CN 3B MV
Gioan Tẩy Giả
(Ga 1,6-8,19-28)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Thông điệp của Gioan vừa đe dọa vừa hứa hẹn
Cả đoạn đầy hình ảnh sống động. Gioan gọi Biệt Phái và Sađốc là loài rắn lục. Sa mạc là nơi đầy cỏ khô, thưa thớt, với những bụi gai còi cọt vì thiếu chất ẩm. Thỉnh thoảng bỗng chốc cháy, ngọn lửa cứ ngoằn ngoèo như dòng sông và lửa đến đâu, rắn rết, chuột bọ tháo chạy đến đó. Về đồng bằng cũng có những hình ảnh khác: chuột đồng, chuột nhắt, thỏ, chim… khi người gặt hái đến đâu, những thú vật trên bị động, chạy bay tán loạn. Biệt Phái, Sađốc chẳng khác những thú vật trên. Gioan cảnh cáo họ ‘là con cháu Abraham chẳng ích lợi gì…’ vì người Do Thái tin Abraham là tổ phụ duy nhất của họ. Họ nói Abraham lập công đủ để cứu mình và còn đủ để bảo đảm cho con cháu. Vì thế, người Do Thái tin rằng chỉ là con cháu Abraham đã đủ được cứu rỗi. Họ nói ‘mọi người Ítraen đều có phần trong thế giới sẽ đến’, ‘Abraham ngồi tại cửa hỏa ngục để cứu những con cháu chẳng may bị dẫn đưa tới đó’, ‘nhờ công lênh của Abraham, thuyền bè được an toàn khi mưa trời rơi xuống; nhờ Abraham, Môsê được lên trời nhận lãnh Luật, nhờ Abraham, Đavít được lắng nghe’, cả những người xấu, công lênh của Abraham cũng đủ cứu họ. Chính tinh thần như vậy mà Gioan tố cáo. Đoạn Gioan trở lại hình ảnh mùa màng: thợ gặt lựa lọc những thóc lúa tốt, xấu để tích trữ hay đốt đi… nhưng sau khi tố cáo, thông điệp của Gioan đưa ra lời hứa cũng như đe dọa. Giữa lúc Gioan được nổi danh, có ảnh hưởng mạnh, mà ông lại nói có Đấng đến sau, trọng hơn ông, ông không xứng đáng xách dép cho Người. Gioan hoàn toàn từ bỏ mình, hân hoan được làm dấu chỉ dẫn người ta đến với Đấng sẽ đến. Đấng ấy sẽ rửa trong Thần khí và lửa.
Suốt dòng lịch sử, người Do Thái vẫn trông đợi Thần Khí sẽ đến (Êd 36,26-27; 37,14; 39,29; Is 44,3; Joel 2,28). Thần Khí là ai và làm gì? Người Do Thái không quan niệm về Thần Khí như chúng ta ngày nay, Gioan bảo, theo người Do Thái, Thần Khí có những đặc tính và nhiệm vụ:
1.Thần khí
Thần Khí, tiếng Do Thái là ruach; và ruach, cũng như pneuma, Hy Lạp, không những có nghĩa là Thần Khí mà còn có nghĩa là hơi thở. Hơi thở là sự sống, nên hứa Thần Khí là hứa sự sống. Thần Khí Thiên Chúa ban hơi thở sự sống Thiên Chúa cho con người. Khi Thần Khí Thiên Chúa ngự vào lòng ta, cuộc đời mệt nhọc, không men, không nghị lực sẽ biến mất.
2.Danh từ ruach còn có nghĩa là gió
Danh từ ruach cũng không có nghĩa hơi thở mà thôi, mà còn có nghĩa là gió. Đó là gió bão, gió ào ạt Êlia đã một lần gặp. Gió có nghĩa là sức mạnh. Gió lốc làm đắm tầu, trốc rễ cây. Gió mạnh không gì chống lại. Thần Khí Thiên Chúa là Thần khí sức mạnh. Khi Thần Khí Thiên Chúa ngự vào lòng người, con người trở nên có sức mạnh của Thiên Chúa. Ngã lòng thất vọng biến mất, chiến thắng chắc chắn đạt được.
3.Thần Khí Thiên Chúa được liên kết với công cuộc tạo dựng
Cũng như xưa, Thần Khí phá tan hỗn mang, đem lại trật tự, sáng sủa. Thần Khí Thiên Chúa có thể tái tạo ta. Khi Thần Khí Thiên Chúa ngự vào lòng ta, bản tính tháo thứ con người trở nên trật tự, đời sống vô cương thành ra hòa hợp trong Thiên Chúa.
4.Thần Khí có hai nhiệm vụ:
4.1.Đem sự thật của Thiên Chúa xuống cho con người
Mỗi khám phá mới trong lãnh vực tư tưởng đều là quà tặng của Thần Khí. Khi có Thần Khí, con người không còn phỏng đoán mà chắc chắn, không còn dốt nát mà hiểu biết thần thiêng.
4.2.Cho con người khả năng nhận biết sự thật của Thiên Chúa
Khi có Thần Khí, mắt ta mở ra, ý riêng làm mù tối bị lột mất. Đó là những quà tặng của Thần Khí. Và như Gioan thấy, đó là những quà tặng Đấng phải đến, sẽ đem lại.
5.Phép Rửa bằng lửa có ba ý tưởng
Một danh từ và một hình ảnh Gioan dùng có ý nghĩa đó là lời hứa và răn đe, đó là Phép Rửa bằng lửa. Gioan nói Phép Rửa của đấng phải đến sẽ bằng lửa. Phép Rửa bằng lửa có ba ý tưởng:
5.1.Lửa soi sáng
Ngọn lửa phát ra những tia sáng soi trong đêm tối. Ánh sáng ngọn hải đăng chỉ cho thủy thủ và khách đến bến. Lửa soi sáng và hướng dẫn. Chúa Giêsu là hải đăng dẫn con người đến sự thật và về với Thiên Chúa.
5.2.Lửa sưởi ấm
Người vĩ đại và nhân ái được gọi là người sưởi ấm trong phòng lạnh. Khi vào lòng ta, Chúa Giêsu sưởi ấm lòng ta bằng tình yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu ngưòi. Kitô giáo luôn luôn là tôn giáo sưởi ấm lòng người.
5.3.Lửa tẩy luyện
Tẩy luyện gồm ý hủy diệt. Lửa tẩy luyện sẽ đốt cháy những giả dối và để lại những tinh ròng. Khi Chúa Giêsu ngự vào lòng, những dỉ ghét bị đốt đi. Đôi khi việc tẩy luyện xảy ra qua những kinh nghiệm đau đớn. Nhưng nếu tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ khiến mọi sự nên tốt, con người sẽ vươn lên sạch sẽ tinh tuyền để có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Cũng còn hình ảnh nữa là lời hứa và đe dọa, đó là sự sàng lọc. Với quạt thổi gió, vỏ trấu bay đi để hạt thóc hạt gạo rơi xuống. Thóc gạo được thu vào kho lẫm, còn trấu dùng để đốt. Chúa Kitô đến đâu, đấy có chia rẽ phân ly. Người ta hoặc chấp nhận hay chối từ Người. Trực diện với Chúa Giêsu là trực diện với sự lựa chọn, chấp nhận hay từ chối Người, không có đường nào khác. Và chính sự lựa chọn đó cho ta đời đời hạnh phúc, hay đời đời bất hạnh. Tại thôn làng Bedford, Gioan Bunyan bất thần nghe lời nhắc ông về vĩnh cửu ‘hoặc ngươi bỏ đường tội lỗi để lên trời, hoặc cứ tội lỗi để rồi xuống hỏa ngục’. Sau cùng, đây là sự lựa chọn không ai có thể tránh.[1]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên giòng sông Giođan, dân chúng rất phấn khởi. Gioan bắt đầu sứ mạng của ông tại một địa điểm không xa Biển Chết. Đó là tụ điểm của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến. Đó là một nơi tuyệt hảo để mọi người gặp gỡ nhau và trao đổi những tin tức thế giới. Vì thế đó là một nơi lý tưởng để Gioan Tẩy Giã bắt đầu rao giảng và làm Phép Rửa. Sứ điệp Gioan rất đơn giản và rõ ràng: “hãy từ bỏ tội lỗi … hãy dọn đường cho Chúa đến, hãy làm một lối thật thẳng để Người đi” (Lc. 3, 3-4)
Chẳng mấy chốc, tin tức về hoạt động của Gioan Tẩy Giả đã đến tai những nhà lãnh tôn giáo ở Giêrusalem. Vì thế họ cử một phái đoàn gồm các tư tế và các thầy Lêvi đến gặp Gioan để biết rõ ông là ai?
Anh chị em thân mến
Dân Do Thái đã trông chờ, cho đến ngày nay vẫn đang trông chờ Đấng Mêsia. Dân Do Thái tin rằng họ là dân được tuyển chọn. Họ tin tưởng Thiên Chúa sẽ can thiệp để giải cứu dân Ngài.
Họ trông mong Đấng Mêsia sẽ đem đến hòa bình cho cả thế giới, chính vì thế họ mong đợi một vị tướng lãnh vô địch, sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do Thái đi chinh phục cả thế giới để đem hòa bình cho mọi dân tộc.
Họ tưởng Gioan là Đấng Messia, nhưng ông trả lời: “tôi không phải là Đấng Kitô”
Họ lại hỏi ông có phải là Êlia không? Dân Do Thái tin rằng, trước khi Đấng Mêsia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước, và chuẩn bị cho thế gian tiếp đón Ngài. Đặc biệt Êlia đến để dàn xếp mọi bất hòa; ông sẽ định những gì, những ai là thanh sạch hay không thanh sạch. Ông sẽ phân chia đâu là người Do Thái, đâu là người ngoại; ông sẽ đem lại đoàn kết, hòa thuận cho các gia đình từng xa lạ với nhau. Họ tin tưởng điều đó đến nỗi luật xưa của dân Do Thái ghi rằng số tiền bạc và của cải đang tranh chấp, hoặc bất cứ tài sản nào bị xem là vô chủ đều phải “chờ cho đến chừng nào Êlia đến”.
Nhưng Gioan Tẩy Giả đã phủ nhận vinh dự đó.
Vậy ông là ai?
“Tôi chẳng là ai cả, tôi chỉ là tiếng kêu gọi các ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng đợi nhà vua đến”.
Vậy ông lấy quyền gì mà làm Phép Rửa?
Ông trả lời: “về phần tôi, tôi làm Phép Rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết, ta chẳng đáng cởi dây giày cho Ngài”.
Một ngạn ngữ của các rabbi bảo rằng môn đệ có thể làm cho thầy mình bất cứ việc gì, ngoại trừ việc “cởi dây giày”. Việc đó quá hèn hạ ngay cả đối với một đầy tớ. Dù vậy, Gioan Tẩy Giả muốn nói rằng: “với Đấng đang đến thì cả việc cởi dây giày cho Ngài tôi cũng không xứng đáng”.
Gioan Tẩy Giả là con người “khiêm tốn xóa bỏ đời mình trước Đấng ông loan báo”.
Gioan Tẩy Giả, đó là chứng nhân đúng nghĩa nhất. Ông chỉ hiện diện nhằm quy chiếu về một Đấng khác. Ông từ chối tước hiệu Kitô (Ga 1,20). Ông mong ước được “biến đi” để Người “lớn lên” (Ga 3,30). Ông không phải là ánh Sáng, nhưng chỉ là một cây đèn nhỏ đốt sáng trong đêm tối (Ga 5,35). Ông chỉ là bạn hữu của chàng rể, đứng xa xa, bị xóa mờ (Ga 3,29). Ông đã hết sức hoàn tất “tác vụ” của mình, bằng cách tự đình chỉ công việc của mình để làm lợi ích cho Đức Giêsu, bằng cách chuyển giao các môn đệ của mình cho Đức Giêsu” (Ga 1,35-39). Cuối cùng ông đã chết trước khi thấy vinh quang của Đấng Phục Sinh.
Chức vụ của Gioan Tẩy Giả là vai trò của người dọn đường. Bất cứ sự cao trọng nào ông có được cũng đều đến từ sự cao trọng của Đấng mà ông loan báo. Ông là tấm gương lớn về con người sẵn sàng xóa mình đi để người ta chỉ nhìn thấy Chúa Cứu Thế. Ông nhận thấy mình là ngón tay chỉ cho thiên hạ thấy Chúa Cứu Thế. Ngay cả khi thấy đám đông bỏ ngài để theo Chúa Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ của mình đã hoàn tất: Chúa phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Jn 3,30). Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg. 107-109