Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh, năm B, của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Thường thường ai cũng thích mình luôn trẻ, đẹp và người ta có những kiểu chưng diện để làm đẹp. Có một vùng tên là Pa đoong ở nước Miến điện (Miama) các cô đeo nhiều vòng vào cổ, cổ dài chừng nào… đẹp chừng nấy. Có lần tôi vui miệng giới thiệu kiểu làm đẹp nầy cho vài cô thì xem ra không ai tin cả.
Một câu chuyện đơn giản như thế mà có người còn không tin huống chi là một câu chuyện động trời như việc người chết sống lại ra khỏi mồ, nói chính xác hơn chuyện Chúa Giêsu phục sinh. Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các Tông đồ cứ bán tín bán nghi mãi.
Bài Phúc âm hôm nay như muốn chứng minh một lần nữa việc Chúa Giêsu sống lại. Bài Phúc âm ghi lại trước tiên lời chứng của 2 môn đệ đi làng Emmau: ” Hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra người lúc bẻ bánh như thế nào”. Khi nhấn mạnh đến việc nhận ra Đức Giêsu khi bẻ bánh là các môn đệ nhấn mạnh đến việc nhận ra Đức Giêsu phục sinh qua một cử chỉ mà Chúa Giêsu làm trong bữa tiệc ly. Bánh được bẻ ra chia cho mọi người cũng như thân xác Người được trao hiến cho con người. Đó là cử chỉ tình yêu và người ta nhận ra nhau qua cử chỉ tình yêu đó.
Điều lý thú là Chúa Giêsu phục sinh lại “theo” hai môn đệ nầy để trở về Giêrusalem. Và cũng chính tại đây, Đức Giêsu lại hiện ra một lần nữa với hai ông và với các Tông đồ khác. Hình như có một sự nối kết giữa lời chứng của hai môn đệ và việc Chúa Giêsu hiện ra lần nầy. Chúa Giêsu hiện ra như để chứng tỏ lời chứng của hai môn đệ là thật : Chúa Giêsu Đấng đã bẻ bánh trong bữa Tiệc Ly cũng là Đấng đã thực sự phục sinh đang đứng trước mặt mọi người.
Thế nhưng việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra lại gây sợ hãi cho các Tông đồ. Lời chào bình an của Chúa Giêsu không làm cho họ hết sợ: “Mọi người bối rối tưởng mình thấy ma”. Sự bối rối đó cho thấy các Tông đồ cũng chưa hiểu rõ Kinh thánh, chưa hiểu những lời Kinh thánh nói về Đấng Messia. Sự bối rối đó cho thấy các ông hiểu Chúa Giêsu như người chết hiện về, như ma. Nói cách khác các ông cảm thấy có một sự cách biệt nào đó giữa các ông và Chúa Giêsu : các ông là người “trần mắt thịt” còn Chúa Giêsu là thuộc “thần linh”.
Chúa Giêsu cho thấy suy nghĩ đó là sai. Và Người chứng minh bằng hai cách:
Cách thứ nhất : chứng minh Người là người thật, có xác thật. Các môn đệ cho rằng Người chỉ là một thần linh, một con ma chứ không phải người thật, nên Đức Giêsu chứng tỏ cho họ thấy Người đã thực sự sống lại từ cõi chết, bằng cách bảo họ hãy nhìn xem tay chân của Người. Chúa Giêsu nói : “Chính Thầy đây”… “Hãy sờ : ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. 
Kiểu chứng minh của Chúa Giêsu xem ra cụ thể nhưng cũng cho thấy tình thương của Chúa dành cho các ông. Tâm trạng các ông đang hoang mang sợ hãi vì vị Thầy của mình đã bị giết. Hoang mang đến nổi không thể, hay không dám tin người đang đứng trước mặt mình, người đang nói chuyện với mình là chính vị Thầy mình đang mong đợi. 
Đó là tâm trạng của người đang sống trong tình trạng gần như tuyệt vọng không dám tin vào điều mình đang mong ước là sự thực. Họ cứ tưởng đang sống trong mơ vì những gì đang xảy ra vượt quá sự tưởng tượng của họ. Tương tự như một người trông đợi lâu năm một người thân, trông đợi cách vô vọng. Đột nhiên người thân xuất hiện, chắc chắn người ấy sẽ đắm chìm trong tâm trạng nửa tỉnh nửa mơ, thực thực hư hư.
Chính vì thế sau khi xem chân tay Chúa Giêsu, Phúc âm ghi nhận “họ còn chưa tin” Chúa Giêsu hỏi tiếp: “Ở đây các con có gì ăn không?” Một lần nữa việc chiến thắng sự chết được chứng minh một cách hùng hồn qua sự việc Đức Giêsu ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, và đã ăn trước mặt họ. 
Với việc ăn uống, Chúa Giêsu chuyển qua cách chứng minh thứ hai : chứng minh qua Kinh thánh. Chúa Giêsu nói : “Cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy”. Chúa Giêsu cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của những lời tiên báo trong Kinh thánh nên mặc dù dã nói với các môn đệ nhiều lần trước đó, Đức Giêsu vẫn cố gắng mở trí cho họ hiểu những điều đã được chép trong Kinh Thánh về Người nay đã được ứng nghiệm. 
Kinh thánh là lời Chúa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu luôn có thể tìm thấy lương thực nuôi sống đời sống đạo đức mình nơi Kinh thánh. Kinh thánh luôn làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh, làm chứng không những cho các Tông đồ cách nay 2000 năm nhưng còn cho chúng ta ngày nay. Ngày xưa các Tông đồ đã đọc những đoạn Kinh thánh nói về cái chết và sống lại của Đấng Messia nhưng họ chưa hiểu vì họ chưa có kinh nghiệm sống với Đấng Messia phục sinh. Chỉ khi tiếp xúc với Đức Giêsu phục sinh trong một cộng đoàn được triệu tập sau phục sinh nghĩa là không có Giuđa, thì các Tông đồ mới hiểu ngày càng rõ hơn những gì mà Thánh thần Thiên Chúa đã linh hứng từ lâu trong Kinh thánh.
Cuối cùng Chúa Giêsu trao nhiệm vụ làm chứng cho các Tông đồ, khởi đi từ Giêrusalem. Chúa Giêsu nói: “Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân” Các Tông đồ từ nay thực sự tiếp tục công việc của Chúa Giêsu. Chữ chứng nhân có gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là tử đạo. Người làm chứng nhiều khi phải hy sinh chịu chết vì đạo. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu phục sinh bằng “xương bằng thịt” ở chung quanh tôi, ở nơi những người nghèo chẳng hạn. 
Xin Chúa giúp chúng ta biết mở trí lòng ra để hiểu và tin nhận Chúa Giêsu phục sinh. Nhờ tin và sống những điều ấy mà chúng ta có thể làm chứng tình thương xót của Thiên Chúa dành cho những người biết thống hối ăn năn.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …