánh cá đây”.
Và những người khác cũng bắt chước theo: “Chúng tôi cùng đi với anh”.
Mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm ấy họ không bắt được con cá nào (Ga 21,3).
Trở về lúc sáng sớm, từ trên thuyền họ thấy một người đứng trên bờ.
Người đó có vẻ như đang chờ đợi họ.
Quả vậy, khi khoảng cách đủ gần để nghe, người đó nói với họ:
“Này các chú, không có gì ăn ư?”.
Các ông trả lời: “Thưa không”.
Người đó lại nói: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”
Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá” (Ga 21,4-6).
Bấy giờ người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nói với Phêrô: “Chúa đó”.
Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu.
Ngay lập tức Phêrô nhảy ngay xuống biển và bơi vào bờ.
Khoảng cách chỉ gần một trăm thước.
Các môn đệ khác chèo thuyền vào sau, kéo theo lưới đầy cá.
Khi đã lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn bếp hồng với cá đặt trên, và có cả bánh nữa.
Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây”.
Rồi Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn”
Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”
Vì các ông biết đó là Chúa (Ga 21,7-13).
“Chúa đó!” Quả thật, đúng là Ngài.
Các môn đệ gặp lại đúng con người ngày xưa khi Ngài lần đầu tiên đến với họ bên bờ hồ. Bây giờ lại một lần nữa Ngài đến bên họ, vẫn gần gũi và thân mật như thuở ban đầu.
Sự tỏ hiện của Đấng Phục Sinh với các môn đệ bên bờ hồ Galilê không có gì là kinh dị hoặc choáng ngợp.
Ngài đến với họ không hào quang rực rỡ, chỉ như một con người rất ư đơn giản.
Lời Ngài nói cũng thế, rất thân tình:
‘Này các chú, không có gì ăn ư?” Hay lời mời: “Anh em đến mà ăn”.
Ngay cả mẻ cá lạ lùng vẫn có cái gì đó quen thuộc đối với các môn đệ,
bởi nó gợi nhớ lại thuở ban đầu của sứ vụ ở Galilê cũng như nhắc lại dấu ấn của Thầy: một vị Thầy quan tâm đến nghề nghiệp của họ và tỏ ra gần gũi với họ.
Chính vì thế mà tâm trí họ có thể nối kết cách rất tự nhiên Đấng Phục Sinh với vị Thầy mà họ đã từng biết: Đức Giêsu Nagiaret.[1]
Được gặp gỡ Đấng Phục Sinh ở Galilê,
nghĩa là ở chính nơi mà họ đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Người,
quả thực là một khoảnh khắc mang tính chất quyết định.
Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục Sinh với cuộc đời trần thế của Người và do đó tạo nên một ký ức sống động về kinh nghiệm Tin Mừng.
Các môn đệ sống lại kinh nghiệm đó, nhưng lần này là trong ánh sáng Phục Sinh.
Từ nay trong tâm trí họ, Đức Giêsu Nagiaret và Đấng Phục Sinh là một.
Chính tại Biển Hồ năm xưa các môn đệ đã nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh.
Hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh cũng vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta.
Nhưng trên Biển Hồ cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Dòng đời thường có những khúc quanh bất ngờ.
Có những lúc chúng ta phải đối diện với những vất vả, lên ghềnh xuống thác.
Có những lúc niềm tin bị chao đảo trước những thử thách của cuộc sống.
Có những lúc chúng ta hoảng hốt không nhận ra đâu là bến bờ.
Những lúc đó không dễ gì chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Nhưng chính lúc đó lại là lúc Đức Kitô Phục Sinh đang âm thầm vẫy gọi chúng ta.
Rồi khi chúng ta chán nản, thất vọng.
Khi chúng ta đã cố gắng hết sức.
Cố gắng bằng tất cả những khả năng tự nhiên cũng như siêu nhiên.
Cố gắng hết sức bằng những nỗ lực tinh thần cũng như thể xác.
Nhưng chúng ta vẫn gặp những thất bại này rồi đến những thất bại khác.
Chúng ta như bị chìm ngập trong tủi nhục.
Chúng ta thất vọng. Chúng ta cô đơn.
Chúng ta muốn buông xuôi. Chúng ta muốn bỏ cuộc.
Nhưng chính lúc ấy lại là lúc chúng ta phải nhìn vào các môn đệ trên Biển Hồ.
Hãy tin tưởng và thả lưới.
Và một mẻ lưới đầy cá sẽ đến với chúng ta. Amen
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Eloi Leclerc, Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh tại Galilê, nxb Phương Đông, 2009, trg.15