Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III mùa Chay, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III mùa Chay, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

(Xh 20, 1-17; 1Cr 1, 22-25; Ga 2, 13-25)

“Sự nhiệt thành vì Nhà Chúa thiêu đốt tôi”

 

Tin mừng Gioan 2, 13-25:

1_resizeGần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giêsu lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”. Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”. Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.

Trong lúc Đức Giêsu ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

Suy niệm:

Việc Chúa thánh tẩy đền thờ Giêrusalem đã được 4 tác giả Tin mừng ghi lại: Chúa Giêsu vào đền thờ và dùng quyền năng đuổi nhưungx kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ: “Đừng làm cho nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Những hoạt động của Chúa Giêsu trong thành thánh nói lên sứ mạngThiên Sai của Người đối với nhân loại.

Hành động mạnh mẽ, quyết liệt của Chúa Giêsu đã làm cho các thủ lĩnh Do Tháitức giận, con buôn ngỡ ngàng và họ hạch hỏi, đòi xin một dấu lạ minh chứng Chúa có quyền hành động như thế nơi đền thờ. Lợi dụng cơ hội đó, Chúa lập lại dấu chỉ mà Ngài đã nói trong Phúc âm Nhất Lãm. Đó là dấu chỉ tiên tri Gioana. Ngài nói: “Cứ phá đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Người Do Thái hiểu nghĩa vật chất. Đền thờ Giêrusalem vua Hêrôđê trùng tu năm 19-20 trước công nguyên và hoàn tất năm 62-64. Còn Chúa Giêsu hiểu nghĩa tinh thần: Thân xác Ngài chính là đền thờ Thiên Chúa, những người Do Thái sẽ phá hủy và ngày thứ ba Người sẽ sống lại.

Thánh Gioan đã nhìn thấy biến cố Chúa thanh tẩy đền thờ có tương quan đến mầu nhiệm vượt qua của Chúa: Sự chết và sự phục sinh của Ngài. Biến cố này làm cho thủ lãnh Irael bất mãn, họ tìm cách giết Ngài. “Nhưng lúc người ta giết Ngài, Chúa thực sự tỏ ra thân xác Ngài là đền thờ đích thực, nhà của Thiên Chúa, cửa Thiên Đàng” (Ga 1, 51). Ngài chính là Đấng quyền năng trên sự sống và sự chết, trên vũ trụ và con người.

Lễ vượt qua của Do Thái sẽ được thay thế bằng Lễ vượt qua mới: máu chiên được thay thế bằng Chúa Kitô. Đền thờ vật chất Giêrusalem được thay thế bằng đền thờ mới là Giáo Hội và thân thể tín hữu (Ep 2,21. 4,12; 1Cr 3,16). Hy tế thập giá của Chúa Giêsu thay thế cho lễ tế chiên bò trong lễ vượt qua cuối cùng.

Theo Tin mừng Gioan, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến cơn thịnh nộ của Chúa Giêsu. Bình thường Ngài rất hiền lành, độ lượng. Cơn giận của Chúa thể hiện qua hành động “Xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, còn tiền của những kẻ đổi bạc, Ngài đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ…”. Chúa bực tức nóng giận khi thấy đền thờ bị biến thành nơi buôn bán, kinh doanh, hang trộm cướp… Điều này cho thấy Chúa Giêsu rất coi trọng đền thờ, nơi mà Ngài gọi bằng danh từ rất tôn kính mến yêu, đó là “Nhà Cha Tôi” “Nhà cầu nguyện”. Đền thờ là nhà Cha của Ngài, nên Đức Giêsu có sứ mạng bảo vệ, phục hồi bầu khí thiêng liêng cho đền thờ, vì là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa. Chúa hành động như thế là vì lòng nhiệt thành với Nhà Chúa: “Nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt thân”.

Ngày nay trong Giáo hội Việt Nam, nhà thờ mọc lên như nấm, nhiều nhà thờ mới được xây dựng với muôn hình vạn trạng khắp nơi. Người ta thi đua xây nhà thờ thật lộng lẫy, hoành tráng. Nhưng không để tâm xây dựng nhà thờ tâm hồn nơi mà Chúa Giêsu có thể ngự đến một cách sống động, đó là tâm hồn mỗi Kitô hữu chúng ta. Chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1Cr 3,16).

Xây dựng nhà thờ vật chất tương đối dễ, có tiền là xây nhà thờ được. Nhưng xây đền thờ tâm hồn quả là không dễ, có tiền cũng không xây được. Xây dựng đền thờ Thiên Chúa trong tâm hồn người Kitô hữu bằng những hành động sống đạo thiết thực: vun đắp tình yêu thương trong cộng đồng gia đình và xã hội, thực thi bác ái trong đời thường, sống lương thiện, công bằng… Nói cách khác, mến Chúa và yêu thương anh em là cách thế ta đang xây dựng và làm đẹp đền thờ Thiên Chúa nơi tâm hồn mỗi người tín hữu.

Nhà thờ là nơi tôn nghiêm quy tụ mọi tín hữu đến gặp gỡ Thiên Chúa, tôn thờ Thiên Chúa. Nếu hôm nay, Chúa Giêsu đến các nhà thờ trong giờ cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa hay đọc kinh… Có lẽ Chúa cũng không hài lòng vì người tín hữu chưa yêu mến, tôn kính “Nhà Chúa”, bầu khí chợ búa vẫn vương vẫn trong nhà thờ: đi tham dự lễ cho vui, hẹn hò gặp nhau trong giờ lễ, đi đến nhà thờ để trình diện áo quần, kiểu tóc, khoe khoang công đức, lo ra chia trí, nói chuyện trong nhà thờ… Có lẽ Chúa cũng mời chúng ta ra khỏi nhà thờ, Ngài không muốn “nhà thờ”, “Nhà Cha Ngài” bị xúc phạm.

Hơn nữa, có những tín hữu đi dự lễ không bao giờ vào nhà thờ: ở ngoài, ngồi trên xe dự lễ, ngồi gốc cây nói chuyện… bên trong nhà thờ vẫn còn nhiều ghế trống, đi dự lễ cho có mà chẳng có một chút lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Có lẽ Chúa Giêsu lại phải bực dọc mời họ vào trong nhà thờ để tham dự thánh lễ sốt sắng hơn, và khuyến cáo họ sống đạo chân thành, loại bỏ những lỗi sống đạo hình thức thiếu tâm tình yêu mến.

Thánh lễ là lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá được hiện tại hóa trên bàn thờ để tiếp tục ban ơn cứu độ cho nhân loại, thì mỗi thánh lễ mang sức sống mới của Đức Giêsu Kitô phục sinh. Người chính là đền thờ mới, nơi nhân loại tôn thờ Thiên Chúa cách đích thực.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …