Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 3A MV

Hãy Ăn Năn Sám Hối

(Mt 11,2-11)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Gioan Tẩy Giả (Ga 1,6.8.19-28)

Thông điệp của Gioan là một đòi hỏi căn bản, đó là ‘hãy sám hối’ (Mt 3,2). Chính Chúa Giêsu cũng đòi hỏi điều căn bản này ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ (Mc 1,15). Hãy xem sám hối là gì và đòi hỏi nền tảng của Vua và tiền hô của Người có nghĩa ra sao. Nên ghi chú: cả Chúa Giêsu lẫn Gioan dùng từ sám hối mà không giải thích gì. Các ngài dùng như mọi người đã hiểu. Vậy hãy xem người Do Thái hiểu về sám hối thế nào:

Ý nghĩa của sám hối. Từ sám hối thông thường được người Do Thái hay dùng, đáng chú ý. Sám Hối (teshubah), là danh từ do động từ shub, có nghĩa là quay lại, bỏ đường xấu, quay về với Thiên Chúa. G.F.Moore viết ‘ý nghĩa rõ ràng đầu tiên của sám hối là thay đổi thái độ đối với Thiên Chúa và thay đổi hạnh kiểm, sửa đổi cách sống đạo và luân lý trong xã hội cũng như cá nhân’. Moore viết tiếp ‘đối với pháp sư, cốt cán của sám hối là hoàn toàn thay đổi đầu óc, cách sống và hạnh kiểm’. Maimonides, học giả thời danh thời trung cổ, bảo sám hối là từ bỏ tội lỗi từ trong tư tưởng ý nghĩ đến quyết tâm không phạm lại, như lời nói ‘kẻ độc ác hãy bỏ đường lối, người xấu hãy bỏ dự định của mình’. Kinh Thánh nói đi nói lại hãy bỏ đường tội lỗi trở về với Thiên Chúa. ‘… Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ítraen?’(Ed 33,11); ‘… xin đưa con trở về, và con sẽ trở về…’ (Gr 31,18); ‘Hỡi Ítraen, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…’ (Hs 14,2); ‘Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc vì tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa’ (Gn 3,10). Pháp Sư nói ‘đừng như những người điên, khi họ phạm tội, họ dâng của lễ hy sinh mà không sám hối. Nếu nói ‘tôi sẽ phạm tội rồi sám hối, tôi sẽ phạm tội rồi sám hối’ người đó không thể sám hối’. ‘Nếu cầm của dơ trong tay, có rửa trong biển nước đại dương, cũng không bao giờ sạch; nhưng nếu vất của dơ đi thì ít nước cũng đủ’. ‘Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt ta. Đừng làm điều ác nữa’ (Is 1,16; xem thêm Gv 5,4-7; 34,25-26).

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Hãy Ăn Năn Sám Hối (Mt 11,2-11)Mt11211a

Dân Do Thái đã trông chờ, cho đến ngày hôm nay vẫn còn đang trông chờ Đấng Mêsia.

Họ trông mong Đấng Mêsia đến sẽ mang hòa bình cho cả thế giới, chính vì thế họ mong đợi một vị tướng lãnh vô địch, sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do Thái đi chinh phục cả thế giới để đem hòa bình cho mọi dân tộc. Chính vì thế khi Gioan xuất hiện, người Do Thái cho là Đấng Messia đã đến, nhưng Gioan trả lời: tôi không phải là Đấng Messia, tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc chuẩn bị cho Đấng Messia đến.

Vậy ông lấy quyền gì mà làm Phép Rửa?

Ông trả lời: “về phần tôi, tôi làm Phép Rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết, tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”. Quả thật Gioan đã đến Sông Giođan làm Phép Rửa và kêu gọi sám hối. Đây là điều kiện để lãnh nhận ơn Cứu Độ. Nhưng tinh thần sám hối đích thực thì luôn phải được thể hiện thành hành động, nghĩa là nó phải dẫn đến sự cải thiện, sửa chữa, chừa cải…việc sám hối và tu sửa phải được thực hiện không chỉ nơi cá nhân mà trong Giáo Hội và xã hội nữa.

– Nơi cá nhân: cá nhân nào cũng đều có những tật xấu, khuyết điểm, kiêu căng, tham lam, đố kỵ, ghen hgét, lười biếng, hèn nhát…

– Trong Giáo Hội và xã hội: Giáo Hội hay xã hội nào cũng đều có bất công, những cơ chế phát sinh bất công, những luật lệ phi lý, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ nạn… tất cả đều làm cho  con người trong tập thể đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Hiện nay, trong đời sống tâm linh, rất nhiều Kitô hữu chỉ nghĩ tới việc nên thánh cá nhân, sự cứu rỗi cá nhân, mà quên đi chiều kích Giáo Hội và xã hội của ơn Cứu Rỗi và sự nên thánh. Họ quan niệm việc nên thánh hay cứu rỗi của họ có thể thực hiện một mình, độc lập với những người chung quanh… nghĩa là họ có thể nên thánh, được cứu rỗi mà không cần nghĩ gì đến xã hội và Giáo Hội, bất chấp đến những bất công, trì trệ hay những thành quả tốt đẹp của Giáo Hội và xã hội. Họ cho rằng họ có thể nên thánh và được cứu rỗi mà không cần nghĩ đến những người chung quanh xem họ có nhu cầu gì, đau khổ hay hạnh phúc ra sao. Thiết tưởng tinh thần cốt yếu của Kitô giáo là tình yêu, một tình yêu trải rộng đến mọi người không phân biệt bạn thù, giầu nghèo, giai cấp…tiêu chuẩn cuối cùng để Thiên Chúa xét đoán sự công chính của mỗi người là tình yêu họ dành cho tha nhân (Mt 25,31-46). Nên sự sám hối cũng như sự tu sửa của người Kitô hữu để đón Chúa đến phải nhắm đến tình yêu, sự quan tâm của mình đối với tha nhân, đối với xã hội, quê hương, đất nước và toàn thể nhân loại. Trong chiều hướng đó, Lời Chúa hôm nay “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” cần phải được hiểu không chỉ áp dụng cho bản thân mỗi cá nhân mà còn cho cả Giáo Hội và xã hội nữa.

Tuy nhiên, thực hiện việc Sám Hối không phải dễ, cũng như không phải làm một lần là xong như câu chuyện ” một nữ giang hồ trở thành một vị thánh”.

      Angiêla là con gái của một gia đình quí phái ở thị trấn Phôlnhô nước Ý, lại sống giữa bầu không khí xa hoa và ảnh hưởng xấu xa nơi bạn bè, Angiêla (1248-1309) đã sớm trở nên một thiếu nữ trụy lạc. Sau khi lập gia đình, Angiêla vốn có tâm hồn nhạy cảm, ham khoái lạc, nên vẫn thích cuộc đời giang hồ nay đây mai đó.

      Vào một ngày trong năm 1285, đang trên con đường gió bụi, Angiêla gặp cơn giông tố, chị hoảng sợ chạy vào một nhà thờ gần đó để kêu cầu Chúa ngự trong Thánh Thể giúp đỡ. Angiêla xin cha xứ ở đây giải tội cho chị, nhưng chị đã không xưng hết tội nặng, lại liều mình chịu Mình Thánh Chúa. Hành động này đã làm tâm hồn chị xao xuyến, lương tâm cắn rứt đêm ngày không yên. Nhưng chị không ngã lòng nản chí, chị tha thiết cầu nguyện xin Chúa ban cho mình được gặp một linh mục giải tội khôn ngoan, thánh thiện để hoàn toàn tuân theo lời chỉ dẫn của ngài. Sống trong tâm trạng lo âu, băn khoăn xao xuyến, nhưng chị vẫn tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ giúp chị vượt qua con đường gian nan này. Rồi một đêm kia dưới ánh trăng dịu dàng, Angiêla nâng hồn lên khẩn cầu thánh Phanxicô Assisi giúp đỡ. Thánh nhân đã hiện ra với chị và nói:

      – Nếu con xin cha sớm, thì cha đã cứu con, nhưng cha sẽ nài xin Chúa nhận lời con.

      Sáng hôm sau, khi cảnh vật còn chìm trong giấc ngủ, Angiêla đã thức dậy thật sớm để đi lễ ở nhà thờ thánh Phanxicô Assisi, và xin Chúa cho chị được gặp linh mục để xưng tội. Khi trở về, chị ghé vào nhà thờ thánh Fêlixianô để viếng Thánh Thể. Ở đây, Angiêla đã gặp một cha dòng Phanxicô và chị đã xưng hết các tội đã phạm. Sau bao ngày ưu tư lo lắng, lương tâm ray rứt, giờ đây chị đã tìm lại được sự bình an đích thực trong tâm hồn.

      Sau khi xưng tội rước lễ, Angiêla quyết xây dựng cuộc đời mới, cuộc đời suy niệm sự đau khổ của Chúa Giêsu, khấn giữ mình trong sạch và khó nghèo. Chị đem quần áo tốt đẹp phân phát cho người nghèo. Và để được kết hợp mật thiết với Chúa hơn, chị còn muốn bán hết gia tài làm phúc cho người nghèo rồi đi ăn xin. Nhưng vâng lời cha linh hướng, chị không bán nhà cửa, mà chỉ sống đời trần thế, suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, và làm phúc cho người nghèo khó.

      Năm 1291, Angiêla vào dòng ba Phan Sinh, chị sung sướng tuân giữ luật dòng, chị thường xuyên đi thăm viếng các bệnh nhân, phân phát những của đã xin được cho người nghèo, rửa tay chân cho họ, và đặc biệt lau chùi tay chân những người mắc bệnh phong cùi. Chị đã làm như thế suốt cuộc đời của chị.

      Năm 1693, Đức Giáo Hoàng Innôxentê phong chị Angiêla lên bậc Chân Phước. Từ một người tội lỗi, Chân Phước Angiêla đã biết lấy tình yêu nồng nhiệt để bù lại những lỗi lầm quá khứ. Hành động đó là bài học muôn đời cho những con người tội lỗi biết ăn năn sám hối.[1] Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Luy Gonzaga Maria, 101Giai Thoại Các Thánh, trg.201-202

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …