Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 3BB TN

Những Môn Đệ Đầu Tiên

Mc 1,14-20c(Mc 1,14-20)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Biển hồ Galilê

Dân chúng Galilê quây quần sống chung quanh biển hồ Galilê. Hồ dài 13 dặm từ bắc xuống nam, rộng 8 dặm từ đông sang tây. Hồ không lớn, nên Luca không bao giờ gọi là biển hồ (thalassa) mà luôn luôn gọi là hồ (limnè, lake). Hồ có hình bầu dục, phía trên rộng hơn phía dưới. Hồ nằm vào giữa thung lũng lớn Giôđan, nên mặt hồ thấp dưới mặt biển chừng 680 bộ (feet). Vì vậy khí hậu hồ rất ấm, làm miền chung quanh phì nhiêu. Đó là một trong những hồ đẹp nhất thế giới. W.M.Tomson mô tả: từ phía nào, hồ cũng hiển hiện rất đẹp, không khác tấm gương giữa vùng đồi núi… vào thời Giosép, không dưới 9 làng xã đông người chung quanh hồ; ‘không làng nào dưới 15.000 người’ (Lc tr.56). Vào những năm 1930, thời H.V.Morton, chỉ còn Tiberias chút ít lớn hơn một làng, tồn tại. Và cho đến nay, Tiberias vẫn là làng lớn nhất tại Galilê và vẫn còn tiếp tục lớn mạnh. Vào thời Chúa Giêsu, hồ Galilê có nhiều thuyền đánh cá, Giosep tính được hơn 240 thuyền ra khơi từ Tarichaea, nhưng ngày nay không còn nhiều như thế. Chài lưới có ba loại. Câu bằng cần. Quăng, rộng tới 9 bộ, Phêrô và Anrê Gioan và Giacôbê dùng loại này. Người ta quăng từ bờ boặc những nơi nước nông. Kéo từ một hay hai thuyền. Loại chài lưới này được nói trong dụ ngôn mẻ lưới gọi là sagènè.

2.Đây là lần cuối cùng Chúa gọi các ông

Chúa Giêsu đi bộ trên bờ hồ; Người gọi Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Đây không phải là lần đầu các ông gặp và Chúa gọi các ông. Như Gioan kể lại thì, ít nhất, vài ông đã là môn đệ của Gioan tiền hô (Ga 1,36). Không nghi ngờ, những ông này đã từng gặp gỡ, nói chuyện với Chúa; nhưng đây là lần chót, quyết định, các ông bỏ mọi sự đi theo Người.

Người Hy Lạp thường thuật lại việc Xenophon lần đầu tiên gặp Socrates. Socrates gặp Xenophon trong ngõ hẻm, dùng gậy chặn Xenophon, hỏi cái này cái kia mua ở đâu, cái kia cái này làm ở đâu. Xenophon trả lời, Socrates lại hỏi vậy ở đâu làm người ta tốt lành thánh thiện, Xenophon đáp không biết, lúc ấy Socrates bảo vậy hãy đến theo tôi.

Chúa Giêsu cũng thế, gọi những thợ chài lưới này đi theo Người. Họ không phải là những người học thức, có ảnh hưởng, giầu có hay gia thế. Họ không nghèo mà chỉ là những người lao công, không có trình độ và chắc chắn, như có người nói, họ không có tương lai. Đó là những người Chúa gọi, Chúa chọn, những người bình thường. Cũng như Aeschines, một người rất bình thường. Ngày kia, Aeschines đến gặp Socrates, nói ‘Tôi nghèo, không có gì cả, nhưng tôi xin đi theo ông’. Socrates đáp ‘ngươi lại không biết ngươi đã cho tôi những gì cao quí nhất sao’. Chúa Giêsu cũng thế. Những người Chúa muốn là những ai tầm thường nhưng sẵn đi theo Người. Người có thể dùng họ như Người muốn. Và họ là những người chài lưới.[1]

3.Mục đích Chúa gọi các môn đệ

3.1.Họ là ai

Giosép, từng là thống đốc và là sử gia lớn, nói: trong thời ông có 330 thuyền đánh cá. Thường dân chỉ có khả năng ăn thịt một lần một tuần. Cá là thức ăn thường (Lc 11:11;Mt 7:10;Mc 6:30-44). Những thành chung quanh hồ cũng nói lên cá là thức ăn thường. Bethsaiđa Nhà của thợ cá, Tarichaea nơi cá khô… từ đó xuất cảng lên Giêrusalem và cả tới Rôma. Những ngư phủ rất tài khéo trong việc bắt cá. Các tông đồ là những người thường dân. George Brnard Shaw đã từng nói: tôi thấy giới lao động chẳng là gì, ngoài việc phải loại trừ họ để thay bằng lớp người khác. Trong kịch bản The Patrician của John Galsworthy, Miltoun tuyên bố: bọn mày, sao đáng ghét, bọn điên, nghe đến là buồn nôn, nhìn thấy mà đáng ghét… Carlyle cũng tuyên bố: trong khoảng 27 triệu dân Anh, thì hầu hết là điên! Ngược lại Lincoln lại dịu giọng hơn: Thiên Chúa phải thương người bình dân lắm nên mới dựng nên nhiều người như vậy. Chúa Giêsu thì: cứ cho tôi 12 người thường, tôi sẽ thay đổi thế giới.

3.2.Các ông đang làm gì

Các ông đang làm những công việc thường ngày. Các tiên tri xưa cũng thế. Như Amos: tôi không phải con cái vị tiên tri mà chỉ là người chăn… (7,14-15). Thiên Chúa không những gọi người ta tại các thánh đường, nhà Chúa, mà còn gọi người ta trong gia đình họ, trong công việc thường ngày của họ… Mac Andrew nói: ‘từ cặp vỏ tầm thường cho đến người hướng dẫn, con thấy tay Ngài, lạy Thiên Chúa; Tiến bộ đều ở trong tay Ngài’. Con người sống trong thế giới đầy tràn Thiên Chúa, làm sao tránh khỏi được Người.

3.3.Chúa kêu gọi làm sao

Một cách rất bình thường: hãy theo tôi. Họ đang đứng trong đám đông lắng nghe. Họ ở lại, chuyện trò với Chúa sau khi đám đông rút lui; họ cảm thấy có gì nơi Chúa… Chúa không nói lý thuyết, chương trình, dự tính … nhưng chỉ nói: hãy theo tôi. Ta ngưỡng mộ người nào bằng lý lẽ, nhưng yêu họ không bằng lý lẽ. Chính Chúa đã nói ‘phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi’ (Ga 12,32). Đa số các trường hợp, người ta theo Chúa không phải vì những lời Chúa nói mà vì con người của Chúa.

3.4.Gọi họ để trao cho họ một công việc

Chúa không gọi để an nghỉ, dễ dãi, nhưng để làm một công việc. Như có người nói ‘tất cả những gì con người cần là phải có gì để đầu tư cuộc đời mình’… Chúa Giêsu gọi người ta không phải để người ta sống cuộc đời dễ dãi, mà để nỗ lực, cố gắng, tiêu hao và chết cho công việc vì số phận của mình và đồng loại…[2]

 

II.CHIASẺ TIN MỪNG

Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy gian nan thử thách, nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.

– Trong các thành phần Dân Chúa, chúng ta thấy nổi bật nhất là các Tư Tế ở Đền Thờ Giêrusalem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc tế lễ thờ phượng Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.

– Kế đó, thành phần Luật Sĩ là những người học rộng và thông thạo Thánh Kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế nhưng Chúa Giêsu cũng không chọn một ai trong số các vị ấy làm tông đồ của Người.

– Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người Biệt Phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế rất xứng đáng đứng vào hàng ngũ lãnh đạo Dân Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu cũng không chọn bất cứ người Biệt Phái nào làm tông đồ cho Người. Như vậy, Chúa Giêsu đã không chọn những người có địa vị trong xã hội, những người giàu sang quyền quý hay những bậc trí thức làm môn đệ đầu tiên của Người, nhưng lại chọn gọi những người chài lưới.

Tại sao Chúa Giêsu lại chọn các ngư phủ làm môn đệ đầu tiên?

Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi;

từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trập trùng; không sợ đói, không sợ khát; không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió. Nói chung, họ có khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.[3]

Chính vì thế nhiều học giả đã nêu lên những đức tính của người ngư phủ:

1.Nhẫn nại

Kiên nhẫn chờ cá cắn câu; không kiên nhẫn chờ đợi, hay thay đổi, không bao giờ bắt được cá. Chài lưới cá đã khó, mà chài lưới người còn khó hơn. Việc rao giảng, dạy dỗ thường không có kết quả ngay. Phải kiên nhẫn chờ đợi, không bao giờ được nản chí.

2.Can đảm

Như một bô lão Hy Lạp xưa đã cầu xin để các thần linh phù trợ: “thuyền của tôi thì nhỏ bé quá mà đại dương lại mênh mông vô bờ”. Phải sẵn sàng đối diện với sóng gió bão táp hiểm nguy của đại dương.

3.Tinh ý

Người chài lưới khôn ngoan biết khi nào quăng câu thả lưới, khi nào không. Người giảng, dạy dỗ cũng phải tinh ý, tinh mắt, khi nào người ta sẵn sàng nghe, khi nào họ tỏ dấu mệt mỏi; khi nào sự thật có thể đánh động lòng họ, khi nào sự thật chỉ làm họ chai đá hơn; khi nào phải nói khi nào không.

4.Dùng đúng mồi

Mỗi thứ cá phải có những loại mồi khác nhau. Cá này thích mồi này, cá khác thích mồi khác. Người ngư phủ kinh nghiệm biết dùng thứ mồi nào để bắt cho được cá. Ông cũng biết sự hạn hẹp của mình, lãnh vực mình có thể làm, lãnh vực mình không thể làm.

6.Ấn mặt

Câu cá, thả lưới mà chường mặt ra, ngay cả bóng dáng, cũng khó lòng bắt được cá. Người rao giảng, dạy dỗ khôn ngoan, không được nói về mình mà phải nói về Chúa Giêsu. Mục đích không phải là hướng dẫn người khác nhìn vào mình mà nhìn vào Đấng Trên Cao.[4]

Chúng ta nhìn vào các môn đệ đầu tiên. Các ngài chỉ là những người bình thường,

không thuộc hàng quí tộc, không có học thức cũng không giàu có. Các ngài chỉ là ngư dân, nghĩa là những con người tầm thường, bình dị. Chưa hề có ai tin tưởng vào những con người bình thường như Chúa Giêsu. George Bernard Shaw có lần nói “tôi chưa hề nghĩ gì về giai cấp công nhân, ngoại trừ muốn xóa bỏ nó đi để thay vào bằng những người nhạy cảm”.

Trong quuyển “The patrician”, John Galsworthy ký thác lời cho một nhân vật của ông:

“Quần chúng, tôi không ưa họ, tôi ghét sự ngu xuẩn đê tiện của họ, tôi ghét tiếng ồn ào của họ, ghét nhìn thẳng gương mặt họ, nó nhỏ mọn xấu xí làm sao ấy”. Chúa Giêsu không như vậy. Lincoln đã từng nói: “Đức Chúa Trời yêu thương giới bình dân, Ngài đã tạo ra họ thật đông đảo”. Dường như Chúa Giêsu muốn mời gọi “hãy giao cho tôi mười hai người tầm thường, và với chừng ấy, nếu họ tự hiến thân cho tôi, tôi sẽ thay đổi cả thế giới này.”Đừng bao giờ chúng ta nghĩ quá nhiều về mình, nhưng hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ biến đổi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, chúng con được trở thành con cái của Chúa và Chúa cũng mời gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con. Amen.

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, Quyển Hai, Tập Một, trg.193-194

 

[2] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, Quyển Hai, Tập Một, trg.195-196

[3] Lm. Ignatiô Trần Ngà, CN 3B TN

[4] Lm. Giuse Phạm văn Tuynh,O.P,Theo Chúa Khitô (Quyển 2 (tập I) trg.190-191

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …