Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Mùa Chay, Năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Mùa Chay, Năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

CN 2C MC

Biến Hình trong Đời Thường

(Lc 9,28-36)

  1. 3-13-2019 8-51-46 PMBa môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tabor

Vừa nghe bài Phúc Âm hôm nay, chắc có người thắc mắc là tại sao Chúa Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tại sao Đức Giêsu lại quyết định chọn ba ông từ Nhóm Mười Hai và cho ba ông chiêm ngưỡng vinh quang của Người trên núi Tabor?

Phải chăng các ông là những người tốt lành thánh thiện hơn trong số Mười Hai anh em? Đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy chính ba ông lại đầy những khiếm khuyết lỗi lầm. Chúa Giêsu biết rõ điều này hơn ai khác. Chúa biết biết rõ tâm tính của các ông. Người biết các ông vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng lại bộp chộp. Các ông hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng, chúng ta thấy Simon Phêrô có lần đã can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và Phêrô lúc đó đã bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Còn hai ông Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính tình nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt cho biệt hiệu là con của thiên lôi. Hai ông đã bị Chúa khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Và nhất là đang khi Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông chấp nhận tiến về Giêrusalem thì hai ông lại là người muốn tranh giành chỗ cao chỗ nhất trong anh em. Vì biết rõ sự yếu đuối của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Các ông cần phải được lĩnh hội những bài học tâm linh. Niềm tin của các ông phải được kiện cường hầu đủ sức để đương đầu với những khó khăn sắp xảy tới: con đường đau khổ, con đường Thập Giá.

2.Bây giờ chúng ta cùng nhau trở lại Núi Tabor trong bài Tin Mừng.

Trên Núi Tabor, bầu trời trong sáng và Đức Giêsu đang cầu nguyện. Trong khi Người cầu nguyện, khuôn mặt toả sáng, áo Người trắng như tuyết. Bên cạnh Người, có Môsê – người ban bố luật vĩ đại và Êlia – vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ. Rồi một đám mây bao phủ họ, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa.        

Họ được nghe thấy tiếng nói của Chúa Cha phát ra từ đám mây:“đây là Con yêu dấu của Ta, Người Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Phêrô thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hạnh phúc! Nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Êlia, và một cho Môsê”. Phêrô muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, xa khỏi những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ các ông, giúp các ông có khả năng đương đầu với những thử thách sau này.

Họ cần rất nhiều sự nâng đỡ! Bởi vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu. Áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa. Sẽ không còn tiếng nói phát xuất từ trời cao, nhưng là những giọng nói chế giễu và nhạo báng, chính vì vậy làm chúng ta liên tưởng đến Vườn Dầu. Tabor và Vườn Dầu, cả hai đều xảy ra trên núi.

– Trên núi Tabor, Chúa Giêsu từ hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa; ở Vườn Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.

– Trên núi Tabor, các môn đệ thấy được thiên tính vinh quang của Chúa Giêsu, khiến họ ngất ngây sung sướng, muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó; trên Vườn Dầu, họ thấy Chúa Giêsu trong nhân tính yếu đuối của một con người.

Hai biến cố giúp chúng ta hiểu được con người của Chúa Giêsu và cũng giúp chúng ta nhận ra thân phận con người trên trần thế. Quả thực hai sự kiện có liên hệ chặt chẽ với nhau. Và cả hai lần, họ đều ngủ, còn Chúa Giêsu lại thức để cầu nguyện. Điều duy nhất còn lại, đó là một lần nữa, Đức Giêsu vẫn cầu nguyện. Điều giúp Người trải qua, cả trong những giây phút sáng sủa lẫn tối tăm ảm đạm, đó chính là mối tương quan của Người với Thiên Chúa Cha.

3.Tabor và Vườn Dầu đối với chúng ta

Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể có được những kinh nghiệm về Tabor, ngọn núi của niềm vui mừng và hớn hở, nhưng chắc hẳn chúng ta cũng cần phải làm quen với Vườn Dầu. Trên Núi Tabor, chúng ta được thoáng thấy vẻ đẹp của Thiên Đàng: do được khích lệ, được phấn chấn, có thể chúng ta đã nghĩ rằng “thật tốt đẹp khi được ở đây”, nhưng chúng ta lại cũng cần phải được chìm đắm trong u tối của Vườn Dầu “tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34).

Tabor và Vườn Dầu mạc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính của Ngài. Hai biến cố này không thể tách lìa nhau như hai mặt của một đồng tiền, và như thế cho chúng ta thấy Ngài vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Hãy chấp nhận thập giá cuộc đời để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

  1. Biến Hình trong Đời Thường

Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: “vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nói lên lời.”

Maslow gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang ở trong một thế giới khác.

Ý tưởng về giây phút tột đỉnh giúp chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ngài đã cảm nghiệm được những giây phút tột đỉnh.

Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài của Chúa Giêsu. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới vượt trên thế giới này. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại diện của Chúa Giêsu đến những gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa vinh hiển và tuyệt mỹ.

Đó chính là  mục đích của việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor. Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm Vườn Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm Vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ngài đã bỏ đi hết, thì lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm Vườn Dầu sắp đến.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm Vườn Dầu và đêm khổ nạn. M.Twain người Mỹ đã từng nói “ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen.” Quả thật, trong cuộc sống, có những giây phút chúng ta cảm thấy thật hân hoan phấn khởi, nhưng cũng không thiếu những lúc chúng ta phải lầm lũi trong cô đơn trong sầu muộn. “Vầng trăng” và “đám mây” luôn đan xen trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi Tabor để củng cố đức tin cho các môn đệ khi các ông gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt đêm đen của Vườn Dầu hôm nay thì chắc chắn cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …