Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 3B PS

Niềm Tin vào Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu

Lc 24,35-48b(Lc 24,35-48)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Lc 24,36-49: đây là đoạn nói về việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ra sao khi họ họp nhau trong Phòng Trên. Truyện cho ta biết đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến:

1.Chúa đã sống lại

Chúa đã sống lại là một thực tại. Đó không phải là một hình ảnh hay là một ảo tưởng. Chúa Giêsu Đấng đã chết, nay thực sự đã sống lại. Đấng Kitô đã chết nay đã sống lại. Kitô giáo không xây dựng trên những giấc mơ rối loạn hay những ảo ảnh bệnh hoạn của con người mà trên Đấng thực tế đã đối diện, đã chiến đấu và đã chiến thắng sự chết, và đã sống lại.

2.Cần thiết của Thập Giá

Chính vì Thập Giá mà Thánh Kinh nhắm tới. Thập Giá không cưỡng bách Thiên Chúa. Thập Giá không phải là một máy đo áp xuất cấp bách khi mà tất cả những phương pháp khác thất bại và khi mà mọi sự dự tính đi vào sai lầm. Nhưng Thập Giá là một phần trong chương trình của Thiên Chúa, vì đó, là khi trên trái đất vào lúc nào đó, ta thấy tình yêu ngàn đời của Người.

3.Cần chu toàn bổn phận

Phải ra đi kêu gọi mọi người thống hối và đem lại cho họ sự tha thứ. Giáo Hội không được tụ họp tại phòng Tiệc Ly mãi mãi, mà phải ra đi rao giảng khắp thế giới. Sau khi họp nhau tại Phòng Trên, phải ra đi thi hành sứ mệnh. Thời sầu muộn đã qua, và tin vui phải được truyền đạt đến mọi người.

4.Bí mật của quyền lực

Các môn đệ đã phải chờ đợi tại Giêrusalem cho đến khi lãnh nhận quyền lực. Có những lúc người Kitô hữu coi như uổng công, chờ đợi cách thụ động khôn ngoan. Hoạt động mà không chuẩn bị thường là thất bại. Có thời chờ đợi Thiên Chúa và cũng có thời hoạt động cho Người. Fay Inchfawn viết về những việc hằng ngày coi như mất mát: “vật lộn, tôi vật lộn hàng giờ. Mà đâu có phải với các vương quyền và uy lực – những thù địch vô hình của Thiên Chúa hay con người – mà với những lỉnh khỉnh nồi niêu xoong chảo; những vết chân trên sàn, vết nhơ trên tường, những tiếng vô bổ, những bàn tay không rửa, với muôn vàn nhu cầu của trẻ thơ”.

Nhưng rồi, mặc dầu trong những lúc bận rộn, bà lại bỏ ra đôi phút để cầu nguyện với Thiên Chúa: “với đôi chân tay thoải mái, tôi ngồi nghỉ ngơi. Những lúc điên khùng, lộn xộn, mù mịt như đôi mắt dơi ban ngày, Ngồi đó để nghe để học hỏi. Và rồi mọi việc lại hoàn tất chu toàn”. Thời yên lặng chờ đợi Thiên Chúa không bao giờ là thời giờ uổng phí vì đó chỉ là lúc tạm nghỉ để múc nghị lực chu toàn bổn phận. [1]  

II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy các môn đệ khó chấp nhận việc Chúa sống lại, cũng như trước đây khi nói về việc lên Giêrusalem, các môn đệ cũng khó chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhớ rõ lắm khi Chúa Giêsu nói Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô đã phản ứng quyết liệt: “lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ biết những sự thuộc về loài người”.

Chúa muốn Phêrô hãy trở lại vị trí của mình là môn đệ của Chúa. Là môn đệ thì phải theo sau sư phụ. Sư phụ đi trước, đệ tử theo sau. Nhưng ở đây Phêrô lại cả gan dẫn dắt Chúa, chứ không để Chúa dẫn dắt mình, nên Chúa đã phải nói: “Phêrô hãy lui về đàng sau Ta…

Phản ứng quyết liệt của Phêrô cho chúng ta thấy Phêrô không muốn chấp nhận cái chết của Chúa. Rồi chúng ta còn thấy gì nữa nơi hai môn đệ trên đường Emmau. Hai ông buồn lắm, bởi vì ba năm theo Chúa, bây giờ công toi. Chán nản thất vọng, trở về quê nhà. Tất cả đều muốn nói với chúng ta là các môn đệ không muốn chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu, một cái chết thê thảm, một cái chết ô nhục. Một cái cái chết làm tiêu tán tất cả mọi hy vọng trong ba năm theo Chúa.

Rồi trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy gì?

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người: trước tiên với các phụ nữ (Lc 24,1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24,13-25), và cuối cùng cho các Tông Đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với những mức độ khác nhau.
Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng Chúa đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này. Để các Tông Đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến thể lý, từ lịch sử đến việc chứng minh được thực hiện đúng lời đã hứa. Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông Đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng như thấy ma, hoặc là hồn ma hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào Thập Giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ mó được. Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.

Rồi chúng ta còn thấy gì nữa? Tôma nhất định không tin việc Chúa sống lại và Tôma nói rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi chẳng có tin. (Ga 20,25)

Tất cả những điều trên muốn nói với chúng ta rằng: thật khó mà chấp nhận sự kiện Chúa Giesu sống lại, nhưng cuối cùng, các tông đồ đã chấp nhận cái chết và Phục Sinh của Chúa.

Nhìn lại đức tin của các tông đồ và đức tin của chúng ta có một sự khác biệt rất lớn. Có thể nói chúng ta dễ chấp nhận Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu, nhưng cái mà chúng ta gọi là đức tin đó chẳng ăn nhằm gì tới cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đã nghe, đã đọc rất nhiều lần về Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, nhưng chúng ta cũng chỉ đọc như đọc tiểu sử một danh nhân nào đó. Chúng ta chỉ có một chút thán phục và sau đó chẳng còn một chút gì dính dáng đến cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta tin, nhưng chúng ta không cảm nhận thấy một cái gì liên hệ đến chúng ta. Ở đây chúng ta thấy rất rõ, Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của các ngài, nên không dễ gì các ngài chấp nhận Cái Chết của Chúa Giêsu. Nếu đã không chấp nhận Cái Chết của Chúa Giêsu thì làm sao tin được sự Sống Lại của Chúa. Ấy thế mà cuối cùng các tông đồ đã chấp nhận Cái Chết của Chúa Giêsu, chính vì vậy các tông đồ đã được đi vào Vinh Quang Phục Sinh của Ngài.

Còn chúng ta như thế nào?

Nhà thần học Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh”. Còn Thomas Merton bảo: “người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin đích thực”.

Ở đây, có thể nói chúng ta chẳng nghi ngờ gì cả. Chính ở điểm này làm chúng ta phải suy nghĩ: một đức tin quá dễ dàng cũng đồng nhĩa với một đức tin hời hợt, một đức tin hời hợt chắc chắn sẽ chẳng có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta và như vậy chẳng bao giờ chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Chúa Giêsu. Một cảnh báo vô cùng quan trọng cho mỗi người chúng ta mỗi khi nhìn lại đức tin của chúng ta.

 

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.490-491

Xem thêm

IDOLS

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần V Phục Sinh, của Lm Minh Anh

NGẪU TƯỢNG “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. “Tội thờ …