Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh , của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh , của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 3C PS

MẺ LƯỚI ĐẦY CÁ

(Ga 21,1-14)

5-4-2019 9-31-17 AMHôm nay Giáo Hội cho chúng ta nhìn lại phép lạ “Mẻ Lưới Đầy Cá” tại biển hồ Galilê. Chúng ta không thể nắm trọn vẹn ý nghĩa phép lạ “Mẻ Lưới Đầy Cá”, nếu chúng ta không đi vào bầu khí của ngày đầu Phục Sinh khi Chúa hiện ra và ra lệnh cho các môn đệ: “…Người đã trỗi dậy từ cõi chết và người đi Galilê trước các ông, ở đó các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,7). Một câu hỏi đặt ra là “tại sao Chúa lại hẹn gặp các môn đệ tại Galilê mà lại không ở một nơi nào khác? Cũng như “tại sao Mẻ Lưới Đầy Cá lại xảy ra ở biển hồ Galilê mà lại không ở một nơi nào khác?” Đây chính là chìa khóa để chúng ta đi vào phép lạ “Mẻ Lưới Đầy Cá.”

1.GALILÊ, ĐIỂM HẸN CỦA CHÚA GIÊSU
Chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa để hiểu mầu nhiệm Vượt Qua. Một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Ngôi mộ này ngôi mộ của ông Giuse, một môn đệ âm thầm của Đức Giêsu. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mồ. Xác Đức Giêsu nằm trong mộ, tối tăm, như hạt lúa ủ trong lòng đất.

Một đêm thật u buồn, thật ảm đạm! Ba phụ nữ chỉ mong cho chóng sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được, chỉ nghĩ đến ngôi mộ, với xác của Thầy nằm đó. Và khi lóe lên những tia nắng đầu tiên của mặt trời, thì cả ba đã sẵn sàng ra thăm mộ, với dầu thơm vừa mua được để ướp xác.
Khi đi đường, họ chỉ có một nỗi bận tâm: “Ai sẽ lăn tảng đá ra cho chúng ta?” Tảng đá to lớn, thật là một trở ngại… Nhưng lạ thay, khi đến nơi, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra một bên, và xác của Thầy cũng không còn ở đó nữa. Sứ thần Chúa loan báo Tin Vui: Đấng Bị Đóng Đinh đã chỗi dậy, Ngài hẹn gặp các môn đệ tại Galilê.
Tại sao Chúa lại hẹn gặp các môn đệ tại Galilê mà lại không ở một nơi nào khác?
Vậy việc hẹn gặp ở Galilê mang ý nghĩa gì?
Và đâu là lý do để Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Galilê?
Câu trả lời vẫn là: Galilê là quê hương của các môn đệ.
Mọi sự đều bắt đầu ở đó. Một ngày kia, Đức Giêsu đã đến với họ. Ngài bắt gặp họ đang hành nghề đánh cá. Họ hết sức xúc động trước cái nhìn và lời lẽ của Ngài. Họ bị đánh động  và cảm thấy như một niềm hy vọng mãnh liệt vươn dậy trong lòng, đến  nỗi họ đã không ngần ngại đi theo Ngài với niềm hăng say nhiệt tình của tuổi trẻ và với tất cả niềm hạnh phúc vì đã tìm ra Đấng mà các tiên tri loan báo, Đấng mà mọi người chờ mong.
Galilê, đó là nơi mà Đức Giêsu đã để lại dấu vết hiện diện của Ngài:
– là Cana, nơi Ngài đã hóa nước thành rượu ngon,
– là ngọn núi nơi Ngài công bố các Mối Phúc Thật,
– là những phép lạ chữa lành bệnh tật mà họ là nhân chứng với tất cả sự kinh ngạc,
– là những đám đông hứng khởi và ngày một đông đảo hơn,
– là những bữa ăn cùng nhau chia sẻ,
– là những nẻo đường rong ruổi mà các môn đệ đi theo Đức Giêsu.
Như thế, Galilê, một vùng đất đã ghi đậm kỷ niệm về tất cả những lời nói và hành động hết sức gần gũi của Đức Giêsu Nagiaret.  Chính vì vậy, biến cố Phục Sinh cần phải được nối lại với những gì xảy ra trước đó ở Galilê.
Trở lại Galilê là cách thức giúp họ tìm lại một con người rất thật và rất gần gũi của Đức Giêsu. Gặp lại như thế quả là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm mà Đức Giêsu khẳng định với họ cách long trọng về vương quyền của Ngài trước khi trở về với Chúa Cha (Mt 28,18).
Các môn đệ cần phải hiểu rằng không có sự cắt đứt giữa Đức Giêsu Lịch Sử và Đức Chúa Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết cũng chính là con người rất gần gũi, “rất người’ mà họ đã từng  kề cận, đã từng chung sống.
Được gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh ở Galilê, nghĩa là ở chính nơi mà họ đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Ngài, quả là một khoảnh khắc mang tính chất quyết định. Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục Sinh với cuộc đời trần thế của Ngài và do đó tạo nên một ký ức sống động về kinh nghiệm Tin Mừng Phục Sinh. Các môn đệ sống lại kinh nghiệm đó, nhưng lần này là trong Ánh Sáng Phục Sinh. Từ nay tâm trí họ, Đức Giêsu Lịch Sử và Đức Chúa Phục Sinh là một.
Hơn nữa, một điều chúng ta cần lưu ý ở đây là việc trở lại Galilê cũng như việc Chúa Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ xảy ra giữa hai biến cố Phục Sinh và Hiện Xuống. Vì thế, cần phải hiểu việc Chúa hiện ra tại Galilê như sự chuẩn bị cho biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu cho môn đệ thấy rằng, vinh quang Thiên Chúa mà Ngài vừa bước vào cũng chính là ánh vinh quang của đức ái thần linh đã dẫn dắt Ngài suốt trên con đường trần thế và đưa Ngài đến chỗ trao hiến chính mạng sống mình. Sự trao hiến này mạnh hơn cả sự chết và đó cũng chính là sự sống mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.
Như vậy việc trở lại Galilê mang chiều kích của một kinh nghiệm thiêng liêng, chứ không phải chỉ là sự trở về một nơi chốn theo nghĩa địa lý. Đó thực sự là một cuộc khám phá, dưới ánh sáng của ChúaThánh Thần. Dưới ánn sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ cũng như chúng ta khám phá ra nơi nhân tính của Đức Kitô Lịch Sử, một tình yêu siêu việt đã hiến ban cho chúng ta cách nhưng không. Khi đón nhận tình yêu này, chúng ta thông hiệp vào sự sống viên mãn. Một sự sống vừa nâng cao và tái tạo chúng ta từ nơi thâm sâu của con người, vừa dẫn đưa chúng ta vào một thế giới rộng lớn bao la. Một kinh nghiệm như thế cho chúng ta thấy rằng mình được nâng đỡ, được bao bọc bởi một tình yêu, một tình yêu chỉ mong muốn thông ban sự sống, thông ban sự thánh thiện, thông ban niềm vui và vinh quang của Thiên Chúa cho chúng ta.

2.MẺ LƯỚI ĐẦY CÁ

Không có trang Tin Mừng nào giúp chúng ta hiểu về ý nghĩa của cuộc hẹn tại Galilê hơn là trình thuật về việc Chúa hiện ra bên bờ hồ trong Tin Mừng Gioan. Một trình thuật  thật sống động, cho chúng ta thấy cách đơn giản và sâu sắc cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Ngài.

Các môn đệ bấy giờ đã trở về Galilê. Họ gặp lại khung cảnh của mình, thậm chí trở về với nghề đánh cá. Phêrô đi bước đầu làm gương: “Tôi đi đánh cá đây”. Và những người khác cũng bắt chước theo: “Chúng tôi cùng đi với anh”.

Mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm ấy họ không bắt được con cá nào (Gn 21,3).

Trở về lúc sáng sớm, từ trên thuyền họ thấy một người đứng trên bờ. Người đó có vẻ như đang chờ đợi họ.

Quả vậy, khi khoảng cách đủ gần để nghe, người đó nói với họ: “Này các con, không có gì ăn ư?”Các ông trả lời: “Thưa không”. Người đó lại nói: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá” (Gn 21,4-6). Bấy giờ người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nói với Phêrô: “Chúa đó”. Gioan đã nhận ra Ngài. Ngay lập tức Phêrô nhảy ngay xuống biển và bơi vào gặp Thầy. Khoảng cách chỉ gần một trăm thước. Các môn đệ khác chèo thuyền vào sau, kéo theo lưới đầy cá.

Khi đã lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn bếp hồng với cá đặt trên, và có cả bánh nữa.

Đức Giêsu bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây”. Rồi Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn.” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?” Vì các ông biết đó là Chúa (Gn 21,7-13).

“Chúa đó!” Quả thật, đúng là Ngài. Các môn đệ gặp lại đúng con người ngày xưa khi Ngài lần đầu tiên đến với họ bên bờ hồ. Bây giờ lại một lần nữa Ngài đến bên họ, vẫn gần gũi và thân mật như thuở ban đầu.

Sự tỏ hiện của Đấng Phục Sinh với các môn đệ bên bờ hồ Galilê không có gì là kinh dị hoặc gây choáng ngợp. Ngài đến với họ không hào quang rực rỡ, chỉ như một con người rất ư đơn giản. Lời Ngài nói cũng thế, rất thân tình: ‘Này các con, không có gì ăn ư?” Hay lời mời: “Anh em đến mà ăn”. Ngay cả mẻ cá lạ lùng vẫn có cái gì đó quen thuộc đối với các môn đệ, bởi nó gợi nhớ lại thuở ban đầu của sứ vụ ở Galilê cũng như nhắc lại dấu ấn của Thầy: một vị Thầy quan tâm đến nghề nghiệp của họ và tỏ ra gần gũi với họ.

Chính vì thế mà tâm trí họ có thể nối kết cách rất tự nhiên Đấng Phục Sinh với vị Thầy mà họ đã từng biết : Đức Giêsu Nagiaret.[1]

Được gặp gỡ Đấng Phục Sinh ở Galilê, nghĩa là ở chính nơi mà họ đã biết đến, đã ngưỡng mộ và yêu mến Người, quả thực là một khoảnh khắc mang tính chất quyết định.

Cuộc gặp gỡ đã nối kết vinh quang của Đấng Phục Sinh với cuộc đời trần thế của Người và do đó tạo nên một ký ức sống động về kinh nghiệm Tin Mừng. Các môn đệ sống lại kinh nghiệm đó, nhưng lần này là trong ánh sáng Phục Sinh. Từ nay trong tâm trí họ, Đức Giêsu Nagiaret và Đấng Phục Sinh là một.

3.BIỂN HỒ GALILÊ VỚI CHÚNG TA HÔM NAY

Chính tại Biển Hồ năm xưa các môn đệ đã nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh. Hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh cũng vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta. Nhưng trên Biển Hồ cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Dòng đời thường có những khúc quanh bất ngờ. Có những lúc chúng ta phải đối diện với những vất vả, lên ghềnh xuống thác. Có những lúc niềm tin bị chao đảo trước những thử thách của cuộc sống. Có những lúc chúng ta hoảng hốt không nhận ra đâu là bến bờ. Những lúc đó không dễ gì chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng chính lúc đó lại là lúc Đức Kitô Phục Sinh đang âm thầm vẫy gọi chúng ta.

Rồi khi chúng ta bị chán nản và thất vọng. Khi chúng ta đã cố gắng hết sức. Cố gắng bằng tất cả những khả năng tự nhiên cũng như siêu nhiên. Cố gắng hết sức bằng những nỗ lực tinh thần cũng như thể xác. Nhưng chúng ta  vẫn gặp những thất bại này rồi đến những thất bại khác. Chúng ta như bị chìm ngập trong tủi nhục. Chúng ta thất vọng. Chúng ta cô đơn. Chúng ta muốn buông xuôi. Chúng ta muốn bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy lại là lúc chúng ta phải nhìn vào các môn đệ trên Biển Hồ. Hãy tin tưởng và thả lưới. Và một mẻ lưới đầy cá sẽ đến với chúng ta. Amen

LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Eloi Leclerc, Gặp gỡ Đức kitô Phục Sinh tại Galilê, Anh em Đàlạt, nxb Phương Đông, 2009, trg.15

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …