Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 3B MC

Chúa Giêsu đánh đuổi con buôn trong hành lang Đền Thờ

Ga 2,13-25(Ga 2,13-25)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Lý do làm Chúa Giêsu nổi giận

1.Nhà Thiên Chúa bị tục hóa

Nhà Thiên Chúa bị tục hóa, bất kính. Tôn kính là điều tự nhiên tại các nơi thờ phượng. Edward Seago, một nghệ sĩ, kể ông đem hai đứa trẻ lang thang đi thăm Vương Cung Thánh Đường bên Anh ra sao. Thường thì đây là hai đứa trẻ thơ dại, thế mà ngay lúc tới Thánh Đường, chúng nghiêm trang im lặng khác thường; suốt đường về, chúng vẫn nghiêm trang cho đến mãi chiều tối. Sự tôn kính tự bản năng đã khiến chúng nghiêm trang trong nơi thánh thiêng. Nghi lễ mà không có sự tôn kính thì thực đáng sợ. Có khi chỉ theo hình thức, có khi chỉ đọc ngoài môi không hồn, không biết đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thờ phượng không được chuẩn bị, lộn xộn, không trật tự, thiếu nghiêm trang… đó là việc thờ phượng mà người đứng đầu hay cả cộng đoàn hoàn toàn không chuẩn bị gì. Đó là dùng nhà Thiên Chúa vì mục đích riêng, quên đi sự tôn kính và mục đích thật của nhà Chúa. Hàng nhiều thế kỷ xưa, các tiên tri đã nói đúng như thế. “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm…” (Is 1,11-17); “vì khi đưa cha ông các ngươi ra khỏi đất Ai Cập, Ta đã chẳng nói gì với chúng, chẳng truyền dạy chúng điều chi về lễ toàn thiêu và lễ hy sinh cả” (Gr 7,22); “chúng mang chiên mang bò đến tìm Đức Chúa, nhưng chúng sẽ không gặp được Người, vì Người đã tránh mặt” (Hs 5,6); “hy lễ dâng Ta thì chúng cứ dâng, chúng cứ ăn thịt đã sát tế, nhưng Đức Chúa sẽ chẳng đoái hoài…” (Hs 8,13); “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” (Tv 51,16). Ngày nay có thể là kính mầu, đàn sịn, đá quí… nhưng chỉ có bề ngoài…

2.Maccô cho một chi tiết hay các thánh ký khác không nói ‘Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc’ (11,17)

Đền Thờ gồm khu cho dân ngoại, khu cho phụ nữ, khu cho người Do Thái, khu cho Tư Tế. Lộn xộn xẩy ra tại khu dành cho dân ngoại, là khu những người ngoại mới có thể đến để cầu nguyện. Chỉ có nơi đó dành cho họ, mà giờ đây giới chức đã biến thành chợ… bò kêu, chiên rống, chim gáy, bán rong rao hàng, tiền cắc loảng xoảng, cãi lẫy… ngày nay có thể cũng giống vậy vì ham địa vị, độc chiếm, lạnh lùng, thiếu xã giao, muốn thành những tốp riêng, vênh vang tự đắc… 

3.Phản ứng trước việc Chúa đuổi con buôn trong hành lang Đền Thờ

3.1.Phản ứng của các Môn đệ

Trước cảnh tượng đó, các môn đệ nhớ ngay lời Thánh Vịnh “vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (69,10). Chỉ vì lời Thánh Vịnh này chỉ về Đấng Mêsia. Khi Đấng Mêsia đến, Người sẽ nhiệt tâm với những việc trong Nhà Chúa. Nhớ đến lời Thánh Vịnh, các ông thâm tín Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Hành động như thế chỉ thích hợp cho Đấng Mêsia, vì thế các ông càng thâm tín Chúa Giêsu là Đấng đã được xức dầu của Thiên Chúa.

3.2. Phản ứng của người Do Thái

Họ chất vấn Chúa làm gì có quyền hành động như thế và đòi bằng chứng. Bởi vì họ biết những hành động của Chúa Giêsu phải là hành động của Đấng Thiên Sai. Họ luôn tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, Người sẽ làm những việc lạ lùng. Vì thế họ hỏi: hãy làm gì nữa để chứng minh mình là Đấng Mêsia. Câu đáp của Chúa tạo ra một vấn đề lớn. Thực sự Chúa nói thế nào và Người có ý gì. Nên nhớ câu 21 và 22 là lời giải thích của Gioan lâu sau này. Thực sự Gioan đã đọc trong đoạn này những ý tưởng là kết quả của 70 năm suy nghĩ về việc Chúa sống lại, như Irenaeus nói ‘không lời tiên tri nào được hiểu đầy đủ cho đến khi sự kiện đã được kiện toàn’. Nhưng thực sự, Chúa đã nói thế nào và có ý nói gì? Chắc chắn, Chúa không nói những lời để làm cớ cho họ tố cáo Người. Khi kết án, người ta tố cáo sai lầm rằng “tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại” (Mt 26,61); họ cũng tố cáo Têphanô tương tự: “vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu, người Nadarét sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6,14).[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Hôm nay, Chúa Giêsu đã phẫn nộ khi bước vào hành lang đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa lại có thái độ như thế? Chúng ta hãy tìm hiểu một chút về cách tổ chức cũng như sinh hoạt tại  đền thờ Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu.

Trước hết là về việc đóng thuế cho Đền Thờ. Thuế Đền Thờ là sắc thuế mà mỗi người Do Thái từ 19 tuổi trở lên phải nộp. Đó là phần dành cho việc dâng các sinh tế và lễ nghi trong Đền Thờ hằng ngày. Tiền thuế phải nộp là nửa siếclơ, bằng gần hai ngày lương của một công nhân.

Trong việc giao dịch bình thường, mọi loại tiền đều có giá trị ở Palestine. Các loại tiền bằng bạc lưu hành từ Rôma, Hy Lạp, Ai Cập đến Tyrô, Siđôn và Palestine đều có giá trị. Nhưng tiền thuế Đền Thờ phải nộp bằng đồng siếclơ Galilê hoặc siếclơ của Đền Thờ. Đó là loại tiền Do Thái dùng để dâng cho Đền Thờ. Các loại tiền khác là của người ngoại, do đó bị xem là ô uế. Chúng được dùng trả các món nợ thường, nhưng không thể dùng trả nợ cho Chúa. Khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến với đủ loại tiền, nên trong Đền Thờ có nhiều người đổi bạc. Nếu họ hành nghề ngay thẳng, thật thà, thì họ đã thực hiện một mục đích chân thật và cần thiết. Nhưng muốn đổi lấy một đồng nửa siếclơ tiền để dâng cho Đền Thờ, người ta phải trả tương đương với ¼ tiền lương một ngày; như vậy cứ đổi 4 đồng nửa siếclơ thì người đổi lợi được một số tiền tương đương một ngày công. Do đó, số tiền thuế Đền Thờ thu được và lợi tức đổi bạc thật khủng khiếp.

Thu nhập của Đền Thờ về khoản thuế đó hằng năm ước lượng khoảng 75.000 bảng Anh, lợi tức hằng năm của những người đổi bạc là 9.000 bảng Anh. Năm 54 TC, Crassus chiếm thành Giêrusalem, cướp kho Đền Thờ, đã lấy của kho ấy 2.500.000 bảng Anh, nhưng chưa lấy hết.

Thực ra, việc những kẻ đổi bạc ăn lời khi đổi tiền cho khách hành hương tự nó không có gì sai quấy. Kinh Talmud quy định: “mỗi người cần có đồng nửa siếclơ để nộp thuế cho mình. Do đó, khi đổi đồng một siếclơ để lấy hai đồng nửa siếclơ, người ấy phải cho kẻ đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu đựng tệ nạn đổi bạc bóc lột với giá cắt cổ. Thật là một bất công, và càng tệ hại hơn nữa là người ta nhân danh tôn giáo để làm việc ấy.

Bên cạnh bọn đổi bạc, còn có một số người bán bò, chiên và bồ câu. Thường thì mỗi lần đến Đền Thờ là một lần dâng lễ vật. Nhiều khách hành hương muốn dâng một lễ vật cảm tạ vì chuyến hành trình đến thánh địa bình an, hầu hết các hành động hoặc biến cố xảy ra trong đời sống đều có một lễ vật tương ứng. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua được các con vật tại sân Đền Thờ. Nhưng luật quy định bất cứ con vật nào dùng làm của lễ đều phải lành lặn, không tì vết. Ban quản trị Đền Thờ phân công những người kiểm tra súc vật. Mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí 1/12 siếclơ. Nếu khách hành hương mua con vật ngoài Đền Thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét.

Vấn đề dường như chẳng có gì quan trọng, nhưng khốn nỗi, một con vật mua trong sảnh Đền Thờ có khi phải trả đắt gấp mười lăm lần giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Chính điều ấy đã khiến Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.

Một lý do khác khiến Chúa Giêsu hành động như thế mà chỉ có Maccô ghi lại: “Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Mc 11,17).

Để hiểu điều này, chúng ta phải biết cách bố trí của Đền Thờ Giêrusalem. Đền Thờ gồm nhiều hành lang dẫn vào trong Đền Thờ và nơi Thánh. Trước hết có hành lang dành cho dân ngoại, rồi đến hành lang dành cho phụ nữ, tiếp đến là hành lang dành cho Israel, rồi đến hành lang cho các tư tế. Cảnh buôn bán kể trên diễn ra trong hành lang dành cho dân ngoại, là nơi duy nhất người ngoại có thể tới trong Đền Thờ. Một người ngoại chỉ có thể đến đó và bị cấm không tiến xa hơn nữa. Như thế, một người ngoại có thể vào hành lang dành cho họ để cầu nguyện và đứng từ xa tiếp xúc với Chúa. Đây là chỗ cầu nguyện duy nhất dành cho họ. Thế mà, ban quản trị Đền Thờ và các con buôn người Do Thái đành biến hành lang ấy thành nơi huyên náo, hỗn loạn khiến không ai có thể cầu nguyện được.

Quang cảnh như vậy của hành lang Đền Thờ đã loại bỏ mất những người ngoại muốn tìm kiếm Chúa. Có thể đó là điều đập mạnh vào tâm trí Chúa Giêsu; và chỉ một mình Maccô mới giữ được câu nói ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa: “nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Mc 11,17). Chính vì vậy Chúa đã xúc động tận tâm can khi thấy những người muốn ra mắt Chúa lại bị ngăn chặn lại.[2]

Trong sinh hoạt của Giáo Hội chúng ta ngày hôm nay như thế nào? Biết đâu có khi thái độ kỳ thị, phân chia giai cấp, lạnh lùng, kém niềm nở, thái độ kiêu căng, làm khó dễ của chúng ta đã đẩy những người lương, những người muốn tìm kiếm Thiên Chúa ra khỏi nhà thờ, ra khỏi xứ đạo của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại cơn giận của Chúa Giêsu đối với những ai làm khó dễ những người thiện chí muốn tìm kiếm Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Một câu chuyện minh họa: khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là Tám Mối Phúc Thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ quê hương của ông.

Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo. Ngày nọ, Gandhi đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và nói như sau: “đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu ông muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da mầu”! Gandhi tức giận bỏ đi và ông đã ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn Giáo của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn Giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ rồi”!

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh O.P. Theo Chúa Kitô quyển hai Tập một, trg.150-151

 

[2] William Barclay

 

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …