Home / Chia Sẻ / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Hãy Thanh Tẩy Tâm Hồn Là Đền Thờ Chúa

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Chay – B

(Ga 2,13-25)

ga21325ALễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69, 10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người cần phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì giúp những người từ xa đến mua lễ vật trong khu vực Ðền thờ cho tiện lợi, vì họ khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Chúa quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo đồng lõa với một số người thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quầy buôn bán, Người lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẫn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng Đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  (Mc 2, 18) Chúa đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2, 19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu : thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người là Ðền Thờ đích thực, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để gặp gỡ và ngỏ lời với con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân. 

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh Chúa.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Chúa cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, đền thờ Con Thiên Chúa ngự, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay Thánhgiúp chúng con khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …