Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

(Cv 2, 14. 22-33; 1Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-35)

“Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”

h1_resizeTin mừng Luca 24, 13-35:

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”. Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?”. Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.

Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”.

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Suy niệm:

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại câu chuyện rất cảm động về Chúa Giêsu phục sinh và hai môn đệ trên đường Emmau nói lên sự hiện diện và vai trò của Chúa Giêsu phục sinh trong cuộc sống của các môn đệ Chúa Kitô. Cuộc hành trình về Emmau của hai môn đệ cũng là cuộc hành trình đức tin của  Kitô hữu mà cao điểm chính là việc phụng vụ cử hành Thánh Thể, Thánh lễ: “Họ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”.

  1. Cuộc hành trình đức tin của hai môn đệ Emmau với những thách đố và khó khăn. Trước cái chết của Chúa Giêsu, hai môn đệ buồn sầu, chán nản, thất vọng, bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu hy vọng biến tan thành mây khói. Các ông bỏ cuộc, trở về quê cũ Emmau. Cũng như bao người Do Thái khác, các ông luôn nghĩ về một Đấng Messia có tính cách chính trị đến để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma và thiết lập một nước Israel hùng mạnh. Nhưng thực tế thì khác, Thầy Giêsu mà các tông đồ tin tưởng, kỳ vọng đã chết trên thập giá. Đó là lý do các ông chán nản thất vọng. Nhưng Đức Giêsu phục sinh đã đồng hành với các ông trên đường đi Emmau, giải thích kinh thánh cho các ông, soi sáng lòng trí các ông hiểu về Đấng Messia, tôi tớ phải chết thay cho muôn người. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ mở ra và nhận ra Thầy mình đã chết nay vẫn sống. Niềm tin được củng cố và phục hồi. Hai môn đệ lập tức trở lại Giêrusalem tiếp tục cuộc hành trình theo Chúa và loan báo tin vui phục sinh.

Chính trong tiệc Thánh Thể, cuộc gặp gỡ trong niềm tin của các môn đệ với Chúa Giêsu Phục sinh được thực hiện, kinh thánh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Phục sinh và Đức Kitô Phục sinh được các môn đệ nhận biết trong Thánh Thể. Thánh Thể là dấu chỉ tuyệt hảo về sự hiện diện của Chúa Phục sinh giữa những kẻ thuộc về Ngài. Thánh Thể chính là chóp đỉnh và là nơi xuất phát của đời sống Kitô hữu.

  1. Hành trình đức tin của Kitô hữu hôm nay và mọi thời cũng giống như cuộc hành trình hai môn đệ trên đường Emmau, với nhiều thách đố, khó khăn, thử thách. Đôi lúc cuộc đời như chới với, lạc hướng. Đức tin chao đảo trước những lôi cuốn của thế gian: địa vị, danh vọng, của cải, bênh tật, đau khổ, nhiều lúc thất vọng mất niềm tin vào Thiên Chúa… Nhưng dù cuộc đời có ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, thì chúng ta không cô độc trong cuộc hành trình. Đức Giêsu Kitô phục sinh luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi nẻo đường đời, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn để trung thành trong niềm tin. Một khi cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, tiếp xúc với Đức Kitô phục sinh… chúng ta sẽ tìm lại niềm hy vọng và lẽ sống cho cuộc đời.
  2. Thánh lễ là một cuộc hành trình Emmau. Người ta dễ dàng nhận thấy trình thuật của Luca về chuyện hai môn đệ đi Emmau được cấu trúc như tiến trình của thánh lễ gồm hai phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

Ngày Chúa nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ để họp mừng Mầu nhiệm Chúa phục sinh. Truyền thống của Giáo hội từ xưa đến nay đều mừng Chúa phục sinh trong ngày Chúa nhật. Mỗi khi cử hành thánh lễ chính là lúc chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh một cách sống động.

Thật ý nghĩa và cao đẹp, mỗi tuần chúng ta họp nhau vào ngày Chúa nhật để dâng lên Chúa bao vui buồn, sướng khổ của cuộc đời, để gặp gỡ Đức Giêsu Kitô phục sinh qua lời Người và qua Thánh Thể của Người, đồng thời gặp gỡ nhau để ca tụng, cảm tạ Thiên Chúa… Đó là cuộc sum họp của đại gia đình xứ đạo, của toàn thể Giáo hội. Theo Công đồng Vaticanô II, Thánh lễ là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo hội và đời sống Kitô hữu.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội nhắc chúng ta Đức Giêsu Kitô phục sinh luôn đồng hành cùng chúng ta và hiện diện trong lời của Ngài và Thánh Thể. Giáo hội kêu gọi chúng ta thực hành lời Chúa và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc siêng năng tham dự thánh lễ, nhất là ngày Chúa nhật. Đối với Kitô hữu, Thánh kinh và Thánh lễ là nơi gặp gỡ Đức Kitô phục sinh.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

NHỮNG “KẺ XẤU” TỐT LÀNH

NHỮNG “KẺ XẤU” TỐT LÀNH

Người ta có người xấu và người tốt. Vi khuẩn cũng vậy. Vi khuẩn nào …