Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm C, của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy Niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm C, của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

HỄ NGƯỜI BẢO GÌ, THÌ PHẢI LÀM THEO

(Ga 2, 1-12)

h3Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta từng bước dõi theo những ngày đầu (sứ vụ công khai) của Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép rửa xong, Gioan Tiền Hô giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”; tiếp đến có ba môn đệ là: Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người; thầy có trò, tất cả cùng được mời đi dự tiệc cưới, chính tại Cana phép lạ đầu tiên xảy ra, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria (x. Ga 2, 1-12).

Vậy, đâu là ý nghĩa của Rượu được Chúa Giêsu biến thành từ nước? Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới hàm chứa điều gì?

Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa thành từ nước, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực. Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi ăn cưới, và với sự hiện diện của mình, Người đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Người đã đến dự đám cưới theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một hiền thê tinh tuyền. Người không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “Được sinh ra mà không phải được tạo thành“. Người đến đám cưới, không phải đến để ăn một bữa tiệc cho vui như bao nhiêu bữa tiệc khác. Người đến để mạc khải một sự diệu kỳ, đầy ngưỡng mộ. Người đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho gia nhân rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Người đã nói với Người: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3). Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: “Hỡi bà, Con với có can chi đâu” (Ga 2, 4)… khi trả lời: “Giờ Con chưa đến” (Ga 2, 4), chắc chắn đây là lúc Người loan báo giờ vinh quang của Người nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Người là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Maria xin một đặc ân hiện tại, Con Mẹ lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.

Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của Con Thiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Con Mẹ, kể cả khi nhận được câu trả lời: “Con với có can chi đâu” (Ga 2, 4); Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu:  “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” (Ga 2, 5). Chắc chắn Mẹ biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của thân phận làm người giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả … Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.

Chúng ta đang ở trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, hãy noi gương Mẹ Maria kiên nhẫn, cậy trông, cầu nguyện, đẩy lui sự thờ ơ ra khỏi chúng ta và mở rộng cõi lòng đến với mọi người.

Chúa Kitô đã làm phép lạ biến nước thành rượu ở Cana chính vì Đức Trinh Nữ Maria là một người rất quan tâm đến mọi người. Trong đám cưới, Mẹ phải để ý lắm mới phát hiện ra sự tế nhị trầm trọng này. Nhưng Mẹ không chỉ thấy rồi để trong lòng, mà vì tính ân cần chu đáo sẵn có nơi Mẹ, Mẹ đã trao những lo lắng của mình vào tay Chúa Giêsu, Con Mẹ, và đã hành động một cách hợp lý và can đảm. Mẹ lo lắng cho nhu cầu của đôi tân hôn, quan tâm đến người khác, chứ không đóng kín vào chính mình. 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Ngày nay chúng ta có thể thấy rất nhiều hoàn cảnh hết “rượu” là dấu chỉ của sự vơi cạn “hạnh phúc, tình yêu, và sự phong phú“. Ngài đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người trẻ trong chúng ta cảm thấy không còn tìm được những điều ấy trong nhà mình? Có bao nhiêu phụ nữ buồn chán và cô đơn tự hỏi khi nào tình yêu sẽ ra đi, sẽ rời bỏ cuộc sống của mình? Có bao nhiêu người già cảm thấy bị gạt sang một bên, đứng ngoài các ngày vui của gia đình, và hằng ngày khao khát chút tình yêu?” (Trích Bài giảng 06/7/15 tại Los Samanes, Guayaquil, Ecuador).

Đức Maria giải quyết việc thiếu rượu bằng cách tin tưởng đến với Chúa Giêsu, và cầu nguyện. Mẹ dạy chúng ta phải đặt gia đình vào tay Chúa, phải cầu nguyện, phải khơi dậy niềm cậy để thấy rằng lo lắng của tha nhân cũng là lo lắng của ta, và lo lắng của ta cũng là lo lắng của Chúa. Cầu nguyện luôn nâng chúng ta, giúp chúng ta thoát khỏi những lo lắng của mình. Cuối cùng Đức Mẹ đã hành động. Lời Mẹ nói với các người giúp việc “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” cũng là lời mời gọi chúng ta mở lòng mình cho Chúa Giêsu, “Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mc 10, 45).

Với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, Đức Maria chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo.

Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội; Mẹ Maria cũng ở đó. Giờ đây Mẹ vẫn hiện diện để giúp đỡ con cái mình sống tinh thần yêu thương và phục vụ tha nhân như Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu, và thực thi bác ái cũng như lòng xót thương với hết mọi chi thể của Chúa Kitô. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …