Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm B, của P. Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, năm B, của P. Trần Đình Phan Tiến

(Ga 1, 35 -42)

ĐƯỢC KÊU GỌI

h2_resizeThưa quý vị, thưa các bạn lời Chúa hôm nay (Ga 1, 35-42), Chúa Nhật II thường niên, trước Mùa Chay, cho chúng ta một chủ đề về “ơn kêu gọi”.

Bài đọc I (1 Sm 3, 3b -10. 19) trình thuật việc Chúa gọi Samuel, đoạn Lời Chúa nầy luôn gắn liền với ơn kêu gọi, cụ thể ơn gọi tu trì, tức bước theo sát Chúa Giêsu trên con đường rao giảng Tin Mừng, đồng thời là “con đường Thập giá”. Vì, muốn đến vinh quang phải bước qua Thập Gía.

Theo đó, Chúa gọi Samuel đến bốn lần, ba lần trước ông đều chưa nhận ra, đến lần thứ tư, thầy cả Hê-ly nhận ra và căn dặn ông, nếu: ”Nghe tiếng gọi nữa, thì hãy thưa: Lạy Chúa nầy con đây”.

Vâng, biết đáp lại Tiếng Chúa gọi, nhiều khi không phải dễ, được gọi trực tiếp hoặc gián tiếp, là điều không phải dễ dàng nhận ra. Như vậy, chúng ta thấy chi tiết nầy đáng cho những ai muốn nhận ra Tiếng Chúa gọi cần nhờ đến người “có kinh nghiệm”.

Tin Mừng hôm nay (Ga 1, 35 -42), cho chúng ta  ba ý chính:

  • Một là: Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình.
  • Hai là: Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên.
  • Ba là: Chúa Giêsu đặt tên cho thánh Phê-rô.

Như vậy, hai người trong số môn đệ của Gioan Tiền Hô là An-rê đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu sau khi nghe Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Kitô, còn một người khác thì không trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Hôm sau, thì ông An-rê đã giới thiệu em mình cho Chúa Giêsu, là ông Si-mon, nghĩa là Kê-pha, thì được Chúa Giêsu đặt tên là: Phê-rô, nghĩa là ” ĐÁ”.

Vâng, từ đây Phê-rô sẽ là nhân vật đáng chú ý nhất, hăng hái nhất, nhiệt thành nhất, “lo sợ nhất”, chối bỏ Thầy trước nhất.

Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng giao phó con thuyền Hội Thánh cho ông. Như vậy, cho thấy sức người và ân sủng siêu nhiên có một khoảng cách nhất định. Sức người không làm gì được, nhưng ân sủng thì vô biên. Con người thì mỏng giòn, nhưng, ân sủng thì kiên vững.

Theo đó, chúng ta thấy “tình nghĩa Thầy trò”, giữa Chúa Giêsu và Phê-rô có một sự nâng đỡ siêu nhiên gắn bó. Chúa Giêsu yêu thương Phê-rô, dù ông bất toàn, mỏng giòn dễ vỡ, nhưng Chúa Giêsu thật yêu thương người môn đệ vốn hăng hái, nhưng không biết điều mình nói và làm.

Vậy, điều quan trọng trong đoạn lời Chúa hôm nay là gì? Há chẳng phải là “nhân vật Phê-rô” sao?!

Thiên Chúa kêu gọi và tuyển dụng là Thiên Chúa trung tín không thay đổi, “yêu thương đến cùng”, là yêu thương trọn vẹn, sự chung thủy nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với phàm nhân là bất biến. Phàm nhân phản bội Thiên Chúa thì có, nhưng, Thiên Chúa không bao giờ phản bội người đời. Đọan Lời Chúa hôm nay cho chúng ta điều ấy.

Chúng ta thấy, Thiên Chúa là nguồn sống, sự sống vĩnh hằng và bất biến, nhưng, đã trao ban cho con người một cách thủy chung, son sắt như vậy, thì ai tách rời được. Vâng, cảm nghiệm được như thế, thánh Phao-lô đã nói: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô-Giêsu, dù cho thiên thần, âm phủ, hay những thứ gì đó… Không, không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Đức Kitô-Giêsu”.

Vâng, nối bước các ngài, những vị thánh thời nay cũng vậy, trong năm 2017 vừa qua, người ta thống kê được 10 gương mặt tiêu biểu trong Giáo Hội Công giáo đã “chết vì tình yêu Thiên Chúa” trong Đức Kitô. Trong đó, có một vị linh mục người Ý, thuộc dòng Sa-lê-giêng, được mệnh danh là “Thiên thần của những người cùi” tại Trung Hoa.

Cha đã từ bỏ đất nước của mình, gia đình, bạn hữu, anh em cùng dòng, để đáp lại lời mời gọi của các Đức Giám mục Trung Hoa, truyền giáo và lo cho người cùi tại đất nước xa xôi nầy.

Nhưng, đến năm 1950, cha bị nhà cầm quyền Cộng sản trục xuất ra khỏi Trung Hoa, nhưng cha lánh nạn sang Hồng-kông và tiếp tục với sứ mạng của mình đối với những người bạn cùi cho đến chết, thọ đến 102 tuổi. Di sản cha để lại cho người cùi nơi cha phục vụ thật lớn lao, bằng chứng nơi việc làm của cha không áp lực nào có thể phủ nhận được. Thật là một “gương chiếu sáng” như Ngôi Sao Hiển Linh.

Đến đây, chúng ta nhớ lại, tại Việt Nam cũng có một vị Tông Đồ người cùi, vị nầy chính là Đức cha Casseigner, hy vọng một ngày gần đây ngài được Giáo Hội nhìn nhận nhân đức anh hùng của ngài một cách hiển dương.

Theo đó, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước và ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv, 118, 105) là như vậy.

Các thánh là những người được gọi và đáp trả cách anh dũng tiếng Chúa kêu mời. Sống theo Lời Chúa và trung kiên với Ngài không phải chiều theo sự giả trá của thế nhân, mà là trung kiên vững bước theo Lời Chúa dạy, dù gian nguy, hiểm trở. Sống ngược lại với Lời Chúa là cạm bẫy satan.

Lạy Chúa Giêsu, Người là Đường, là Chân Lý, và là Tình Yêu. Xin soi dẫn con đi trong đường lối Chúa./. Amen.

Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG