Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Từ người bỏ cuộc trở nên Sứ giả Tin Mừng

(Lc 24, 35 – 48)

Tin Mừng Chúa nhật III Phục sinh tập trung vào hai môn đệ rời Giêrusalem mang theo sự buồn sầu thất vọng về làng Emmaus. Quả thật, chính tại Giêrusalem hai ông đã chứng kiến các biến cố dẫn đến cái chết của Chúa Kitô như lời hai ông kể cho vị khách (Không Hay Biết) : “Có một người tên là Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi” (Lc 24, 19 – 21). Đúng là mấy phụ nữ rằng thuật lại rằng Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đó là một tin lạ lùng không thể tin được, các bà chẳng những không củng cố được lòng tin cho các ông mà còn làm các ông “khiếp sợ” (x. Lc 24, 22), sợ đến nỗi bỏ cuộc, rời Giêrusalem, nơi mà “giấc mơ” của họ bị vỡ tan vì Thập Giá.

Và dĩ nhiên, dưới dáng dấp của người đồng hành, Chúa Giêsu đã hiện ra cùng đi với họ. Trên đường, với hai ông, Chúa chỉ là Vị Khách lạ, “người không hay biết“. Nhưng chính “người không hay biết” ấy đã làm cho các ông vơi đi nỗi buồn. Sự thất vọng mà họ có không cho phép họ tin rằng Thập Giá của Chúa Kitô là chìa khóa để mở cửa bước vào nhà Cha.

Với sự thẳng thắn và yêu thương, “người không hay biết” than : “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người” (Lc 24, 25-27).

Vị Khách đã mở lòng mở trí cho hai ông, hai ông lắng nghe và cảm thấy có một sức thu hút ngoại thường khiến các ông cất lơi : “Mời ông ở lại với chúng tôi, lý do vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” ( Lc 24, 29 ). Với lời mời thịnh tình ấy, Chúa Giêsu đáp lại bằng một cử chỉ chia sẻ khi đồng bàn với họ : “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông” (Lc 24, 30). Cử chỉ Thánh Thể này giúp cho “hai kẻ bỏ cuộc” nhận ra Chúa.

Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào” (Lc 24, 13-35). Câu này kết thúc trình thuật kinh nghiệm phục sinh của hai môn đên trên đường Emmaus, tổng hợp cách kỳ diệu ý nghĩa về sự hiện hữu Kitô của người môn đệ Chúa Kitô. Đâu là tính mới lạ của Kitô giáo nếu không phải là sống cái chuẩn mực của đời sống, với niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng? Cuộc hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống của họ cũng như chúng ta : “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” (Lc 24, 32)

Trên con đường đến Emmaus, chúng ta có thể nhận ra con đường đức tin của chính mình, thay vì quán trọ, thì có Giáo Hội. Thánh Lễ cung cấp cho chúng ta Lời Chúa và Thánh Thể, những yếu tố không thể thiếu cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Nếu chúng ta ra khỏi nhà với những khó khăn, lo toan, với tinh thần của hai môn đệ làng Emmaus, chúng ta hay đến nhà thờ, ít là Chúa nhật, nơi Thiên Chúa ở với chúng ta, nơi mà Lời Chúa được giải thích ban cho chúng ta sự an ủi, Bánh Hằng Sống được trao ban để phục hồi, chữa lành, chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Con đường của hai môn đệ của Emmaus là con đường của tất cả chúng ta. Nếu trên đường đi, lòng chúng ta không còn bị khép kín vì buồn bã, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh trong Ngôi Lời làm cho lòng chúng ta nóng lên, và trong Bánh Thánh làm cho mắt chúng ta sáng lên. Trong Lời Chúa và Thánh Thể, chính chúng ta đang đi từ cõi chết đến cõi sống và chúng ta nhận ra sự thật về điều mà các nhân chứng đầu tiên đã truyền cho chúng ta: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại vì chúng ta cũng đã gặp Người. Chúng ta được sống lại với cuộc sống mới trong tình yêu.

Chúa Kitô loan báo Tin Mừng về sự sống lại của Người cho chúng ta trên đường đi, như các môn đệ. Người nói với chúng ta về câu chuyện tình của Thiên Chúa với dân Ngài, Người nhắc nhở chúng ta về sự trung tín không ngừng của Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước đời đời với chúng ta. Chúa Kitô nói với chúng ta và mở lòng chúng ta hiểu Kinh Thánh. Như thế, Người mạc khải cho chúng ta sự sâu thẳm của Trái Tim đầy yêu thương, Người “phải” chịu đau phiền và phải chết. Người không thể làm gì khác ngoài yêu chúng ta cách tuyệt đối và vô hạn vượt qua mọi rào cản của cái chết và thân xác.

Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống, khiến họ đang là kẻ bỏ cuộc trở nên người loan báo Tin Mừng về Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về “làng Emmaus“, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, ngõ hầu trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG