Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm B của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm B của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

(Ga 2,13 – 25)

Đền thờ là nơi Thiên Chúa tuyệt đối cao vời ngự. Đừng phá hủy Đền thờ Thiên Chúa bằng cách lợi dụng Đền thờ để kiếm tiền, vì Thiên Chúa có khả năng xây dựng một Đền thờ mới xứng đáng hơn. Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu những nét đặc trưng của Đền thờ mới này.
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây và đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” Với những lời đó, Chúa Giêsu làm một cuộc thanh tẩy đền thờ. Cuộc thanh tẩy nầy xem ra rất quan trọng vì Chúa Giêsu làm điều ít khi làm: “Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn, cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ…” 
Thái độ đó xem ra hơi lạ vì ít khi chúng ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Người bình thản đón lấy nụ hôn bội phản của Giuđa. Người lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội. Vậy mà ở đây Chúa Giêsu lại có những phản ứng mạnh mẽ cho dù những chuyện buôn bán này chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi đền thờ, và nhằm phục vụ nhu cầu tế tự của người hành hương về đền thờ Giêrusalem vào các dịp đại lễ. 
Chính Chúa Giêsu đã cho biết lý do đó là: “Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,10). Như thế, vì yêu mến Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu nổi giận. Người thấy cần phải thanh tẩy Đền thờ cho dù điều này sẽ dẫn Người đến chỗ bị giết chết. Người muốn thanh tẩy đền thờ để chứng tỏ: “Sự nhiệt thành vì Nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Thế nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở nơi đó. Khi bị chất vấn Chúa Giêsu nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ nầy đi, nội trong ba ngày ta sẽ dựng lại” và Thánh Gioan giải thích: “Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”. Câu nói mầu nhiệm nầy chỉ được sáng tỏ phần nào trong giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá; lúc đó bức màn của nơi cực thánh Đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm hai, như cho con người hiểu rằng thánh điện cũ đã mất đi tính thần thiêng của mình, từ đây không còn là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài nữa. 
Như thế hành động thanh tẩy của Chúa Giêsu cho chúng ta hai ý nghĩa: một ý nghĩa đen và một nghĩa bóng. Nghĩa đen nói về đền thờ Giêrusalem vật chất, đền thờ nguy nga lộng lẫy đang xây dựng lại. Nghĩa bóng nói về đền thờ thiêng liêng: đền thờ thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đền thờ đích thật của Thiên Chúa; đền thờ được làm cho sống động bởi Chúa Thánh Thần để tôn vinh vinh quang Thiên Chúa Cha và đền thờ cũng là nhà Thiên Chúa Cha. Từ nay thân thể Đức Kitô là Đền thờ và đây mới là đền thờ vĩnh cửu của Thiên Chúa, vì không do bàn tay con người làm nên.
Khi nói đền thờ là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô thì cũng có nghĩa là chúng ta thuộc về đền thờ đó, đền thờ của Chúa Thánh Thần vì chúng ta thuộc về thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Đó là điều đáng cho chúng ta kinh ngạc. Thế nhưng điều kinh ngạc đó đưa đến một trách nhiệm lớn lao: đừng làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa. Nếu ngày xưa đền thờ Giêrusalem bị ô uế vì buôn bán đổi tiền thì ngày nay đền thờ của chúng ta cũng bị làm cho ô uế. Biết bao lần chúng ta đã đuổi Chúa ra khỏi đền thờ khi chúng ta phạm tội nặng? Biết bao lần chúng ta đặt vào đền thờ chúng ta tiền bạc, của cải vật chất thay vì Thiên Chúa? Biết bao lần chúng ta đã đặt vào đó các thần khác như thần sắc đẹp, thần thời trang, thần bạo lực, thần tính dục, thần kiêu căng, thần ganh tỵ, … thay vì Thiên Chúa?
Bài đọc thứ nhất cho thấy Thiên Chúa truyền cho dân Do thái 10 điều răn. Trong đó, điều răn thứ nhất nhấn mạnh rằng Thiên Chúa chúng ta là “Thiên Chúa ganh tỵ”. Ngài không chấp nhận kiểu đi nước đôi nên Ngài nói: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta”. Suy rộng ra chúng ta có thể áp dụng lời đó vào cuộc sống ngày hôm nay là: Đừng đặt vào đền thờ của chúng ta đầy những tượng thần kiêu căng ganh tỵ … Đồng thời bài đọc thứ nhất cũng cho thấy Thiên Chúa muốn những người thuộc về Chúa phải có một đời sống như 10 giới răn đòi hỏi.
Như chúng ta đã nói việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ mang 2 ý nghĩa: thanh tẩy đền thờ vật chất và tinh thần. Nếu ngày xưa, Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem vật chất thì hôm nay có lẽ Người cũng muốn thanh tẩy các Nhà thờ, nhà nguyện vật chất của chúng ta. Người muốn các Nhà thờ thật sự là nơi thờ phượng Thiên Chúa, là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa. 
Tuy nhiên, nhìn vào hiện tại chúng ta thấy nhiều khi Nhà thờ quá ồn ào, nặng phần trình diễn. Có lẽ Chúa Giêsu phải đến một lần nữa để làm cho nhà thờ trở nên nơi người ta có thể đến thực sự gặp gở Thiên Chúa và kết hợp với sức sống lan toả từ Chúa Giêsu Phục sinh.
Vì thế, mỗi người chúng ta cần để tâm xây dựng con người mình, Đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Những đền thờ nầy cũng có thể trở nên ô uế, nên cần phải trông chừng để không bị những nguy hiểm tấn công. Để được như vậy thì cần phải loại bỏ trước tiên những đam mê xấu, những thứ lôi cuốn chúng ta ra khỏi thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, là Giáo Hội. 
Mùa Chay là thời gian tu sửa các Đền thờ, để tất cả cùng hướng về Đền thờ mới mà Chúa Giêsu Phục sinh đã xây dựng. Việc tu sửa đền thờ không phải là chuyện một sớm một chiều. Xin Chúa giúp chúng ta trong mùa chay nầy biết thực sự hoán cải, biết đổi con tim bằng đá thành con tim bằng thịt để luôn sống trong nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh nhờ đó chúng ta góp phần làm cho đền thờ thiêng liêng của Chúa mỗi ngày thêm xứng đáng hơn.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …