Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm A, của Trầm Thiên Thu

THẮC MẮC

thac-macFranklin Patrick Herbert (1920-1986, văn sĩ, ký giả, nhiếp ảnh gia, nhà phê bình và giảng viên người Mỹ) phân tích: “Người sáng suốt, khi không hiểu thì họ nói: ‘Tôi không hiểu’. Còn kẻ khờ không biết xấu hổ về sự ngu dốt của mình”. Người sáng suốt là người khôn ngoan, họ biết giới hạn của mình nên không dám khoác lác, cái gì biết thì nói, cái gì không biết thì nói không biết. Ngược lại, kẻ khờ dại lại cứ tưởng mình khôn, luôn ra vẻ “ta đây”, luôn tự ái vì sợ người ta thấy cái dốt của mình.

Biết thắc mắc là cửa ngõ dẫn vào cõi khôn ngoan, tới vùng hiểu biết. Tuy nhiên, muốn thắc mắc cũng phải biết cách thắc mắc, nếu không sẽ hóa ngớ ngẩn hoặc dớ dẩn (từ này có nghĩa “nặng nề” hơn vớ vẩn). Thật vậy, Thomas Fuller (1608-1661, giáo sĩ Anh giáo và sử gia người Anh) nói: “Không phải câu hỏi nào cũng xứng đáng có câu trả lời”. Cũng có những câu hỏi Chúa Giêsu đã không trả lời.

Hôm nay, Tin Mừng cho biết rằng ông Gioan Tẩy Giả đã thắc mắc về Đấng Cứu Thế nên ông sai đệ tử đến hỏi Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu không nói đúng hay sai. Ông Gioan là anh em họ với Đức Giêsu mà vẫn thắc mắc, có lẽ không phải là ông chưa tin người anh em họ với mình là Đấng Cứu Thế, mà ông muốn cho đám đệ tử biết về Đức Giêsu là Đấng Kitô. Nhưng phong cách của Chúa Giêsu luôn khác người, giống như kiểu nói của người Việt: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”.

Chúa Nhật III Mùa Vọng là Chúa Nhật Hồng, mệnh danh là Chúa Nhật Vui (Gaudete) – Chúa Nhật IV Mùa Chay cũng là Chúa Nhật Hồng, nhưng mệnh danh là Chúa Nhật Mừng (Lætare). Hơn nữa, trình thuật Kinh Thánh hôm nay – sách Isaia (Is 35:1-6a. 10) – mời gọi mọi người hân hoan: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò”.

Có nhiều lý do để người ta vui sướng, đặc biệt là trong thời gian gần dịp Lễ Giáng Sinh, nhưng lý do mà ngôn sứ Isaia đưa ra cụ thể và rất đời thường: “Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta. Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng”.

Lý do cụ thể hơn là về tinh thần, ngôn sứ Isaia khuyên chúng ta hãy mạnh dạn nói với những kẻ nhát gan điều này: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Nghe thì nghe vậy, rất “đã” cái lỗ tai, nhưng quả thật lại rất khó. Cuộc sống cho chúng ta thấy rõ: có nhiều người “mạnh miệng”, nói đâu ra đó, nhưng rồi rất có thể họ lại là những kẻ co cẳng chạy trước người khác, khi phải đối diện với sự thật – nhất là liên quan vấn đề công lý.

Kẻ nhút nhát thì thường mạnh miệng, khoác lác, muốn chứng tỏ mình là “anh hùng”. Nhưng rồi cũng chỉ là “anh hùng rơm”. Thuyết giảng hoặc viết lách thì chưa đến nỗi khó, nhưng hành động thì khó lắm. Nói và viết mà không làm thì nên im lặng thì tốt hơn, kẻo “họa vô đơn chí”, vì Thiên Chúa không nói đùa mà rất nghiêm túc, thẳng thắn. Nói hay, viết giỏi để làm gì? Nếu không sống theo đó thì chỉ khốn nạn thêm chứ chẳng lợi ích gì!

Chúa Giêsu đến thế gian là để làm chứng cho sự thật (Ga 18:37), ai dám bảo vệ sự thật thì sẽ được Thiên Chúa xót thương và cứu độ. Đó là niềm vui quá lớn: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất”. Cười và khóc cũng có cái giá nhất định, như một hệ lụy tất yếu vậy!

Quả thật, Thiên Chúa thẳng thắn hơn chúng ta tưởng, vì Ngài là ĐẤNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC (Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5), và Ngài KHÔNG THIÊN VỊ bất cứ ai (Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9). Cách làm việc của Thiên Chúa được tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Thiên Chúa xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7-9).

Người ta thường ví von: “Lưới trời lồng lộng”. Phàm nhân mà còn nói được như vậy thì chắc chắn không ai thoát khỏi Thiên Chúa. Ngài thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) và nắm giữ mọi quyền hành: “Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Sion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời” (Tv 146:10).

Thiên Chúa Ngôi Hai là TRUNG GIAN giao ước mới (Dt 12:24). Ngài đến thế gian để bênh vực những kẻ thấp cổ, bé miệng. Họ kêu mà không ai thèm nghe. Thiên Chúa rất coi trọng họ, vì người nghèo là tài sản của Giáo Hội. Ngôn sứ Isaia cho biết: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó” (Is 61:1; x. Lc 4:12). Đó là hình ảnh về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.

Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về ngày Chúa quang lâm, tức là ngày tận thế. Đây cũng là vấn đề khiến người ta thắc mắc nhiều nhất từ xưa tới nay. Nhưng hãy nhớ rằng không ai có thể biết trước “ngày ấy”, kể cả Chúa Giêsu, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi (Mt 24:36; Mc 13:32). Không thể biết thì đừng thắc mắc làm chi!

Thánh Giacôbê nhắn nhủ chúng ta về việc mong chờ: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5:7-8). Ai cũng có cách mong chờ đặc trưng theo công việc của mình, mỗi lĩnh vực trong cuộc sống đều có kiểu mong chờ riêng.

Khi mong chờ, người ta nôn nóng nên dễ nổi nóng. Về tâm linh cũng tương tự. Thánh Giacôbê khuyên: “Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Gc 5:9-10). Trách cứ lẫn nhau xem chừng là chuyện nhỏ nhặt, nhưng Thánh Giacôbê cho biết rằng không phải như chúng ta nghĩ, nghĩa là có ảnh hưởng xấu tới nhiều thứ khác.

Thật đúng như vậy, bởi vì tiền nhân cũng đã xác định: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”. Thánh Phêrô cũng phân tích tỉ mỉ về cách mong chờ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1 Pr 5:8-9).

Tin Mừng của Chúa Nhật Vui, theo chu kỳ Phụng Vụ năm A, là trình thuật Mt 11:2-11. Trình thuật này đề cập thắc mắc của ông Gioan Tẩy Giả về Đấng Cứu Thế.

Dù đang ở trong chốn lao tù, ông Gioan cũng vẫn nghe biết những việc Đức Kitô làm, ông sai môn đệ đến hỏi xem Ngài có thật là Đấng phải đến hay còn phải đợi Đấng nào khác. Đức Giêsu không trả lời bằng cách nói xác định, mà Ngài nói họ cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Đặc biệt Ngài cho biết một mối phúc khác: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.

Sau khi các đệ tử của ông Gioan đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu đặt vấn đề với đám đông về ông Gioan: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng?”. Một loạt câu hỏi được Chúa Giêsu đặt ra, cách nói cũng rất lạ.

Chắc chắn chẳng ai có thể trả lời, Ngài biết rõ như vậy, và Ngài cũng biết người ta đang thắc mắc về ông Gioan vì ông là một người khác thường, đến nỗi người ta đã tưởng ông là Đấng Cứu Thế mà Kinh Thánh đã đề cập. Chúa Giêsu nói cho họ biết luôn về “dị nhân” Gioan: “Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời mà lại còn lớn hơn ông Gioan. Lạ thật đấy. Nhưng đó là sự thật. Người ta thích làm lớn mà lại không muốn làm nhỏ. Cũng lạ thật đấy. Cái tôi của con người nhiêu khê quá!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết hóa mình ra không giữa cuộc đời này, không thắc mắc hoặc đòi hỏi gì về số phận của con hôm nay, nhưng con muốn mãi mãi có Ngài là gia nghiệp. Chỉ thế thôi, lạy Thiên Chúa! Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN